* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
* Số đăng ký: BTTH 6019/KL:1025
* Chất liệu: Đồng
* Kích thước (cm): ĐKM: 134,4; ĐKĐ: 115; cao: 79,8
* Trọng lượng (gr):
* Số lượng: 01 (Một)
* Miêu tả: Vạc có dáng hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát (cao: 9cm), đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau (rộng quai: 21cm; cao: 16cm; rộng bản: 4cm; dày 5,5cm). Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ). Khoảng cách giữa các quai trang trí hoa văn hoa lá dây (gồm 4 cụm) và 2 dòng minh văn chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng, dịch nghĩa:
“Chính thống lĩnh Tạo Quận công quan khâm sai huyện Cẩm Thuỷ
Đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân”.
Bên ngoài sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình bông hoa 4 cánh (hoa chanh) xen kẽ vân mây (gồm 6 cụm hoa 4 cánh, mỗi cụm có từ 9 đến 11 bông và 6 dải vân mây) và được giới hạn bởi 2 đường gờ nổi chạy quanh. Ngăn cách phần thân với miệng và đáy bằng đường gờ nổi đậm hình sống trâu, hai bên có 2 đường gờ nổi nhỏ chạy quanh, thân trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc (gồm 6 ô). Sát đáy Vạc có một đường gờ nổi chạy quanh, một bên sát đường gờ (đối diện phần quai xuống đáy) có hình một lỗ lõm tròn được một đường gờ nổi bao quanh tạo thành hình gần tròn. Toàn thân Vạc được phủ một lớp patin màu xanh rỉ đồng.
* Hiện trạng: Nguyên
* Niên đại: TK XVIII – Lê Trung Hưng (Vạc được đúc vào ngày 28 tháng 11 năm 1752).
* Nguồn gốc, xuất xứ: Hiện vật do Ban chỉ huy Quân sự thành phố Thanh Hoá sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hoá khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX và bàn giao cho Bảo tàng ngày 01/8/2002.
* Lý do lựa chọn:
– Đây là hiện vật gốc độc bản, là một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo, mang tính địa phương rõ rệt thuộc thời kỳ Lê Trung Hưng. Ở nước ta tính đến thời điểm hiện nay, chưa có địa phương nào có được chiếc vạc đồng do một ông quan khâm sai huyện cho đúc, ngoại trừ 11 chiếc vạc đồng do hai chúa Nguyễn là: Nguyễn Phúc Chu (1631 – 1635), Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) và 4 chiếc vạc do vua Minh Mạng (1820 – 1840) cho đúc hiện đang trưng bày tại Huế.
– Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và Thanh Hoá nói riêng ở thời kỳ Lê Trung Hưng. Hai dòng minh văn trên Vạc bằng chữ Hán cho biết vạc được viên khâm sai huyện Cẩm Thủy Tước tạo quận công cho đúc ngày 28/11/1752
Trong Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam của NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1992, viết về Phạm Ngô Cầu như sau: “Ông là một võ tướng nhà Trịnh, tước Tạo quận công. Ông được Lê Hiến Tông và Trịnh Sâm rất tín nhiệm, thường giao cho ông những công vụ quan trọng. Ông có tài dùng binh, khi làm trấn thủ Thuận Hoá, phải đối đầu với nghĩa quân Tây Sơn năm 1786 vì mắc kế phản gián của nhà Tây Sơn, ông bị chiếm mất thành, phải tự trói mình đầu hàng. Các tướng Tây Sơn giải ông về Quy Nhơn rồi xử tử hình cùng năm”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của NXB Giáo dục xuất bản năm 1998; Lịch triều tạp kỷ của NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1975, đều viết về ông như sau: tháng 8 năm 1776 Trịnh Sâm bổ dụng Phạm Ngô Cầu giữ chức trấn phủ Thuận Hoá … “sai Tạo quận công Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Sơn Nam, lãnh chức trấn phủ Thuận Hoá thay Bùi Thế Đạt, cho phép Ngô Cầu được tuỳ tiện thi hành mọi công việc…”.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)