Rồng đá

* Tên khác: Xà thần

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Ban Quản lý Đền thờ Lê Văn Thịnh, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

* Số đăng ký: 03

* Chất liệu: Đá sa thạch

* Kích thước:  Cao: 79cm; Rộng (ngang): 136cm; Dài (từ trước ra sau): 103cm

* Trọng lượng: Khoảng 3 tấn

* Số lượng: 01.

* Miêu tả: Xà thần được tạc bằng khối đá sa thạch màu xanh xám. Thân xà thần hình tròn không liền nhau mà được chia thành 2 phần an chéo cuộn vào nhau khá cân đối. Phần thân đầu nằm phía dưới, qua đoạn giao cắt với thân trên thì đầu rồng vươn lên uốn cong rồi cúi xuống ngậm vào phần thân đuôi phía trên. Vết đứt của hai phần thân rồng khá phẳng, gọn cho ta cảm giác đây là chủ định của tác giả chứ không phải là phần đứt gẫy bị mất chưa tìm thấy. Chỗ giao nhau giữa phần thân đầu và phần thân đuôi liền nhau tạo thành một khối thống nhất. Toàn thân linh vật được bao phủ một lớp vảy tựa như vảy rồng. Đầu xà thần có tỷ lệ cân đối với phần thân, không râu, không bờm, hông mào, lỗ mũi nhỏ, hai mang phình; miệng há rộng với hàm răng 12 chiếc dài, sắc nhọn. Đôi mắt xà thần tròn, lồi ra ngoài, hai vành tai nổi lên hai bên đầu phía trên mang. Tai bên phải đặc, tai trái có một lỗ nhỏ khá sâu. Chân xà thần khuỳnh rộng sang hai bên với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt vào phần thân đuôi.

Phần thân đuôi có một hàng vây lớn chạy dọc sống lưng, phía cuối đuôi uốn cong hình xoắn ốc như muốn vận công lực bẻ quặt đuôi lên phía trước để ghì chặt lấy phần thân đầu phía dưới. Tuy không phức tạp như rồng nhưng nghệ thuật tạo tác vẫn thể hiện kỹ, tinh xảo, khối hình nuột khỏe, dáng vẻ và tư thế của xà thần hết sức sống động.

* Hiện trạng: Có một vài vết sứt nhỏ ở phần đầu, miệng.

* Niên đại: Qua nghiên cứu chi tiết, tượng xà thần mang các đặc trưng của nghệ thuật thời Lý như: chất liệu sa thạch, hình khối nuột nà chắc khỏe. Đường nét mềm mại, tinh tế. Dấu vết kỹ thuật tạo tác mang đặc trưng của kỹ thuật thời Lý. Do vậy có thể kết luận di vật có niên đại thời Lý (Thế kỷ XII)

* Nguồn gốc, xuất xứ: phát lộ tại đền thờ Lê Văn Thịnh.

* Ghi chú:  Qua đợt khai quật năm 2010 còn phát hiện tại khu vực vườn đền một số khóc th©n linh vật khác nhưng chưa có điều kiện so sánh kiểm chứng xem có phải là thuộc tượng xà thần hay không.

* Lý do lựa chọn: Tượng xà thần ở đền thờ Lê Văn Thịnh hôi tụ cả ba tiêu chí:

– Là hiện vật gốc độc bản: Các nhà nghiên cứu đã khẳng định cho đến nay chưa có bức tượng nào tương tự, hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

– Hiện vật có hình thức độc đáo:  Tượng có kích thước và trọng lượng rất lớn, hình dáng đặc biệt “nửa rồng nửa rắn” .

– Hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc: Tượng phát lộ tại ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh. Đây là một danh nhân khoa bảng nổi tiếng – Thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng Hán học; đồng thời còn ông còn là một bậc đại thần có công lao to lớn với vương triều Lý – Vương triều đã có công xây dựng nền văn minh Đại Việt rực rỡ thế kỷ XI, XII.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)