Bộ cửu đỉnh (9 đỉnh đồng)

Chất liệu: Đồng.
Kích thước: cao: từ 231cm đến 250 cm; đường kính miệng: từ 135cm – 141 cm.
Niên đại: Từ năm 1835 đến năm 1837.
Loại hiện vật: Cổ vật, Lịch sử Trung đại Việt Nam.

Miêu tả tóm tắt: Cửu đỉnh bao gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Đỉnh hình bầu tròn, hai quai hình vuông, và hình tròn, 3 chân. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh. trên thân mỗi đỉnh đúc nổi 17 hình cây cỏ, muông thú, cảnh vật, địa danh và 2 chữ Hán mang tên đỉnh, Mỗi đỉnh có kiểu thức và chủ đề trang trí riêng, thể hiện các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi.

Giá trị tiêu biểu: Cửu đỉnh được đúc dưới thời vua Minh Mạng với một ý tưởng thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại. Các hình ảnh được lựa chọn để thể hiện trên 9 chiếc đỉnh cũng có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài hình ảnh con rồng xuất hiện trên Cao đỉnh, là biểu tượng của hoàng đế chính vị, ứng với án thờ Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long trong Thế Tổ Miếu, trên các đỉnh còn có những hình ảnh vừa mang tính biểu tượng, vừa mang tính tiêu biểu cho các lực lượng siêu nhiên trong vũ trụ có ảnh hưởng chi phối cuộc sống của con người như: mặt trời, mặt trăng, mây, gió, sấm, mưa, các vì sao…

Các địa danh có những ngọn núi mang ý nghĩa đặc biệt đối với triều Nguyễn: núi Thiên Tôn, sông Hương, núi Ngự, đại diện của miền Trung, đại diện cho vùng đất do tổ tiên nhà Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam và cũng là nơi Nguyễn Ánh dấy nghiệp; các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực được thực hiện dưới thời Nguyễn. Ngoài ra, trên các đỉnh còn có hình ảnh của các loài cây, con và sản vật các miền đất nước, các loài chim thú; các loài cây lấy gỗ hoặc cây ăn quả. Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh của tài nguyên đất nước. Trên Cửu đỉnh còn có các đại diện của nền kỹ thuật quân sự, các cửa ải quan yếu, các cửa biển của đất nước.

Về kỹ thuật: Cửu đỉnh được coi là tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn còn để lại đến ngày nay.

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)