01/03/2010 10:00 CH Tò he một trong những sản phẩm của làng gốm Thanh Hà. Ảnh: Internet
(Cinet) – Nghề gốm truyền thống ở đây đã tồn tại trên 500 năm, vẫn còn lưu giữ những cách thức làm gốm thủ công bằng tay và sử dụng bàn xoay theo kiểu truyền thống. Để các nghệ nhân có dịp truyền dạy bí quyết nghề gốm cho lớp trẻ con cháu trong làng, ngày 23/2/2010 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch năm Canh Dần), tại thôn Nam Diêu (Hội An, Quảng Nam ) đã tổ chức lễ giổ tổ nghề.
Từ sáng sớm, 162 hộ dân trong làng đều tập trung về miếu Nam Diêu thành kính giỗ tổ trong sự chứng kiến của đông đảo đại biểu TP và khách du lịch.
Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ cũng tế ở đình làng và lễ cầu an trước bàn thờ tổ nghề. Mỗi nhà dân làm gốm ai cũng chuẩn bị một mâm cúng và dâng mẻ gốm đầu tiên của gia đình lên tổ nghề.
Phần hội năm nay càng thêm rộn r&ave;ng và thu hút đông đảo người dân và du khách hơn bất cứ ngày nào khác trong năm với hội đua thuyền, hội thi nấu cơm niêu, bịt mắt đập bùng binh…
Đến với lễ hội nhiều du khách còn được tự tay mình thực hiện một sản phẩm gốm theo ý muốn hoặc mua vài “con giống lưu niệm” với nhiều kiểu dáng và màu sắc để tặng bạn bè, người thân. Những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây, với những thao tác điêu luyện, đã thu hút nhiều du khách say đắm chiêm ngưỡng tỷ mỉ cách sản xuất gốm của họ.
Sản phẩm chủ yếu được làm ra là: các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Chính vì thế mà làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung. Theo ông Donald John Macintosh, chuyên gia nghiên cứu bảo tồn và phát triển kinh tế biển của Bộ Thuỷ sản đang làm việc tại Hội An và Cù Lao Chàm cho biết, làng gốm Thanh Hà rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế và văn hoá du lịch của Quảng Nam.
Lễ hội đã trở thành nét văn hóa truyền thống, được TP.Hội An bảo tồn. Ngoài phần tế tổ, người làng còn làm lễ rước và thả long chu để trừ tà và giữ yên dân làng, cầu mong một năm làm ăn phát đạt của nghề gốm.
Cinet tổng hợp