25/02/2010 9:45 CH Ảnh: Internet
(Cinet) – Trong ba ngày từ 23 – 25/2/2010 (tức 10 – 12 tháng giêng năm Canh Dần) tại khu vực Miếu Trò xã Tứ Xã – huyện Lâm Thao, đã diễn ra lễ hội Trò trám. Đây là hoạt động văn hóa tinh thần của ông cha ta thời Việt cổ: vừa mang tính truyền thống đậm chất dân gian, vừa mang tính tâm linh huyền thoại nhưng lại rất vui nhộn.
Mở đầu là tế lễ và tuyên đọc sự tích đền Xa Lộc (đình thờ Lân Hổ Hầu Đô thống Đại vương – tướng thời nhà Trần). Tiếp đó là Lễ hội Trò trám tại Miếu Trò gồm có ba phần chính: Lễ phồn thực, cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, mong cho đời sống khá giả; Lễ rước lúa thần – lễ cầu mùa: cầu cho dân no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Năm nay, là năm chẵn vì thế mà hội Trám tổ chức to hơn, thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn. Hội Trò trám diễn ra với trò diễn xướng: tứ dân chi nghiệp, với bốn nghề chính trong dân gian là sỹ, nông, công, thương. Tính chất hội trò rất hài kịch với nhịp điệu khỏe khoắn và những tiếng hô, tiếng đế vang khắp vùng, đã đem lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người tham dự.
Theo tục lễ xa xưa, sau khi làm lễ mật, trai gái trong làng được tự do “tháo khoán” với nhau, không bị ngăn cấm để có thể tìm cho mình một người bạn tình trăm năm (trong xã Tứ Xã hiện vẫn còn những cụ được sinh ra trong những đêm “tháo khoán” rộn ràng này) nhưng giờ đây, tục lệ này đã không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Tuy nhiên nó vẫn thu hút đông đảo bạn trẻ đến với lễ hội như muốn tìm một nửa còn lại của mình.
Lễ Hội Trám là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn là cái nôi của nền văn hóa lúa nước…
Lễ hội được người dân xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ bảo tồn từ bao đời nay với đặc trưng riêng của mình. Trước kia, hội Trám hay Trò trám đã có lúc bị gián đoạn vì chiến tranh nhưng đã được người dân nơi đây “tìm lại” từ năm 1993. Sau một thời gian dài phục dựng và phát triển, giờ đây lễ hội Trò trám đã trở thành lễ hội truyền thống của người dân Phú Thọ.
Cinet tổng hợp