Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Rơ Măm có 436 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào Rơ Măm cư trú ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Trước đây gọi theo địa danh: Le Rơ Măm (làng có nhiều cây le), Gar Rơ Măm (nơi có nhiều cây sung). Rơ Măm là tên gọi chính thức.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Sản xuất nông nghiệp
Kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu, nương rẫy chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Rơ Măm. Đến nay, đồng bào vẫn canh tác theo lối thủ công truyền thống với các quy trình: Chọn đất, phát rẫy, đốt rẫy, trỉa lúa, chăm sóc, thu hoạch. Việc cúng Yàng trong suốt chu trình sản xuất vẫn duy trì đều đặn. Đồng bào trồng lúa nếp là chính, ngoài ra có thêm lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Ðôi bàn tay vẫn là công cụ chính để tuốt lúa.
Ngoài ra, chăn nuôi tuy là nghề phụ nhưng quan trọng trong đời sống của đồng bào, vật nuôi là trâu, bò, heo (lợn), gà, được nuôi chủ yếu dành để hiến tế trong tất cả các nghi lễ gắn với đời sống, sản xuất và sinh hoạt. Trước đây, chăn nuôi theo lối thả rông, nay một số hộ đã biết đóng chuồng trại trong khuôn viên gia đình.
Kinh tế tự nhiên
Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp, đời sống của đồng bào còn dựa vào các sản phẩm tự nhiên: hái lượm, săn bắt và đánh cá. Tuy là kinh tế phụ nhưng lại giữ vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng, cải thiện bữa ăn thường ngày và vượt qua những tháng thiếu đói trong năm. Sản phẩm từ hái lượm bao gồm các loại: củ từ, mài, rau rền suối, đọt mây, rau rớn, tàu bay, rau má, rau muống, đọt và thân cây đoác, hoa chuối rừng, rêu suối, cà rừng, các loại măng và các loại nấm. Người Rơ Măm có kinh nghiệm trong khai thác mật ong rừng, trứng kiến. Sản phẩm săn bắt gồm: Kỳ đà, nhím, dúi, nai, sóc, lợn rừng, gà rừng, mang… bằng các loại bẫy, nỏ. Khi săn được thú to, dù săn cá nhân hay tập thể, gần như cả làng cùng ăn uống, vui vẻ. Ngoài săn bắt, hái lượm, đánh cá cũng mang lại nguồn thức ăn đáng kể. Bằng hình thức chài, lưới, câu, xúc bằng rổ, ruốc cá… sản phẩm thu được gồm: Cá lăng, bống, lóc, siu, thum, tôm, tép, cua, ốc, ếch. Cá đánh bắt được, đem về mổ sạch, xiên vào que, treo trên bếp cho khô ăn dần. Đến nay, hái lượm và đánh bắt cá vẫn phổ biến trong cuộc sống của đồng bào, nhưng số lượng giảm đáng kể. Ở đồng bào vẫn tồn tại hình thức săn bắt nhưng không thường xuyên, chủ yếu là những con thú nhỏ.
Nghề thủ công
Trước đây, người Rơ Măm có các nghề: dệt vải, rèn, đan lát để phục vụ nhu cầu tự cấp tự túc trong gia đình. Trong đó, nghề dệt vải phát triển nhất, nhưng ngày nay đã mai một hoàn toàn, không gia đình nào còn giữ được bộ y phục truyền thống. Trước năm 1976, nghề rèn của đồng bào chủ yếu phục vụ bà con trong làng, nguyên liệu rèn là nhíp ô tô và những mảnh bom từ thời chiến tranh còn sót lại, loại này vừa cứng vừa sắc, lâu bị mòn. Đến nay, chỉ còn một hộ thỉnh thoảng sửa nông cụ cho những gia đình nào có nhu cầu. Bên cạnh đó, đan lát là nghề khá phát triển ở các gia đình Rơ Măm để phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Từ những nguyên liệu khai thác tự nhiên nam giới Rơ Măm đã làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình: Các loại gùi, giỏ rổ, rá, đơm cá, nia…
Phương thức vận chuyển
Gùi là phương tiện vận chuyển chính của người Rơ Măm. Họ đan nhiều loại gùi, loại dành riêng cho việc vận chuyển công cụ săn bắt, đi rừng, làm rẫy của đàn ông; gùi đan dày dùng đựng và vận chuyển lúa; gùi đan thưa dùng đựng và vận chuyển ngô, sắn, củi; có loại gùi chỉ sử dụng để vận chuyển váy, áo, đồ trang sức phụ nữ đem theo khi đi dự lễ tết, hội hè… Do sống ở cạnh con sông Sa Thày nên đồng bào còn chế tác thuyền độc mộc làm phương tiện vận chuyển và đánh bắt cá trên sông. Ngoài thuyền độc mộc, còn có mảng được ghép từ những thân cây bương và buộc bằng dây mây rừng. Ngày nay, kinh tế phát triển phương tiện vận chuyển và đi lại chủ yếu là xe máy, chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện vận chuyển được đồng bào sử dụng nhiều và hiệu quả nhất.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, trao đổi vật lấy vật, tuỳ vào thời điểm trong năm mà có các sản phẩm như: gà, heo (lợn), thú rừng săn được, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, bông… để đổi lấy những nhu yếu phẩm thiết yếu như: muối, chiêng ché, sắt để rèn nông cụ, công cụ sản xuất, quần áo… Khi đường quốc lộ 14C thông tuyến, có một số cửa hàng tạp hoá mở ở ngay cạnh làng phục vụ đủ nhu cầu thiết yếu của bào con. Bên cạnh đó còn có những người bán hàng dong bằng xe máy từ thức ăn đến các vật dụng sinh hoạt thiết yếu đến tận làng để phục vụ đồng bào. Hình thức bán mì (sắn) tại rẫy cho các thương lái phổ biến, người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Văn hóa mặc
Khi chưa biết dệt vải, người Rơ Măm lấy vỏ cây loong ptô, đập nhỏ, ngâm nước, tuốt lấy sợi để đan khố, váy. Y phục truyền thống của phụ nữ Rơ Măm là váy và áo cộc tay được làm từ sợi bông. Váy là một tấm vải cuốn quanh người, không trang trí hoa văn, dài quá gối. Đàn ông mặc khố, vạt trước dài gần tới đầu gối, vạt sau dài tới ống chân, trời lạnh, choàng thêm chiếc mền hay mảnh vải. Lúc đi chơi, đi hội cả nam và nữ chỉ mặc áo cộc tay màu trắng mộc, không thêu thùa, trang trí hoa văn. Phụ nữ thường để tóc dài búi sau gáy, người giàu đeo hoa tai bằng ngà voi, người nghèo đeo hoa tai bằng gỗ, ống lồ ô nhỏ. Vòng tay chủ yếu là vòng đồng hay bạc nhiều vòng xoắn. Ngày nay, do có sự giao thoa văn hóa, họ mua y phục của người Gia Rai sống cạnh làng về mặc trong những ngày lễ tết. Ngày thường, họ mặc theo lối hiện đại, mua ở chợ. Nam mặc quần âu, áo sơ mi. Nữ mặc quần, áo bằng vải công nghiệp giống người Kinh.
Văn hóa ẩm thực
Người Rơ Măm ăn ba bữa chính trong ngày: Sáng, trưa, tối. Bữa sáng và tối là chính, bữa trưa chỉ là phụ. Gạo nếp là lương thực chính được nấu trong ống lồ ô. Thức ăn là các loại rau rừng, lá mì non, cá, măng le… Ăn uống hàng ngày đơn giản chỉ có rau, muối ớt, thỉnh thoảng có thêm thịt, cá. Hiện nay, vẫn tồn tại tập quán quán nấu thức ăn trong ống lồ ô và ăn bốc. Vào dịp lễ hội, cưới xin thức ăn được chế biến thành các món nướng, tái, luộc, thập…Việc chế biến các món ăn ngày tết, đám cưới, ma chay chủ yếu do nam giới, phụ nữ chỉ nấu bữa ăn hàng ngày. Nước uống được lấy từ các mạch nước ngầm, những ngày lễ tết, hội hè uống rượu cần chế từ các loại gạo, sắn, bắp… Tập tục hút thuốc lá cuốn tự trồng vẫn tồn tại ở những người có tuổi, thanh niên hút thuốc lá mua ở cửa hàng. Trong bữa ăn gia đình, trước kia có những quy định vị trí ngồi theo thứ bậc, nay tất cả mọi thành viên cùng ngồi ăn uống môt mâm. Ở nơi công cộng, lễ hội, không phân biệt thứ bậc, chức sắc, tuổi tácnhưng bao giờ cũng dành cho già làng, chức sắc uống trước, người trẻ uống sau.
Văn hóa ở
Đơn vị cư trú của người Rơ Măm là làng, đứng đầu là già làng do dân tín nhiệm bầu lên. Thời kỳ 1976-1993, làng truyền thống của người Rơ Măm được dựng theo một trật tự cố định, nhà rông ở giữa, các nhà dài xung quanh với nhiều thế hệ sinh sống. Nhà rông dựng theo hướng Nam hay hướng mặt trời mọc (hướng của dương và sự sống), trái với hướng mặt trời lặn (hướng của âm và nghĩa địa). Khung sườn bằng gỗ, vách và sàn bằng lồ ô. Giữa làng có một miếu thờ thần ngà, thần đá, bảo vệ cho sự bình an, no đủ của dân làng. Quanh làng có hàng rào bảo vệ. Nhà ở là loại nhà sàn dài, cửa chính của mọi ngôi nhà đều quay nhìn vào nhà rông và nhà ở của các gia đình là khu sân chơi. Mỗi nóc nhà thường có nhiều gian, gian chính giữa nhà là nơi tiếp khách, mỗi cặp vợ chồng ở trong một buồng có vách ngăn, có một bếp riêng.Hiện nay, làng vẫn có nhà rông là nơi sinh hoạt chung cho cả làng nhưng nhà ở chủ yếu là nhà gỗ và nhà xây mái ngói hoặc tấm lợp, là nơi ở của các gia đình nhỏ, hai đến ba thế hệquy tụ theo dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, nhà sàn hầu như không còn nữa.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Từ trước tới nay, tất cả mọi thành viên trong làng của người Rơ Măm đều gắn bó với cộng đồng làng, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Điều hành làng là già làng, người có uy tín, được cả làng họp bầu lên. Bên cạnh già làng là hệ thống hội đồng già làng, thầy cúng, cán bộ thôn gồm: Trưởng thôn, bí thư thôn, hội trưởng Hội phụ nữ thôn, bí thư chi đoàn thanh niên, công an viên… Trong gia đình truyền thống, phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Phụ nữ hỏi chồng, nam giới cư trú bên nhà vợ là những yếu tố văn hóa mẫu hệ còn tồn tại đậm nét trong gia đình Rơ Măm. Ngày nay, gia đình phụ hệ đã thay thế cho gia đình mẫu hệ, nhưng yếu tố văn hóa mẫu hệ vẫn kế thừa trong cuộc sống đương đại. Nam giới đóng vai trò chính trong các quan hệ xã hội, là người đảm nhiệm các công việc nặng và thực hiện các nghi lễ cúng trong gia đình, cộng đồng. Trong gia đình, vợ chồng, con cái bình đẳng. Người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình là chủ nhà, nếu chủ nhà qua đời, người vợ không còn, người con trai lớn nhất trong nhà sẽ thay cha làm chủ gia đình.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Hôn nhân của người Rơ Măm theo chế độ một vợ một chồng bền vững. Trước đây, việc hôn nhân do bố mẹ quyết định nhưng hiện nay trai gái được tự do tìm hiểu, sau đó báo với cha mẹ để tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp không được sự đồng ý của con cái, cha mẹ vẫn tổ chức lễ cưới. Đám cưới gồm hai bước: Đám hỏi và đám cưới. Sau hôn nhân, chú rể cư trú bên nhà vợ vài ba năm, chuyển sang cư trú bên nhà chồng vài ba năm, sau đó sang ở hẳn bên nhà vợ. Khoảng hơn chục năm nay, tập tục đó đang dần thay đổi, cô dâu về ở hẳn bên nhà chồng hoặc ra ở riêng. Luật tục Rơ Măm cho phép trong họ đến đời thứ 4 có thể lấy được nhau. Trai goá vợ, gái goá chồng về ở với nhau không cần làm đám cưới mà chỉ làm lễ nhỏ mời anh em họ hàng gần đến chung vui. Người Rơ Măm trước đây lấy nhau không đăng ký kết hôn, đám cưới chỉ tổ chức ăn uống dưới sự chứng kiến của dân làng. Đồng bào có tục đẻ ở ngoài nhà vì sợ ô uế các thần linh, xui xẻo cho gia đình. Sau khi sinh từ một tuần đến một tháng, gia đình làm lễ đặt tên. Họ kiêng không đặt trùng tên với những người trong gia đình vì theo họ một trong hai người sẽ bị chết. Khi nuôi con, đặc biệt lúc địu con đi xa, người mẹ đeo trên đầu chiếc vòng có tác dụng trừ tà ma.
Tập tục tang ma
Người Rơ Măm quan niệm về sự sống và cái chết là ý trời. Súc vật, cỏ cây, con người, cả nam và nữ đều có hồn. Khi người chết hồn sẽ biến thành ma ở lại với con cháu ở dương gian còn thể xác về với thế giới âm. Đồng bào quan niệm có 2 loại: Chết bình thường (do già yếu, ốm đau lâu ngày) và chết không bình thường (chết do tai nạn, đổ máu, chết đột tử…). Tập tục làm ma cho người chết bình thường và chết không bình thường về cơ bản giống nhau, chỉ có một số nghi thức không tương đồng theo những quy định riêng của làng. Chết không bình thường, xác để ở ngoài làng, vì vậy phải tổ chức chôn ngay. Chết bình thường tổ chức tang lễ với đầy đủ các nghi lễ.Trước kia, đồng bào có tục chôn chung những người thân trong gia đình vào một hòm. Từ khi chôn xong, khoảng 6 tháng đến một năm, người ta làm lễ bỏ mả. Đây là nghi lễ rất tốn kém, nếu nhà nghèo làm lễ bỏ mả ngay khi chôn, nhà khá giả vài ba năm mới làm lễ bỏ mả. Nghĩa địa của người Rơ Măm nằm về phía Tây của làng, các ngôi mộ xếp theo hàng lối sao cho mặt người chết không nhìn về phía làng. Đồng bào tuyệt đối kiêng không cho người là vào nơi nghĩa địa.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Rơ Măm quan niệm, từ đỉnh núi trở lên là địa phận của Trời ông (mặt trời), Trời bà (trăng), từ đỉnh núi xuống đến chân núi, là nơi ở của con người, các loại cây và muông thú. Khu vực dưới thấp, bao gồm cây cối, đất đai, sông suối và con vật đều thuộc nơi ở của ma. Đồng bào coi tất cả những gì bí ẩn là thần và ma đều có thể hại hay giúp người. Họ cho rằng, cuộc sống của con người bị chi phối bởi rất nhiều thần linh, Yàng Gteh (Yàng Trời ông), Yàng Pôm (Yàng Trời bà), Yàng K’ne (Yàng đất), thần rừng, thần sông, thần lúa, thần ngà voi (Yàng Ngà), thần đá… thậm chí, linh hồn con người sau khi chết cũng trở thành siêu nhiên bí ẩn và quyền năng. Chính vì vậy, họ thờ cúng tất cả những vị thần huyền bí để cầu mong cuộc sống an lành, may mắn, khoẻ mạnh. Trong số đó, Yàng lúa, Yàng ngà, Yàng đất, Yàng đá và Yàng rìu, Yàng gậy chọc lỗ là những vị thần quan trọng, được người Rơ Măm thờ cúng nhiều nhất.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Rơ Măm không có kho tàng văn học dân gian đồ sộ như nhiều dân tộc khác, nhưng đời sống tinh thần tộc người mang bản sắc riêng. Các làn điệu dân ca, những bài hát gắn với lao động, sản xuất, mừng lễ mở kho lúa, giao duyên nam nữ và những câu chuyện người già kể cho con cháu về trời đất, núi rừng, muông thú, tuy không nhiều nhưng vẫn được sử dụng trong những dịp lễ, tết, hội. Trong kho tàng âm nhạc, nghệ thuật dân gian của người Rơ Măm phải kể đến 4 loại nhạc cụ: Cồng chiêng, đàn ta lư, đàn t’rưng và đàn buốc làm từ lồ ô, le, nứa có âm thanh phong phú làm rung động lòng người, được các già làng, thanh niên trai tráng, chị em phụ nữ biểu diễn trong các lễ hội của làng.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người Rơ Măm có nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ liên quan canh tác nông nghiệp. Có thể kể đến một số lễ hội như: Lễ mở kho lúa, lễ mừng cây lúa mọc, lễ mừng nhà mới… Mỗi lễ hội đều có sự tham gia góp sức của cả cộng đồng làng. Ngày lễ lớn nhất là Lễ mở kho lúa (et nhur) thường được tổ chức sau khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong (khoảng tháng 12 âm lịch), các loại cây trồng khác như bắp, mì… đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy, Trước khi tổ chức, các gia đình sửa chữa mái, vách, sàn, cót quây, quét sạch sẽ, hơ qua lửa cho ma tà, điều xui ra khỏi kho trước khi làm lễ. Các gia đình trong làng làm lễ mừng kế tiếp nhau, có thể mỗi ngày một gia đình hay 4 – 5 ngày một chủ hộ giết heo, gà, thậm chí tổ chức đâm trâu mời bà con trong làng tới dự. Buổi lễ suốt cả ngày, trai gái trong làng cùng nhau nhảy múa cho đến tận đêm khuya, các thành viên trong gia đình chúc tụng nhau sức khoẻ, năm tới mùa màng bội thu.
Lễ mừng cây lúa mọc (Et arah): Được tổ chức khi cây lúa lên cao khoảng 20 – 30cm để tạ ơn Yàng đã phù hộ để cây lúa lên tốt và tiếp tục phù hộ để có một mùa rẫy bội thu. Tuỳ theo điều kiện kinh tế từng gia đình, nhà giàu cúng trâu, bò, dê, heo (lợn), gà; nhà nghèo, chỉ cúng bằng một ghè rượu và một con gà. Nếu tổ chức cúng trâu phải báo với già làng để họp bàn quyết định ngày tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong làng cùng tham gia giúp đỡ: nam giới vào rừng chặt tre, nứa về làm cây nêu, chặt ống lồ ô về nấu cơm; nữ vào rừng hái rau, măng, xuống suối bắt cá, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn… Chiều hôm trước khi làm lễ, chủ nhà buộc trâu bên cây nêu, buổi tối cùng già làng và dân làng mang ghè rượu, con gà nhỏ thui chín đến nhà rông để cúng báo với Yàng về việc dân làng sẽ làm lễ mừng cây lúa mọc. Sáng sớm hôm sau, dân làng tập trung quanh cây nêu tại nhà chủ lễ. Mọi người mang gạo, rượu cho trâu ăn trước khi làm lễ đâm trâu tế Yàng. Sau lễ cúng họ chọc tiết trâu, làm thịt và chia thành các phần nhỏ cho mỗi hộ trong làng mang về nhà cúng tại gia đình. Số thịt còn lại nấu và ăn uống tại nhà chủ lễ. Dân làng mang rượu đến góp vui và cùng ăn uống, đánh chiêng trống suốt đêm. Hôm sau, các hộ trong làng đều dậy sớm, mang rượu, gà ra rẫy của nhà mình để cúng Yàng. Lễ vật là ghè rượu, heo (lợn) nhỏ hoặc gà được bày trên chòi rẫy. Chủ nhà hút một ống tre rượu, cắt tiết gà hoà lẫn rượu rồi đi quanh đám rẫy, vừa đi vừa vẩy rượu mời Yàng, cầu khấn Yàng phù hộ cho lúa tốt tươi, không bị thú rừng về phá, cầu cho mọi người mạnh khoẻ, bình yên. Sau lễ cúng, cả nhà nấu cơm, thịt gà, ăn uống ngay tại rẫy.