Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Pu Péo có 687người (năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang (84,4%), một số ít ở Tuyên Quang, Đồng Nai…
Tên gọi: Dân tộc Pu Péo còn gọi là Kabeo, La Quả, Penti Lô Lô.
Ngôn ngữ: Tiếng Pu Péo thuộc nhóm Ka Đai (ngữ hệ Thái – Ka Đai)
Sản xuất nông nghiệp
Kinh tế nông nghiệp: Nguồn sống chính của người Pu Péo là trồng lúa, ngô và mạch ba góc trên ruộng bậc thang và nương rẫy. Họ có kinh nghiệm và kỹ thuật trong canh tác nương rẫy, thành thạo việc cày, bừa làm đất, thâm canh, xen canh trên các loại nương khác nhau. Cây trồng chủ yếu là: ngô, lúa mạch, khoai, sắn, đậu, bí… Công cụ trong lao động sản xuất gồm cày, bừa, cuốc, thuổng, nhíp… Bên cạnh đó, kinh tế vườn và vườn rừng những năm gần đầy được chú trọng phát triển, mang lại nguồn thu nhập cho đời sống đồng bào.
Chăn nuôi là hoạt động kinh tế quan trọng và phổ biến của tộc người Pu Péo. Trước đây, họ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu cung cấp cho những hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, các nghi lễ trong chu kì đời người, chăn nuôi trâu, bò, ngựa lấy sức kéo, phục vụ sản xuất, sau đó mới làm thực phẩm. Ngày nay, chăn nuôi đã trở thành một phần kinh tế quan trọng của gia đình, không chỉ là phục vụ trong gia đình mà còn để trao đổi, mua bán.
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên: Người Pu Péo biết tận dụng và khai thác các nguồn lợi từ tự nhiên để phục vụ cuộc sống. Đồng bào khai thác gỗ, các loại tre, nứa để làm nhà; khai thác các loại rau, măng, mộc nhĩ, nấm hương và một số loại hoa quả trên rừng; săn bắt một số loại thú rừng, chim chóc để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Do địa hình cư trú, hệ thống sông suối rất ít nên việc đánh bắt cá và các loài thủy sản không đáng kể, chỉ là những hoạt động đơn lẻ, diễn ra khi nông nhàn để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày.
Nghề thủ công
Các nghề thủ công: Người Pu Péo có các nghề thủ công truyền thống được lưu truyền và phát triển như: nghề dệt, nghề mộc, rèn, đan lát, làm ngói máng, đóng gạch… không chỉ phục vụ cho đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Nhìn chung, các nghề thủ công ngày càng mai một, ngoại trừ nghề mộc, nghề đan lát vẫn được duy trì, đang sản xuất ra các đồ dùng bằng gỗ như: thùng đựng nước, thìa, muôi, bát gỗ, gùi…, là những mặt hàng mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào.
Phương thức vận chuyển
Phương thức vận chuyển: phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Pu Péo là gùi đeo lưng để vận chuyển nông sản trong sản xuất, đi chợ phiên. Ngoài gùi, ngựa là vật nuôi được sử dụng như phương tiện chuyên chở hàng hóa quan trọng của đồng bào ở những địa hình dốc cao. Ngày nay, nhiều nơi đường giao thông được nâng cấp, người dân đã sắm nhiều xe máy để vận chuyển và đi lại.
Trao đổi hàng hóa
Trao đổi hàng hóa: Người Pu Péo đã sớm có sự trao đổi giao thương với các tộc người khác thông qua hệ thống chợ phiên. Họ thường mua các mặt hàng để sử dụng hàng ngày như: Dầu hỏa, xà phòng, giày, dép; muối, mỡ ăn, mì chính, nước mắm; vải, quần áo, trang sức; một số máy móc nông nghiệp, các vật dụng sinh hoạt đồ điện dân dụng… Họ bán các sản phẩm nghề thủ công như: thìa gỗ, muôi gỗ; lưỡi cày, bừa, cuốc, xẻng, mai, thuổng, dao; các vật dụng đan lát bằng tre, nứa như gùi, rá, mẹt…; gạo, ngô, mạch ba góc các loại rau, gia vị; trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, chó, mèo… Một số người Pu Péo còn sang tận Trung Quốc bán các mặt hàng lâm thổ sản và mua đồ dùng công nghiệp, hàng may mặc mang về các chợ trong huyện để bán cho người dân trong vùng.
Văn hóa mặc
Văn hóa mặc: Trước đây, người Pu Péo có nghề trồng bông dệt vải để phục vụ nhu cầu mặc của cả gia đình. Nếu trang phục của phụ nữ cầu kì, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, thì trang phục của nam giới chỉ một màu chàm, kiểu dáng đơn giản. Đó là chiếc áo cánh, cổ đứng, xẻ tà ở hai bên, có một túi nhỏ bên ngực, cài khuy bằng vải. Quần chân què, cạp lá tọa có đũng và ống rất rộng. Phụ nữ Pu Péo mặc váy quấn màu đen, gấu xòe rộng và được trang trí bằng kỹ thuật chắp ghép những mảnh vải nhiều màu thành những dải hoa văn. Những hình này được xếp lại tỉ mỉ, khéo léo, tạo thành những họa tiết hình mặt trời, hình mào gà thể hiện ý niệm chung về tín ngưỡng và sự sùng bái mặt trời của cư dân nông nghiệp. Áo nữ Pu Péo có hai loại: áo ngắn mặc bên trong có nách xẻ dọc và cài khuy bên nách phải, ống tay áo ngắn viền vải màu. Áo ngoài dài hơn xẻ ngực không có cổ và khuy cài, vạt áo buộc lại với nhau bằng dây vải đính hò áo. Áo được trang trí ở gấu và hò áo là các hoa văn ghép vải màu hình vuông, chữ nhật, hình thoi, hình tam. Khăn đội đầu đơn giản, chỉ là chiếc khăn vải màu chàm, màu đen hay tím than, có trang trí hoa văn ghép vải màu chạy quanh viền. Khăn đội đầu chỉ dùng khi có lễ hội hay đám cưới, tang ma, riêng nam giới chỉ đội khăn khi đi đón dâu trong lễ cưới. Phụ nữ Pu Péo dùng đồ trang sức như: vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn bằng bạc. Người Pu Péo có cách phân biệt phụ nữ có chồng và chưa chồng qua cách quấn khăn trên đầu: thiếu nữ chưa chồng vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn khăn vuông kẻ ô hoặc trang trí hoa văn, thiếu phụ búi tóc trước trán và cài chiếc lược gỗ bên trên.
Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực: Trước đây, lương thực chính của đồng bào Pu Péo là ngô. Ngô được chế biến thành các món ăn: mèn mén, ngô luộc, bánh ngô… Mèn mén được nấu vào buổi sáng, để ăn cả ngày. Khi ăn mèn mén, đồng bào thường ăn kèm với canh rau cải, bí ngô, đậu trắng nấu cho nhiều mỡ. Ngoài ra, còn có các món ăn được chế biến từ thịt gà, thịt lợn, trứng, rau… Thường ngày, họ ăn ngày 3 bữa, vào vụ mùa hoặc phải đi làm nương xa, đồng bào chỉ ăn 2 bữa chính ở nhà và ăn bữa trưa ngay tại nương rẫy. Khi ăn, chỗ ngồi được sắp xếp theo một trật tự nhất định, nơi gần bàn thờ được coi là phía trên của mâm cơm, dành cho chủ nhà và nam giới, phía đối diện bên dưới là chỗ ngồi của phụ nữ và trẻ em. Trong ăn uống có những kiêng kỵ nhất định, chỉ có chủ nhà mới được ăn chân gà và đầu các loại gia cầm.
Thức uống hàng ngày của đồng bào Pu Péo là nước lã (trước đây) và nước đun sôi (hiện nay). Ngày lễ, tết, tiếp khách… họ uống rượu được nấu từ ngô. Đồng bào Pu Péo hút thuốc lào khá phổ biến, họ coi việc mời khách hút thuốc lào như người Kinh mời nhau ăn trầu.
Văn hóa ở
Văn hóa ở: Người Pu Péo cư trú thành từng làng quần tụ tại các thung lũng hay lưng chừng núi, nhà dựa lưng vào đồi núi, phía trước nhà nhìn ra ruộng vườn. Đồng bào rất cẩn thận trong việc chọn đất và hướng nhà, mặc dù phải theo tuổi của chủ nhà nhưng hướng tốt nhất vẫn là Nam và Đông Nam. Nhà ở của người Pu Péo là nhà trình tường bằng đất nện, dày khoảng 40-50cm, khung sườn bằng gỗ, mái lợp ngói máng hoặc cỏ gianh dày. Nhà gồm 3 gian hoặc 5 gian, không có trái, ở hai đầu hồi nhà có hai vì, được đắp cao hơn từ trên đỉnh mái xuống tận mép mái ra hiên. Trong nhà có 2 cột ở giữa rất quan trọng, riêng cây kèo nhà phải đi xin ở nhà khác hợp tuổi với chủ nhà chứ không được mua. Gian chính thường là nơi thờ (Thiên, Địa) và tiếp khách, phía sau bàn thờ là cầu thang bằng gỗ để lên gác xép là nơi cất trữ lương thực và trống đồng. Gian bên trái là nơi đặt bàn thờ cúng tổ tiên của gia đình. Giữa gian nhà có một bếp lửa (bếp thiêng) và cũng là chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải là chỗ ngủ của các con. Nhà có một cửa chính và một cửa phụ, cửa chính nằm ở gian giữa đối diện với bàn thờ Thiên, Địa, cửa phụ nằm ở bên phải ngôi nhà, là nơi dùng để đi lại của các thành viên trong gia đình. Cửa nhà của người Pu Péo thường được làm mở vào phía trong.
Người Pu Péo kiêng người lạ vào buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà, con gái và con dâu tuyệt đối không được lên gác xép. Khi nhà có phụ nữ sinh mới con, người cha không được gặp con (nếu sinh con gái kiêng 3 ngày, sinh con trai kiêng 5 ngày). Việc thờ cúng chỉ nam giới mới được làm. Ngày đầu của năm mới, phụ nữ không được sang nhà họ hàng hay nhà hàng xóm.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Quan hệ xã hội, dòng họ: Người Pu Péo tồn tại song song hai loại dòng họ. Một loại gọi theo tên bằng chữ Hán, đọc theo cách phiên âm của địa phương như Củng, Tráng, Phù… được sử dụng chính thức trong các giấy tờ. Một loại họ khác cổ hơn, thể hiện mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế thường gồm một cặp như Kacung – Kacăm, Karảm – Kachâm, Karu – Karựa, Ka bu – Ka bởng… Mỗi dòng họ của người Pu Péo có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt cho các thế hệ kế tiếp nhau. Người Pu Péo không phân biệt dòng họ như một số tộc người khác mà ngược lại sự cố kết dòng họ rất chặt chẽ. Những người cùng dòng họ đùm bọc, giúp đỡ nhau bằng sức lao động và tiền của khi một gia đình trong họ có việc ma chay, cưới xin, dựng nhà hay những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân, gia đình: Do sống xen cư nên người Pu Péo có nhiều trường hợp kết hôn với các tộc người khác, mặc dù vậy họ vẫn muốn kết hôn với tộc người mình hơn. Trai gái được tự do tìm hiểu để tiến tới hôn nhân. Lễ cưới diễn ra ở nhà gái trước, hôm sau cô dâu mới về nhà chồng. Tại nhà trai, sau khi khấn vái tổ tiên, cô dâu mới được công nhận chính thức là người trong gia đình. Sau đám cưới 3 ngày, cô dâu, chú rể mang xôi, thịt về bên ngoại làm lễ “lại mặt”. Theo phong tục, lễ lại mặt còn diễn ra sau đám cưới 7 ngày, 13 ngày và 1 tháng.
Gia đình của người Pu Péo là gia đình nhỏ phụ quyền. Sau khi cưới, người phụ nữ cư trú bên nhà chồng. Theo phong tục, việc kết hôn với người trong họ, kết hôn chéo giữa hai dòng họ hay kết hôn khác thế hệ cũng không được chấp nhận. Hôn nhân giữa con cô và con cậu bị hạn chế, con trai của các chị em gái được phép lấy con gái của các anh em trai nhưng con trai của các anh em trai không được lấy con gái của các chị em gái, riêng con của các chị em gái có thể lấy nhau vì khác họ (tính theo họ của người bố).
Trước đây, các gia đình người Pu Péo sống quần tụ có khi cả 3, 4 thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình nhỏ hai, ba thế hệ rất phổ biến.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma: Khi gia đình có người qua đời, người Pu Péo có tục đặt nghiêng các hũ thờ trên bàn thờ cho tổ tiên biết. Quan tài được đặt ở nửa sau gian giữa. Trong những ngày quàn xác ở nhà, không được nấu ở bếp chính mà phải nấu ở nửa trước gian giữa. Trước khi mai táng, thầy cúng làm lễ đưa người chết về quê cũ, người ta cắm “ta leo” hình ngôi sao năm cánh bằng tre ở cửa chính để ngăn không cho ma vào nhà. Người chết thường được chôn ở trên rừng và chỉ được đào huyệt khi quan tài đã mang tới cửa rừng. Sau khi chôn cất xong, người ta xếp ba hòn đá ở đầu, giữa và cuối mộ. Khi trở về nhà, các vật dụng để đào huyệt (cuốc, xẻng…) để ngoài chuồng trâu 3 ngày với ngụ ý ngăn không cho ma trở lại nhà.
Sau 3 ngày, 7 ngày và 13 ngày con trai mang lễ ra mộ cúng nhưng mỗi lần lại đặt mâm cúng xa mộ hơn một chút. Trong khoảng thời gian này người ta dựng lại các hũ thờ và nếu người chết là ông hoặc bố người ta dựng thêm hũ mới. Những người chết bất đắc kỳ tử coi là ma ngoài không đưa lên bàn thờ vì vậy bao giờ cũng có hai mâm cỗ cúng, một cho tổ tiên, một cho ma ngoài.
Người Pu Péo để tang cha mẹ 3 năm, sau đó gia đình sẽ tổ chức làm chay (làm ma khô) để cúng đưa hồn người chết về quê cũ. Trong lễ này người Pu Péo còn bảo lưu hai phong tục cổ là uống rượu cần và đánh trống đồng. Lễ ma khô được làm trong 3 ngày 2 đêm, tuỳ từng điều kiện của từng gia đình.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Văn hóa tâm linh của người Pu Péo gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Đồng bào thờ các vị thần: thần suối, sông, núi, rừng, cây… Trong đó, thần rừng rất được coi trọng vì đó là một vị thần che chở dân làng trong cuộc sống. Ngoài thần rừng, nơi này còn là nhà trú ngụ của tổ tiên từ nhiều đời trước, không còn được thờ cúng trong gia đình, là nơi dừng chân, hội tụ của các vị thần. Vì thế, mỗi làng bản của người Pu Péo đều có một khu rừng cấm riêng, ở đó có luật tục quy định mọi người dân phải gìn giữ, bảo vệ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Hàng năm, đồng bào Pu Péo còn tổ chức lễ hội lớn để cúng thần rừng, để tạ ơn thần rừng đã phù hộ che chở cho họ có cuộc sống yên bình, cầu xin những điều mong ước, những hi vọng cho một năm mới no đủ, gia đình mạnh khỏe…
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Kho tàng truyện cổ của người Pu Péo với những truyền thuyết, cổ tích giàu tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, hát phong tục, hát sinh hoạt, hát dao duyên, hát đối đáp… được đồng bào ưa chuộng và thường truyền dạy hát vào giờ thiêng, giờ chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Bên cạnh đó, đồng bào còn có kho tàng các thành ngữ, tục ngữ về tri thức bản được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người Pu Péo còn có nhạc cụ cổ truyền là trống đồng, gồm có trống “đực” và trống “cái”. Người ta chỉ sử dụng trống đồng trong lễ chay và đặc biệt lễ chay phải tổ chức sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, bởi đồng bào quan niệm hồn của ngô, lúa rất sợ tiếng trống. Khi sử dụng trống xong phải cất lên gác và cấm kị không xê dịch vị trí cất trống nếu không có việc gì, trước khi sử dụng phải làm lễ cúng cho trống.
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, lễ hội dân gian: Không như các tộc người khác trong vùng, người Pu Péo có rất ít lễ hội nhưng những lại rất đặc sắc. Đặc biệt, tết Nguyên Đán đồng bào có tục gói bánh chưng đen ăn vào tối 29 để tiễn năm cũ và ăn bánh chưng trắng vào tối 30 để đón mừng năm mới. Tết Nguyên đán còn là dịp sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các trò chơi, trò giải trí mang đậm truyền thống văn hóa như: đấu vật, đẩy gậy, đánh yến, đánh quay, ném quả Pao, hát giao duyên…
Người Pu Péo còn có một lễ rất quan trọng là lễ cúng thần rừng vào ngày 6 tháng 6 (âm lịch). Nếu ngày đó trùng vào ngày Mùi/ ngày Dậu, phải có dê, gà tế lễ, người ta có thể cúng thần rừng sớm hoặc muộn hơn. Lễ cúng diễn ra tại khu rừng cấm (rừng thiêng) của làng để tạ ơn thần rừng đã phù hộ che chở cho họ có cuộc sống yên bình. Ngày làm lễ, mỗi gia đình cử một người mang lễ vật đến nơi cúng thần. Tại đây, người ta lập đàn lễ bằng những cành cây nhỏ, để nguyên lá, đan vào nhau, 4 góc có cọc cao hơn một mét, cắm xuống đất, để cúng những ma dữ, ma vô chủ làm hại con người. Lễ cúng thần rừng gồm 2 phần: phần cúng dâng lễ và phần cúng chính: Lễ cúng dâng lễ (cúng sống) gồm có lễ thức trình lễ (buộc gà, dê vào nơi có đàn cúng, bày trên đàn cúng 10 nắm cơm cắt sẵn, trên có miếng trứng (hoặc thịt luộc), bày dưới đàn cúng một nong cơm nắm bày theo kiểu ngũ phúc, trên đặt một lòng đỏ trứng gà, biểu trưng cho quan niệm của người Phu Péo về thế giới thần linh, trên cùng là thần rừng, dưới là các thần linh được phân theo cấp bậc), cúng mời (Thày cúng thắp hương, rót rượu vào 4 chén thờ, cúng mời thần rừng, các vị thần và tổ tiên về dự, liệt kê từng lễ vật, liệt kê đến đâu, xin thần làm chứng xong, thầy cho dân làng mang vật đó đi cắt tiết để tế thần, mong các vị nhận lấy). Lễ cúng chính (cúng chín): Gà đã được thịt, dê đã được thui, nội tạng để sống, đặt cạnh đàn cúng. Thầy cúng khấn báo cho các thần biết lễ vật dân làng dâng lên nguyên vẹn, đầy đủ, thì mọi người mới được mang nội tạng dê đi làm chín. Thầy cúng cử người dùng một thanh tre, bê chậu tiết dê chấm nhiều chấmlên lá rong trên dàn cúng, trong khi thày khấn mời ma dữ, ma vô chủ về dự lễ.Khi nội tạng dê đã chín, dân làng dâng 5 bát lễ vật nội tạng dê trên nong cơm, thầy thắp hương, rót thêm rượu, bắt đầu cúng chính, kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần, tạ ơn công lao của thần rừng, tổ tiên, các vị thần đã phù trợ cho dân làng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, bình an, sung túc… Cúng xong, thầy cầm dao đến đàn cúng các vong hồn và ma quỷ, kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, rồi vung dao hất đổ đàn cúng, xua đuổi điều xấu, ma quỷ. Sau lễ cúng, mọi người cùng nấu nướng, thụ lộc tại chỗ và không quên chia phần cho người vắng mặt. Vì ý nghĩa gắn kết cộng đồng, làng bản cùng nần cao ý thức bảo vệ rừng, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài lễ cúng rừng, đồng bào Pu Péo còn có tết Thanh minh (mồng 3/3) là ngày mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt để đi vào rừng thăm và thắp hương mộ của tổ tiên. Tết Cần biêng (mùng 5/5), được coi là lễ Tết để trừ khử uế tạp, ngăn cái ác, cái xấu đến quấy rầy. Đồng bào còn cho rằng, trong ngày này vào rừng đào rễ cây thuốc, hái lá thuốc rất hiệu nghiệm. Tết Rằm tháng Bảy, được coi là lớn thứ 2 trong năm, trong lễ này đồng bào có tổ chức hai lễ cúng. Lễ cúng thứ nhất là lễ gọi hồn cho gia súc và lễ cúng thứ hai là cúng tổ tiên và các hồn người chết trẻ (gọi là ma ngoài), không được thờ cúng để mong các hồn đừng về quấy nhiễu người sống. Lễ cúng cơm mới được tổ chức vào khoảng tháng 11 hàng năm khi kết thúc mùa vụ. Trong lễ này, đồng bào thường làm lễ gọi hồn lúa, hồn ngô về nhà nghỉ ngơi qua mùa đông giá rét để đợi đến vụ mùa năm sau.