Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Gia Rai có hơn 411.275 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú ở các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăc Lăk.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Chor, Hđrung, Aráp, Mthur, Tơbuân.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo.
Sản xuất nông nghiệp
Người Gia Rai chủ yếu canh tác nương rẫy, ruộng nước chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Trước đây, đồng bào canh tác trên nương theo phương pháp phát đốt, chọc lỗ và dùng cuốc chiếm ưu thế. Khoảng hơn 20 năm nay, đồng bào đã làm ruộng theo phương pháp cày, bừa dùng hai bò kéo. Ngoại trừ một số nương dốc, để đảm bảo độ màu cho đất, tránh xói mòn, đồng bào vẫn áp dụng phương pháp chọc trỉa truyền thống. Đồng bào Gia Rai canh tác nương rẫy theo lịch dương lịch, tháng 3 chọn đất, đốt rẫy, tháng tư xới đất, làm rẫy, tháng 5 cào cỏ, tháng 6 trỉa lúa, tháng 7 làm cỏ lúa, tháng 8,9 thu hoạch lúa sớm, tháng 10,11,12 thu hoạch lúa vụ và cho lúa lên kho, tháng 1-2 là những tháng vui chơi, làm lễ bỏ mả và thăm bà con xa. Trên nương rẫy, đồng bào chủ yếu trồng lúa ngô, khoai, bầu, bí, hành ớt, bông, thuốc lá Công cụ sản xuất gồm có: dao, rìu, rựa để chặt cây rừng, chà gạc, chà gạc lưỡi rựa để dọn rẫy và hái măng, gậy chọc lỗ để tra giống, ống đựng hạt giống, gùi, giỏ tra hạt, cào đứng, nạo cỏ để chăm sóc cây trồng, hái để thu hoạch… Ngày nay, người Gia Rai trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, Một số vùng trũng, bà con chuyên canh cây lúa nước. Công cụ sản xuất cũng thay đổi: cày bừa và cày bừa máy.
Người Gia Rai trú trọng phát triển chăn nuôi các loại gia súc (trâu, bò, lợn, dê, gần đây phát triển nuôi cừu) và gia cầm (gà, vịt, ngan ngỗng) để lấy sức kéo, tế lễ và cải thiện đời sống. Ngày nay, đồng bào nuôi nhiều gia súc, gia cầm để bán.
Kinh tế tự nhiên
Trước kia, kinh tế nương rẫy gắn liền với hoạt động săn bắt hái lượm. Đàn ông Gia Rai chủ yếu săn bắn bằng nỏ với mũi tên tre và tên tẩm độc. Có 2 hình thức săn bắn cá nhân và tập thể. Họ có tục làm lễ cúng trước khi đi săn Thịt thú săn được chia đều cho các cá nhân trong gia đình, cộng đồng. Dụng cụ săn bắn có các loại bẫy nổi, bẫy hầm, nỏ tên, chông tre, chông trái xoan… Ngày nay, đồng bào chủ yếu đặt bẫy bảo vệ mùa màng, ít ai còn tổ chức săn bắn cá nhân, tập thể. Hái lượm là công việc thường xuyên của phụ nữ giới và trẻ em. Khi lên rẫy, vào rừng, họ luôn mang theo chiếc gùi, con dao, để thu hái măng nấm cây có củ. Đồng bào Gia Rai cũng đánh bắt cá ở ven sông, suối, phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp và trao đổi. Ngày nay, Một số gia đình còn đào ao trữ nước và nuôi, thả cá.
Nghề thủ công
Trước đây, hầu khắp các làng của dân tộc Gia Rai đều có các nghề thủ công rèn, dệt, đan lát và làm mộc. Những người thợ thủ công đã làm ra những chiếc gùi đủ loại, có thể đựng đồ mặc, trang sức, vận chuyển. Nghề dệt là công việc của phụ nữ. Họ thực hiện quy trình làm ra vải mặc khá công phu: trồng bông, thu bông, phơi nắng, tách hạt, bật bông, se sợi, nhuộm màu, quấn tơ, bắt chỉ, đánh ống, mắc sợi đến xỏ go và dệt vải. Khung dệt kiểu Inđônêdiêng, người thợ ngồi bẹp xuống nền nhà, vận dụng cả thân người với sợi dây giăng thật căng ở đằng lưng để giữ mặt sợi dọc căng hay chùng tuỳ từng trường hợp. Sau đó người thợ cầm, ấn, sách các dụng cụ phụ để tách mặt sợi làm thao tác bắt bông, luồn dao dệt, đưa thoi và dập sợi. Tốc độ dệt chậm, nhưng mặt vải mịn, với nhiều sản phẩm khổ rộng, có các khoang màu đen, đỏ tách nhau theo băng ngang, đủ cung cấp, áo váy, khố choàng và các tấm mền đắp cho nhu cầu mặc, đắp, cưới hỏi và tang lễ. Ngày nay, nghề dệt đa mai một.
Phương thức vận chuyển
Dân tộc Gia Rai phổ biến vận chuyển bằng gùi có hai dây đeo qua vai. Ngoài ra, họ dùng ngựa, voi để thồ, kéo hàng… Ngày nay, đồng bào dung xe đạp, xe máy khá phổ biến.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, đồng bào Gia Rai thường đổi hàng lấy hàng theo giá trị vật ngang giá, trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, chó, nông lâm sản … để lấy về các loại nông cụ, nhu yếu phẩm, đặc biệt đem trâu đổi lấy vật quý như chiêng, ché. Ngày nay, đồng bào phổ biến hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện. Họ mua bán hàng hóa qua các phiên chợ và các xe máy, xe ô tô lưu động tới tận bản làng.
Văn hóa mặc
Trang phục truyền thống của người Gia Rai được may bằng sợi bông do bà con tự trồng, chế biến và dệt. àn ông đóng khố vải trắng kẻ sọc nhiều màu (toai), ngày lễ đóng khố vải chàm dài 4 m và rộng 0,30 m, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu ở 2 đầu. áo màu đen cộc tay, hở nách, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn mang đậm dấu vết kiểu pông-sô. Pơtao hoặc chủ làng mặc áo chàm che kín mông, tay dài, chui đầu, có một mảng sợi màu đỏ làm khuy và khuyết cài từ cổ đến ngực. Dưới dải cúc là miếng vải đỏ hình vuông khâu đáp vào để làm dấu hiệu là áo. Cổ truyền, thường ngày phụ nữ Gia Rai mặc váy ở trần. Về sau, ngoài váy cổ truyền, tóc búi gọn, hay buộc dây trên đầu, chị em mặc thêm chiếc áo chui đầu (ao bỏ nai chút hiu ngiu), cổ cao, mở cúc ở bờ vai, thân áo dệt trang trí những đường thẳng song song, với các mô típ: đường sóng, hình răng cưa, ô trám, hình sao, hình cây, hình người cách điệu…bố cục theo lối băng ngang lặp đi lặp lại nhiều lần. Váy cổ truyền là váy ống, màu chàm (dài 1,40 m x rộng 1 m), buông dài tới mắt cá, mép vải ngoài cùng đáp sang sườn bên trái, để lộ một dải trang trí dọc biên vải, quanh gấu có đường viền hoa văn. Trong dịp lễ tết, cưới xin, phụ nữ Gia Rai mặc váy trang trí nhiều hoa văn với những chùm tua dài từ vai tới gần sát chân, đáp ghép thêm một miếng vải dệt trang trí nhiều hoa văn ở hông váy, mô típ chủ yếu là răng cưa, ô trám, hình cây, hình họcbố cục theo lối băng dải chạy ngang. Khi mặc, người ta quấn mảnh váy quanh thân từ eo bụng trở xuống, giắt mép vào hông phải. Phụ nữ Gia Rai hay đeo vòng tay (Koong) bằng đồng (gia đình nghèo) hay bạc (gia đình khá giả), họ coi đó là vật hẹn ước lứa đôi, vật kỷ niệm của chủ nhà đối với khách quý và là vật linh thiêng có khả năng chống ma tà, bệnh tật.
Văn hóa ẩm thực
: Đồng bào Gia Rai thường ăn hai bữa chính (sáng, tối). Gạo tẻ là lương thực chính; lương thực phụ là ngô. Muối ớt là món không thể thiếu trong bữa ăn. Thức ăn có rau, muối, ớt, canh rau, lâu lâu mới có bữa thịt, cá. Bữa cơm hàng ngày có thể cả gia đình ngồi quanh nồi cơm, bát ớt… hoặc chia thành từng phần cho mỗi người. Trong lễ hội, nhất là lễ bỏ mả, người Gia Rai chế biến nhiều món ăn đặc sắc: cơm lam (gạo nếp ngâm qua đêm, cho vào ống nứa non, vùi vào than cho chín), món tai lôm (gan và sách thái miếng, xâu xen kẽ vào những chiếc que tre, nướng trên lửa), nhăm pai (xâu thịt sống đã bóp với phèo treo ở các vò rượu để uống), nhăm đinh (thịt ống gồm hỗn hợp thịt (nhăm), gan (tai), ruột non (prah sung) và ruột già (prah vếch) cho vào ống nứa nấu chín); nhăm tăh (gồm thịt băm, tiết, phèo, muối và ớt trộn lẫn với nhau); nhăm go (da trâu hoặc bò bóp với phèo, xâu từng miếng thịt rồi nướng trên lửa); nhăm grét (thịt nấu lẫn với bột gạo, quả chuối xanh và đọt chuối giã nhỏ), nhăm per (thịt nấu với bột gạo và lá sắn (la blang) giã nhỏ). Nhăm dok (thịt nấu với bột gạo và đọt chuối giã nhỏ). Trừ trẻ thơ, mọi người bất kể nam nữ đều hút thuốc lá.
Văn hóa ở
Đồng bào Gia Rai sống thành từng làng (plơi) hay (buôn). Mỗi làng có từ 10 đến gần trăm nóc nhà, dựng trên những sườn đồi, gần nguồn nước. Nhà trong làng đều xây theo hướng Bắc, mỗi nếp nhà là một gia đình nhỏ mẫu hệ. Bên cạnh đó còn có các kho thóc, chòi coi lúa của từng gia đình, hình vuông hay chữ nhật, chỉ chứa đủ vài người. Nhà truyền thống của đồng bào Gia Rai là là sàn dài, kiểu Ayun Pa, thường dài 13,5m. Kiến trúc cột chôn, không có vì kèo, không đục mộng hoặc làm ngàm mà chỉ lợi dụng các chạc cây có sẵn trong tự nhiên rồi dùng dây rừng buộc cố định. Mái lợp tranh hay lá mây, vách thưng phên đan hay cây tre đập dập, nhà có 1 cửa ở đầu hồi. Mặt bằng nhà dài gồm hai phần: bên mang và bên óc. Cửa bên óc chỉ quay về hướng Bắc và bên óc dành cho những người đàn bà – chủ gia đình mẫu hệ. thang ở bên phải – thang, sân sàn dành cho trai gái chơi lúc chiều tối, cửa bên mang mang, gian dành tiếp khách, uống rượu, nhảy múa và đánh chiêng, nhà có 3 cửa sổ. Trong nhà có hai bếp, một bếp để cúng Jàng và để sưởi, gian dành cho con gái sẽ thừa kế, bếp (hoặc) đặt một ché rượu thay bếp) thiêng của nhà (phia pran), giường cha mẹ chủ nhà quay đầu về hướng đông; bếp nấu ăn, cửa mang óc ở hồi trái quay về hướng Bắc – hướng chính của nhà, sân sàn bên óc, thang óc, cửa sổ. Khách lạ cấm không được vào mang óc vì phần này dành toàn quyền cho bà chủ với ý nghĩa là gia đình mẫu hệ. Ngày nay, những ngôi nhà dài truyền thống của người Gia Rai không còn nữa, một số nhà còn tồn tại, chuyển sang lợp mái bằng tôn, song vẫn giữ kiểu cầu thang và hai cột ở sân sàn theo lối cổ truyền. Hiện tượng các gia đình lớn tách ra ở riêng trong những ngôi nhà sàn ngắn, nhỏ kiểu Hơđrung ngày càng phổ biến. Đó là ngôi nhà có kích thước rộng 3m x dài 9m. Chiều cao từ đất lên đòn nóc không quá 4,50m. Cửa chính thông ra sàn phơi chỉ quay về hướng Bắc. Hai bên cửa chính có hai cửa sổ. Trong nhà chỉ có một bếp. Ngày nay, đồng bào chuyển sang ở nhà xây bằng gạch, đổ bê tong mái.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Làng (Plơi hoặc Bôn) truyền thống của người Gia Rai vừa là đơn vị cư trú vừa cấu kết thành tổ chức xã hội, có một hội đồng già làng gồm những ông già chủ trì chung (Phun pơ bút). Hội đồng chọn người đứng đầu làng (Ơi pơ thun, Thap lơi hay Khoa plơi), có lệ làng gọi là Kđi. Xã hội Gia Rai truyền thống có hình thức cố kết vùng gọi là Tơ ring. Người đứng đầu Tơ ring là Khoa Tơ ring, giúp việc xét xử có Po phắt kđi và Thao kđi. Tơ ring là cộng đồng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự. Ngày nay, đứng đầu làng là trưởng làng, và bí thư chi bộ chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của làng, bên cạnh đó có hội trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn hỗ trợ quản lý.
Dòng họ theo chế độ mẫu hệ nên phả hệ hoàn toàn tính về dòng mẹ. Khối cộng đồng máu mủ được tập hợp thành từng họ – Kơnung hoặc gioai. Mỗi họ thường được phân chia nhiều ngành hoặc phân đôi, thành họ khác. Mỗi họ, mỗi ngành kiêng một tô tem riêng. Gia đình nhỏ mẫu hệ là nét nổi bật của người Gia Rai khác với trường hợp người Ê ê là đại gia đình mẫu hệ. Ngày nay, chủ yếu là gia đình phụ hệ.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Người Gia Rai hôn nhân theo chế độ 1 vợ 1 chồng, nghiêm cấm hôn nhân với người trong cùng ngành họ và dòng mẹ, chồng chết, vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết, chồng có thể lấy chị vợ.
Tập tục truyền thống, trai gái trưởng thành phải cà răng căng tai (nam giới, phụ nữ cưa đi 4 răng cửa hàm trên, mài nhẵn đến tận lợi, phụ nữ căng vành tai cho thật rộng bằng thẻ gỗ ngày một to dần, đến khi lỗ thủng đó có thể xuyên qua một khúc ngà hay vòng đồng thật to, thật nặng, lủng lẳng) mới được coi là đẹp và sang, hôn nhân mới tiến hành một cách thuận lợi. Có những bộ răng cưa và đôi tai như ý, con trai thường tập trung ngủ tại nhà rông hay tại phần gác dành riêng tiếp khách của 1 số bạn trai cùng lứa, người Gia Rai gọi là Sang Dam. Nữ giới cũng tập trung thành nhóm tại gia đình nào đó có các cô gái chưa đi lấy chồng, gọi là Sang Dra. Đêm đêm, các chàng trai đến Sang dra làm hiệu rủ bạn tình đi chơi và ngủ đêm tại chòi rẫy ngoài rừng. Nếu cô gái có tình ý với ai, sẽ đưa cho ông mối chiếc vòng của mình nhờ đưa tận tay cho người yêu. Nếu ưng thuận, người con trai nhận vòng. Nếu không, người con gái vẫn theo đuổi nhờ ông mối trao vài ba lần nữa cho đến khi hết hy vọng mới thôi. Khi người con trai đã chấp nhận, ông mối hẹn gặp ở 1 địa điểm để cô gái nhận vòng của người bạn tình. Sau lễ trao nhận vòng, tâm hồn và thể xác của họ đã thuộc về nhau, hang đêm họ vẫn tiếp tục trao gửi thân xác cho đến khi thành vợ chồng. Sau nghi lễ trao vòng, nhà gái chuẩn bị: các ché rượu cần cho chồng, cho ông mối và cho mình uống; nhà trai chuẩn bị 1 con lợn, rồi tiến hành hôn lễ, ở nhà gái trước, nhà trai sau. Hôn lễ phải trải qua 3 bước: lễ thành vợ thành chồng, lễ đoán phận trong giấc mơ và lễ trở lại nhà mẹ. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không được thừa kế tài sản, con gái được thừa kế tài sản, con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ.
Ngày nay, tục cà răng, căng tai, tục ở Sangdam và Sangdra không còn nữa, phần nhiều trai gái tự tìm kiếm, kết bạn tình, tiêu chí chọn vợ không phải ở việc cà răng căng tai mà là chịu thương, chịu khó, hiền lành, nết na, nhanh nhẹn, thạo việc giới tính như làm ruộng, làm rẫy, lấy củi, giã gạo, nội trợ, nuôi con và quán xuyến toàn bộ công việc gia đình, nhanh nhẹn, hoạt bát. Đối với tiêu chuẩn chọn người chồng lý tưởng, không còn là rang cưa đẹp, mà đáp ứng tiêu chí vui vẻ, tháo vát, cần cù, chín chắn, gần gũi, thành thạo canh tác, dựng nhà, đan lát, làm đồ gia dụng, có sức khoẻ để gánh vác công việc gia đình và cộng đồng
Bà mẹ được coi trọng, khi mang thai họ không được làm việc nặng nhọc. Họ rất lo sợ đẻ khó và chết vì sinh nở. Khi sinh nở sản phụ phải kiêng khem nhiều thứ như không ăn cơm nấu mà chỉ dùng cơm lam, không ăn thịt mà chỉ ăn rau…
Tập tục tang ma
: Người Gia Rai theo tục tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt. Người chết được quấn trong vải, đặt trong quan tài hoặc quấn bằng vỏ cây rồi đem chôn. Người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở huyệt phía mẹ mình. Trong huyệt chung ấy, các quan tài được xếp kề sát bên nhau theo chiều ngang rồi chồng lên theo chiều dọc. Khi quan tài cao bằng miệng huyệt thì lấy ván kê bốn bề để chôn tiếp vài ba lớp nữa mới làm lễ “bỏ mả” (Họa lui, Thi nga hay pơ thi). Pơ thi (lễ bỏ mả) là lễ hội đặc sắc bậc nhất của người Gia Rai. Nhà nào có người chết mà chưa làm Pơ thi, người vợ (chồng) chưa được tái giá và phải tránh xa những nơi hội hè. Hàng năm, gia đình đó còn phải lo liệu cơm rượu, trâu bò lợn gà để hiến tế cho người chết. Khi đã chuẩn bị đủ chi phí, gia đình người chết làm Pơ thi để xóa bỏ mọi ràng buộc giữa người sống với linh hồn người đã chết, để linh hồn đó được nhập vào làng ma.Sau khi chia của cho người chết, khu nhà mồ bị bỏ hoang cho mưa gió tàn phai.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Người Gia Rai theo vạn vật hữu linh. Thần linh (Yang) có 3 nhóm: Thần nhà (Yang sang) lực lượng bảo vệ nhà cửa, được cúng trong nhà. Khi nhà mới dựng thì phải tiến hành nghi thức lễ đâm trâu và trồng cây gạo; Thần làng (yang ala bôn) và thần nước (yang ia) là lực lượng bảo vệ làng xóm và cuộc sống của mọi thành viên được cúng ở bến nước và chân núi; Thần vua (Yang pó tao) do vua lửa, vua nước, vua gió (ptao agin) tiến hành lễ cầu trời, mưa thuận, gió hoà và mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, người Gia Rai còn tin khi chết các linh hồn biến thành ma. Có hiện tượng gán cho người có ma thuật làm hại gọi là ma lai.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Người Gia Rai có kho tang văn học nghệ thuật phong phú, bao gồm: văn chương truyền miệng, nổi bật là sử thi Xing Nhã, H’Bia Đrang, Đăm Di…; dân ca: Knhă (hát nói), adoh (hát có nhịp điệu), nhik (hát giao duyên), và hri (hát kể trường ca); các vũ điệu tập thể: múa (xoang), xoang đung đưa, xoang vỗ tay, xoang vuốt tranh, múa võ trang, múa trống , diễn ra thâu đêm mỗi dịplễ hội, với các động tác mô phỏng những cuộc chiến tranh bộ tộc
Người Gia Rai có gần 20 loại nhạc cụ dân gian: cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn broh, đàn goong, krông put, tưng nưng …Chỉ riêng cồng chiêng được tổ chức thành hơn 20 dàn nhạc, nổi tiếng là chiêng A ráp 11 chiếc đi kèm trống cái bịt da trâu.
Tết, lễ hội cộng đồng
Người Gia Rai có các lễ hội lớn trong năm: bỏ mả, tạc tượng mồ, lễ lên nhà mới, mừng lúa mới/cầu mùa. Trong đó, lễ cầu mùa Pơtrum thường được tổ chức vào khoảng tháng 12 dương lịch, là lễ tạ ơn nữ thần nông nghiệp Yă Pôm, xin được mở kho lúa mới sau vụ mùa thu hoạch.
Pơ thi (lễ bỏ mả) là lễ hội đặc sắc bậc nhất của người Gia Rai. Nhà nào có người chết mà chưa làm Pơ thi, người vợ (chồng) chưa được tái giá và phải tránh xa những nơi hội hè. Xưa, Pơ thi diễn ra trong 7 ngày, sau còn 4 ngày (mở hội, vỡ hội, rửa nồi, giải thoát cho người góa). Nay vẫn 4 lễ thức, nhưng chỉ diễn ra trong 2 ngày. Trước khi làm lễ bỏ mả, người ta vào rừng lấy gỗ, dựng nhà mồ, làm tượng nhà. Trong những ngày Pơ thi, cả làng tập trung tại khu nhà mồ làm lễ, ăn uống, vui chơi, tấu cồng chiêng, biểu diễn múa xoang Chiều hôm trước, các gia đình tang chủ dắt trâu/bò ra nhà mả, khi khỏi cổng làng, họ phải làm lễ pơ kloh (bỏ xong) (dùng một sợi dây thừng buộc vào mũi con vật, tất cả thân nhân người chết đều nắm lấy sợi dây đó, cầm một nắm gạo ném lên con vật, vừa ném, họ vừa khấn: “Anai kâopăn. Kăo jai braih. Huăi kom, rơyom dongtah. Kloh laih huăi kom dongtah” (bây giờ tôi nắm dây đây, tôi ném gạo đây. Thế là xong rồi không còn kiêng kỵ gì nữa, không còn nợ nần nhau gì nữa). Khấn xong, họ buộc trâu sau nhà mả. Sáng sớm hôm sau – ngày lễ bỏ mả, già làng và đàn ông có kinh nghiệm đến bên cột gâng làm lễ đâm trâu, cúng giàng, âm vang cồng chiêng thúc dục các chàng trai cầm giáo đâm trâu. Con trâu ngã xuống, dân làng tấu chiêng khóc trâu, rửa trâu, thui sạch, cắt đầu, đuôi và móng treo lên các cột gâng ở nhà mả, rồi mới mổ thịt, lấy các thứ quý: gan, sách, óc và lưỡi trâu, gói lá/xâu thành từng que để cúng trong nhà mả. Kết thúc nghi lễ là bữa ăn cộng cảm, mọi người ngồi quanh những chiếc mâm bằng lá chuối, ăn uống, tấu chiêng, nhảy múa vui vẻ. Người goá đem phần cơm của mình vào ăn cùng người chết trong nhà mả. Sau bữa cơm, người ta tin rằng người chết sẽ về với tổ tiên, còn người sống được giải phóng, không còn ràng buộc gì nữa. Họ hàng thân thuộc chải đầu, mặc áo mới cho người goá rồi đưa ra khỏi nhà mả, nhập vào điệu múa vui của cả làng. Người đến dự mang theo gạo, rượu biếu gia chủ. Khi khách ra về, chủ lại tiễn khách bằng một miếng tai lôm (gan trộn với sách) và 1 gói (nhăm he nhăm rơpa), thịt sống trộn lẫn với phèo.