Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Bố Y có 2.273 người (Năm 2009).
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú ở 14 tỉnh, nhưng tập trung đông nhất ở hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn hay Pu Nà với 3 ngành chính là Pầu Y, Pầu Nả và Pầu Thỉn.
Ngôn ngữ: Người Bố Y nói ngôn ngữ Tày Thái, chi Thái, hệ ngôn ngữ Thái-Kađai.
Sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp: Người Bố Y sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Một số cư dân ở vùng thấp, thành thạo làm ruộng nước kết hợp với nương rẫy. Cây trồng chủ yếu là Ngô (dì mờ), thứ đến là lúa tẻ (phẻ mi), lúa nếp (nổ mi). Ngoài ra, họ còn trồng các cây lương thực khác: dong riềng, sắn (se dù), khoai lang (pờ chú), vừng (chư ma), lạc (lồ sung), đậu tương (tậu)..; các loại rau: đậu đũa (dăng tẩu), rau cải (chin chải), cải củ (lô pủ), bầu (khú lu); bí xanh tung qua, bí ngô (nhạc qua), mướp (shứ qua), mướp đắng (khú qua), cà chua thóc (xua thăng cố); Cây gia vị: gừng (cheng), riềng (la cheng), nghệ (hoang cheng), hành (phân zhâu), hẹ (chải), kiệu ( pả thúi). Đồng bào trú trọng chăn nuôi gia súc (trâu, bò), gia cầm (lợn, gà) và nuôi cá. Trong đó, chăn nuôi trâu chủ yếu để lấy sức cày, bừa và kéo gỗ, không giết mổ và ăn thịt trâu. Nuôi cá kinh nghiệm lâu đời là ra sông tìm vớt trứng cá, đem về ươm cho lớn, mới thả vào ao hoặc ruộng nước mỗi mùa mưa hàng năm.
Đồng bào trú trọng chăn nuôi gia súc (trâu, bò), gia cầm (lợn, gà) và nuôi cá. Trong đó, chăn nuôi trâu chủ yếu để lấy sức cày, bừa và kéo gỗ, không giết mổ và ăn thịt trâu. Nuôi cá kinh nghiệm lâu đời là ra sông tìm vớt trứng cá, đem về ươm cho lớn, mới thả vào ao hoặc ruộng nước mỗi mùa mưa hàng năm.
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên: Cư dân Bố Y cũng như nhiều dân tộc khác, luôn tận dụng khai thác nguồn lợi tự nhiên với các hình thức săn bắn, đánh cá, hái lượm để cải thiện cuộc sống. Những nơi gần sông suối, đồng bào không chỉ đánh bắt cá, mà họ còn ra sông tìm vớt trứng mùa cá đẻ, vào những mùa mưa, đem thả vào ao hoặc ruộng nước để nuôi.
Nghề thủ công
Nghề thủ công: Nghề thủ công của người Bố Y đa dạng, gốm có: dệt, rèn, đục đá, chạm bạc, làm đồ gỗ, đồ gốm. Phụ nữ biết trồng bông, kéo sợi, dệt vải, may thêu quần áo, túi, khăn. Ngày nay, các nghề thủ công này đều bị mai một ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt nghề dệt hầu như vắng bóng.
Phương thức vận chuyển
Phương thức vận chuyển: Cư dân Bố Y chủ yếu vận chuyển bằng gùi, ngựa, địu hàng. Nay đồng bào đi lại và dùng xe máy chở hàng.
Trao đổi hàng hóa
Trao đổi hàng hóa: Trước đây, người Bố Y thường dùng ngô, thóc, để đổi lấy cày, cuốc, muối dầu. Đồ gia dụng chủ yếu tự làm ra để đáp ứng cho cuộc sống. Ngày nay, đồng bào mua, bán bằng tiền tại các chợ phiên và các cửa hàng tạp hóa ở trung tâm xã, huyện.
Văn hóa mặc
Văn hóa mặc: Cách đây vài chục năm, phụ nữ Bố Y mặc váy xòe, áo năm thân, che yếm ngực. Trong lễ, tết, họ mặc áo dài liền váy, kiểu chui đầu, cổ rộng, trễ sâu, có thêu hoa văn hình hoa lá đối xứng, cửa tay viền vải khác màu. Bên trong mặc váy xòe, xếp nếp, kiểu váy của phụ nữ Mông Hoa, đội khăn chàm đen. Gần đây, một số phụ nữ mặc giống người Nùng hoặc người Hán với chiếc ống tai áo thêu, đắp ghép vải màu theo băng ngang để rời, có thể mặc với nhiều áo khác nhau. Phụ nữ Bố Y thích đeo trang sức bằng bạc, để tóc dài, tết, quấn quanh đầu hoặc vấn ngược lên đỉnh đầu, đội khăn có trang trí hoa văn, hoặc khăn chàm, theo kiểu chít hoặc xếp kiểu chữ nhân trước trán. Nam giới, mặc áo cổ viền, loại áo cánh ngắn, tứ thân; quần lá tọa màu chàm bằng vải tự dệt.
Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực: Lương thực chính của người Bố Y là ngô, lúa, sắn, khoai. Mùa giáp hạt còn có củ mài, củ nâu. Đồng bào chủ yếu ăn ngô đồ (mèn mén), cơm tẻ, xôi với 2 bữa (sáng, tối) là chính, trưa là bữa phụ. Thức ăn có canh rau, dưa cải muối (chủng chải), măng chua (sua sấn) xào, đậu phụ (Lù tở phú), cá ướp hoặc thịt ướp. Thịt lợn chế biến theo cách luộc, xào gừng, xông khói (treo gác bếp), xào đậu phụ, nướng chả. Đặc biệt, người Bố Y không thể thiếu món nước chấm Xì dầu (Đậu xị) trong bữa ăn hàng ngày. Các gia vị đặc trưng phải kể đến là hạt Sẻn (ma cheo) để rắc vào nước chấm, cháo, hoặc ướp thịt để xào, nấu, hạt Dổi (se pà) nêm vào đậu phụ, đậu xị, tương ớt. Ngày lễ tết, đồng bào còn chế biến nhiều loại bánh: bánh ngô (Chi mờ), bánh khoai (khoải pa), bánh dày (Lủ mí pa), bánh sừng (chủng sứ), bánh bột đậu (Tẩu mỉ thua), bánh mặt trăng (can pa), bánh chưng (Khứng pắng pa), bánh khảo (Chân cao pa), bánh dong (Lèng phan) – chế biến từ cử Dong giềng rửa sạch, giã, lọc bột, phơi khô, pha nước nấu chín, đổ ra nia (mẹt) như kiểu bánh đúc của người Kinh. Khi ăn, cắt miếng nhỏ chấm với đậu xị. Hàng ngày, người Bố Y uống nước suối (lắng súi) và một số loại nước lá cây giải nhiệt như: lá ổi (thau dề súi), chè rừng (giảo cổ lam), lá mâm xôi (sử dê súi). Nam giới thích uống rượu ngô, hút thuốc lá.
Văn hóa ở
Văn hóa ở: Nhà ở truyền thống của người Bố Y là nhà đất, trình tường, ba gian, hai mái vuông, xung quanh trình tường, phía trước là một hàng hiên. Tất cả chiều cao, chiều rộng phải tuân theo nguyên tắc số lẻ. Bộ khung được làm bằng gỗ chắc chắn, kết cấu cân đối bởi 2 kèo đơn và 5 hàng cột, trong đó, có đôi cột trốn là đôi cột giữa. Mái lợp cỏ gianh hay ngói âm dương. Nhà có một cửa chính ở gian giữa, một cửa phụ nơi đầu hồi để qua bếp đun và hai cửa sổ nhìn ra hàng hiên. Tuy là nhà nền, nhưng nhà nào cũng có một sàn gác trên lưng quá giang để trữ nông sản và làm chỗ ngủ của những người con trai chưa vợ.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân, gia đình: Trước kia, người Bố Y chỉ kết hôn nội tộc, gần đây, mở rộng kết hôn với các dân tộc khác. Trong hỏi, cưới, ông (bà) mối (người có uy tín, thông hiểu lễ nghĩa, biết đối đáp bằng các điệu hát…) đóng vai trò quan trọng. Trước tiên, bà mối bày tỏ nguyện vọng của nhà trai. Nhà gái chấp thuận sẽ đưa lá số cô gái cho bà mối đem về, nhờ thấy cúng so tuổi và gửi 10 quả trứng gà nhuộm đỏ, tỏ lòng quý mến chàng rể tương lai. Được tuổi, bà mối, nhà trai sẽ mang lễ vật đến trả lá số, xin được ăn hỏi và làm đám cưới. Ngày cưới, chủ rể không đi đón dâu, mà có 1 – 2 đôi trẻ, 2 đôi đã có vợ có chồng, cùng em gái chú rể dắt con ngựa đẹp để rước chị dâu về nhà chồng. Về nhà chồng, đoàn 8 người nhà gái cùng cô dâu mang theo: 1chiếc kéo (để tỏ rõ bổn phận của người phụ nữ đảm đang, biết may vá, thêu thùa) và 1 con gà mái nhỏ (đến giữa đường phải thả vào rừng, để mang lại may mắn), đồ tư trang cần thiết. Người Bố Y duy trì hôn nhân 1 vợ 1 chồng bền vững. Xưa kia, phụ nữ có tục đẻ ngồi, chôn nhau thai dưới gầm giường của mẹ. Nay chị em đã đến các cơ sở y tế để sinh con. Con sinh ra đến nay vẫn phải tuân thủ theo hệ thống tên đệm của dòng họ (khoảng 5 – 9 chữ). Thế hệ nào, dùng 1 chữ đệm của thế hệ đó. Vì thế, qua tên đệm có thể biết rõ vai vế của người có tên mang chữ đệm trong quan hệ họ hàng.
Tập tục tang ma
Tập tục tang ma: Người bố Y thực hiện nghiêm ngặt các nghi lễ trong đám tang. Khi bố mẹ chết, con cái phải kiêng kỵ trong 90 ngày đối với tang mẹ, 120 ngày đối với tang cha. Thời kỳ tang chế là ba năm, con trai không được uống rượu, con gái không được mang đồ trang sức, đoạn tang mới được tổ chức cưới xin. Người Bố Y chỉ cúng một giỗ đầu, không cúng tuần, 49, 100 ngày như dân tộc khác.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Người Bố Y quan niệm mọi vật đều có thần, hồn. Con người cũng có 36 hồn với hai loại: hồn khôn và hồn dại. Khi chết, hồn lìa khỏi xác. Hồn khôn thì về bàn thờ phù hộ cho con cháu sức khỏe, làm ăn may mắn. Hồn dại làm hại người khác, sống trong không gian vô tận. Trên bàn thờ của người Bố Y thường có 3 bát hương: bát để giữa thờ trời, 1 bên thờ táo công và 1 bên thờ tổ tiên. Đồng bào có tục làm lễ giải hạn cho trẻ em khi bị sài đẹn, chậm lớn, kém ăn bằng cách cúng lễ, cho trẻ theo thày cúng dẫm lên lưỡi dao 3 lượt, đủ 36 bước, để giải hết 36 hạn, cầu xin cho trẻ khỏe mạnh, sống lâu.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật: Người Bố Y có kho tàng truyện cổ, tục ngữ, dân ca khá phong phú với hàng trăm bài dân ca, hàng chục điệu múa. Mỗi bài hát, điệu múa gắn liền với ngày tết, đám cưới và các lễ hội giải hạn, tạ ơn thần trâu như: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng; hát múa trò chơi cờ, trò đan chân, bài hát trồng cây thuốc thơm, bài hát nhớ ơn Đảng và Bác Hồ…
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, lễ hội dân gian: Người Bố Y có nhiều lễ tết trong năm: Nguyên đán (Đân chinh), rằm tháng giêng (síp hả), tết đoan ngọ (Toản vù), tết cơm mới… Những dịp này, đồng bào thường làm xôi nếp nhuộm đỏ, làm bánh dày, bánh chưng, bánh chay… để cúng tổ tiên, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt, người Bố Y có Lễ tạ ơn trâu vào ngày 8/4 hàng năm để báo đáp ơn trâu đã giúp người cày, bừa, kéo gỗ. Trong lễ này, thanh niên phải làm mô hình con trâu bằng tre đan, dán giấy, phụ nữ phải làm xôi 4 màu: đỏ (gạo nếp ngâm với màu cây cơm đỏ), xanh (gạo nếp ngâm với màu lá cây gừng), vàng (gạo nếp ngâm với màu củ nghệ nếp), tím (gạo ngâm với màu lá cẩm đỏ, đen thêm tro bếp). Xôi đồ chín, nặn thành hình con trâu, trên đầu trâu đặt 3 quả trứng nhuộm đỏ. Sau lễ cúng tạ ơn thần trâu của cư dân nông nghiệp Bố Y, thày cúng chi cho trẻ những quả trứng đỏ, kèm theo điều ước những đứa trẻ sẽ may mắn, lớn lên chăm chỉ làm ăn.