Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Xinh Mun có 23.278 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Người Xinh Mun cư trú tập trung tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, một bộ phận di cư vào Đồng Nai từ năm 1979
Tên gọi: Người Xinh Mun còn có tên gọi khác là người Puộc, người Pụa, Xá, Pnạ
Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Xinh Mun là tiếng Puộc (tiếng Xinh Mun, Ksingmul), thuộc ngữ chi Khơ Mú, nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á.
Sản xuất nông nghiệp
Người Xinh Mun sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Nương có 3 loại: Nương dùng gậy chọc lỗ, nương dùng cuốc, nương dùng cày. Một vài nơi làm ruộng nước là chính. Mỗi năm một vụ, đồng bào chủ yếu trồng trên rẫy là lúa (nếp, tẻ) và ngô trên đất rẫy. Hiện nay, Người Xinh Mun vẫn làm nương rẫy, nhưng họ đã biết canh tác trồng lúa nước, sử dụng cuốc của người Thái, sử dụng cày của dân tộc Môngđể làm đất canh tác. Một số vùng trũng, đồng bào Xinh Mun học kĩ thuật cày bừa và phương thức canh tác lúa nước của người Thái. Nhờ vậy đã kéo dài thời gian sử dụng đất, tạo ra năng suất lao động cao hơn và có cuộc sống ổn định.
Người Xinh Mun chăn nuôi gia súc, gia cầm trong từng gia đình. Vật nuôi gồm: trâu, bò, lợn, gà, dê. Trâu, bò thường được coi là một nguồn tài sản của gia đình. Nhà giàu, thường nuôi nhiều trâu, bò để kéo cày, lấy phân bón ruộng, bán. Lợn, gà, dê được nuôi để phục vụ các nghi lễ tôn giáo, kết hợp sử dụng làm thực phẩm trong các dịp lễ tết, hội hè. Trước đây, người Xinh Mun chủ yếu chăn thả gia súc, gia cầm. Ngày nay, họ đã làm chuồng trại cho chúng gần nhà ở. Bên cạnh trồng trọt, công việc chăn nuôi ngày càng được chú ý, có khả năng phát triển, một số hộ gia đình còn đào ao thả cá.
Kinh tế tự nhiên
Khai thác tự nhiên có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của đồng bào Xinh Mun. Hàng ngày, tranh thủ lúc lên nương rẫy, mỗi buổi chiều đi làm về, đồng bào hái lượm các loại lâm thổ sản trên rừng: măng. nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, củ mài,…,… mang về làm thức ăn bữa cơm chiều. Nam giới thường săn bắt các loại thú rừng nhỏ: cầy, cáo, khỉ, hoặc các loại chim muông… Mục đích trước tiên nhằm mục đích bảo vệ mùa màng, sau đó là có thêm thịt cải thiện đời sống. Với các loại thú nhỏ săn bắt chủ yếu bằng hình thức bẫy. Trước kia, rừng Tây Bắc vẫn còn hổ, báo, gấu, đồng bào thường sử dụng hình thức săn rình. Ngày nay, do rừng khan hiến, chính sách của Đảng và Nhà nước cấm săn các loài thú lớn, việc săn hổ, báo, gấu không còn. Đồng bào chủ yếu săn thú nhỏ và đánh bắt cá dưới khe, suối bằng hình thức đặt bẫy và ruốc cá bằng lá rừng.
Nghề thủ công
Dân tộc Xinh Mun có rất ít các ngành nghề thủ công. Một số bản cũng có nghề rèn, nhưng do bản ít người, nhu cầu rèn ít, cho nên rèn không có cơ hội phát triển. Một số chị em học nghề dệt của người Thái, nhưng rồi cũng không phát triển được, vì đồng bào sinh sống gần người Thái, sản phẩm dệt của người Thái nhiều, đẹp, bán ở chợ đã thoả mãn nhu cầu về vải cho cả người Xinh Mun. Duy chỉ có nghề đan lát mây, tre là phát triển hơn cả. Họ đan gùi, mâm mây ăn cơm, ghế mây , hòm đựng quần áo…. kỹ thuật đan lát của người Xinh Mun khá tinh xảo. Sản phẩm đan lát gồm có: Mâm, giỏ, bem, gùi, ghế mây, khay đựng nước, giỏ đựng cơm…Đồ đan mây, tre của đồng bào được các dân tộc trong vùng ưa thích. Do vậy đồ đan còn dùng làm vật trao đổi với người Thái, người Lào để lấy một phần đồ mặc và đồ sắt.
Phương thức vận chuyển
Người Xinh Mun phổ biến dùng gùi đeo trên trán làm phương tiện vận chuyển. Hiện nay, đường xá đi lại thuận tiện hơn, một số gia đình đã có xe gắn máy, xe máy.
Trao đổi hàng hóa
Trước kia, người Xinh Mun sinh sống bằng nền kinh tế tự túc, tự cấp, ít tham gia vào hoạt động buôn bán. Vùng người Xinh Mun cư trú không họp chợ. Nếu có trao đổi thì bằng phương thức hàng đổi hàng: đổi đồ đan lấy đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và vải vóc để may quần áo. Hiện nay, do nhu cầu cuộc sống, đồng bào cũng phải bán một số nông, lâm, thổ sản để lấy tiền mua nhu yếu phẩm như dầu thắp, muối, kim, chỉ thêu, giấy vở cho học sinh. Người Xinh Mun đem lợn, gà, măng khô, măng tươi, nấm hương, mộc nhĩ và thậm chí là đồ đan ra chợ bán. Khách mua là những thương lái, buôn bán nhỏ lẻ, chạy chợ từ nơi sang nơi khác trong vùng. Chợ thường họp theo phiên và thường rất xa nơi đồng bào cư trú.
Văn hóa mặc
Người Xinh Mun không trồng bông, dệt vải. Vải mặc hoàn toàn phải mua hoặc trao đổi với người Thái. Vì vậy, trang phục của người Xinh Mun có sự giao thoa với người Thái. Phụ nữ Xinh Mun đội khăn Piêu, mặc áo, váy, đeo túi khá giống người Thái, đồng thời có sự giao thoa với trang phục người Lào. Khăn (Khuất Lụ) của phụ nữ Xinh Mun, dài 157cm- 160cm, rộng 39 – 40 cm. Hoa văn được thêu chỉ mầu đan vào nền vải đen, thêu hoa văn ở giữa trước, xong mới đính thêm các phần cút piêu (Mộc Kép), cóp piêu và hu piêu. Cút piêu là dải mầu đỏ dùng viền thêu vào cạnh bốn góc vuông ở hai đầu khăn khuất lụ, cóp piêu dài 32cm, hu piêu là dải vải đỏ tết lại ở bốn góc khăn giống như một bông hoa ba cánh. Trên nền cóp piêu đính thêm các chùm cút piêu theo kiểu cặp đôi. Áo liền váy (Hang Tịa) của phụ nữ Xinh Mun mặc trong ngày cưới, may kiểu chui đầu (Nôn Sô) dài 131cm, rộng 58cm. Cổ (co Hang) táp thêm vải thổ cẩm rộng 10cm. Thân trước (nờ ấc đu kờ dung) có nẹp các loại vải mầu đỏ (Kờ nủm), xanh hoà bình (Khăn du) và dải hoa, táp thêm vải mầu chạy dọc từ mép cổ áo đến chân váy dài 80cm, từ nách áo đến chân váy là một hình trụ. Váy may bằng vải sợi bông màu chàm đen, kiểu váy ống, ngắn, hở bắp chân. Ngày nay thường may bằng vải láng đen, lụa đen…. Chân váy (Khép dung ườn) dài 16cm, bên trên là vải hoa, dưới là vải thổ cẩm, cạp trước có táp hai mảnh vải cắt hình đuôi nheo (Phay khăn), bên dưới đó táp thêm các loại vải mầu tạo hình sóng nước (Phai ruông). Khác với các dân tộc khác, áo váy của dân tộc Xinh Mun được trang trí ở mặt trái, chỉ mặc trong ngày cưới, sau đám cưới cất đi, khi chết mới mặc chôn theo (Đây có lẽ là quan niệm âm dương của dân tộc Xinh Mun, lúc sống phần trang trí mặc trong, lúc chết phần trang trí bên trong mặc ngoài). Đi kèm với váy áo là bộ dây xà tích…Trang phục nam giới Xinh Mun xưa kia mặc áo, quần may bằng vải bông nhuộm chàm, không thêu hoa văn. Ngày nay, nam giới mặc quần âu, áo sơ mi như người Kinh.
Văn hóa ẩm thực
Người Xinh Mun ăn 3 bữa trong ngày, 1 bữa phụ và 2 bữa chính. Lương thực chính là cơm nếp, nay có thêm cơm tẻ. Cơm nếp nương được đồ một lần vào sáng sớm để ăn cả ngày. Thức ăn ngày thường chỉ có canh rau thu hái theo mùa: mùa đông, xuân: thu hái các loại rau, lá; mùa hè: thu hái quả, củ. Người Xinh Mun cũng ăn thịt, cá, trứng,… nhưng chỉ trong những dịp nhà có khách, lễ hội, tết, hoặc lễ cưới, đám ma, vào nhà mới. Những dịp này, người ta sử dụng các con vật như lợn, gà … hiến sinh. Sau nghi lễ, tất cả thịt những con vật hiến sinh trở thành thực phẩm cho gia đình và những người tham gia các lễ hội. Ngoài thực phẩm là vật nuôi trong gia đình, người Xinh Mun còn sử dụng thịt thú rừng, cá sông, suối .. săn, bắt được, rêu đá. Người Xinh Mun cũng thích ăn những món ăn có gia vị cay: rau xanh chấm với ớt, tỏi, muối, mác khen giã nhỏ, ăn nặm pịa, ăn gỏi thịt, gỏi cá, thịt trâu khô, măng chua, thịt sấy gác bếp. Trong đó, phải kể đến món rêu đá đặc trưng, có vị mát, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp. Rêu đá thường mọc lúc chớm thu từ tháng 9, tháng 10 âm lịch đến hết tháng 5. Rêu có có loại: Tau Cay (màu xanh), He và Cui có dạng như sợi tóc, mọc trên đá, nơi có nguồn nước chảy mạnh, chân thác, bám vào những tảng đá to. Phụ nữ Xinh Mun có thói quen đi dọc theo các khe suối, dùng dao lẩy rêu đang bám chặt vào đá, nhặt bỏ rác bẩn, dùng chày gỗ vừa đập, vừa té nước để loại hết cát, sỏi còn dính trong rêu, để ăn dần trong 2-3 ngày, hoặc phơi trên gác bếp cho khô để ăn dần. Sau khi rửa sạch, vắt khô, đem trộn với các loại gia vị: sả, gừng, ớt, muối, một số nơi trộn thêm thịt gà, cá gói lá dong, vùi trong than lửa cho chín. Món rêu nóng ăn với xôi là đặc sản của người Xinh Mun, có vị thơm, bùi rất ngon. Cũng có khi, rêu được cắt thành đoạn nhỏ, cho vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa đủ. Một số nơi, đồng bào dùng ống nứa non thay cho lá dong để nướng rêu trộn thịt băm, nên món rêu nướng có vị ngọt đặc trưng.
Văn hóa ở
Người Xinh Mun cư trú theo từng bản, mỗi bản có từ vài đến 30 nóc nhà, được bố trí ở những chỗ tương đối bằng phẳng trên sườn đối, gần khu đất canh tác, gần suối hay khe nước… Các nhà trong bản không bao giờ quay mặt vào nhau hay theo hướng chéo nhau mà đầu mái nhà nọ liền đầu mái kia hoặc ở hẳn phía sau. Người Xinh Mun ở nhà sàn, cột chôn, gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ, hai mái chính (dài) và hai mái hồi tròn theo kiểu nhà của người Thái. Phía trên mái có Khau Cút, nhà giàu làm khau cút hình hoa sen thể hiện sự thanh tao và giàu có, nhà thường dân dùng 2 thanh tre để chéo nhau, những gia đình mới ra ở riêng thì làm hình người phụ nữ mang bầu để cầu mong sự sinh sôi nảy nở. Bộ khung nhà chủ yếu gồm: Cột, kèo, quá giang, đòn nóc và đòn tay. Nhà chỉ có hai hàng cột theo chiều dọc. Bốn cột chính ở 4 nóc nhà là chỗ dựa cho toàn bộ khung nhà, liên kết hệ thống xà ngang, xà dọc (đòn dầm) xuyên suốt qua các cột. Tuy nhiên thay vì đục mộng hay ngoãm, đóng đinh, thì giữa các mấu nối, đồng bào lại liên kết buộc bằng dây chằng (cây giang, mây hoặc vỏ những cây Năng hu, Năng xa dai và bền chắc), thắt nút khá công phu và tinh xảo, tạo sự chắc chắn cho công trình. Mỗi nhà có 2 cầu thang ở 2 đầu quản. Riêng cầu thang, người Xinh Mun không quy định số bậc lẻ hay chẵn. Cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi. Cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi. Khách vào nhà chỉ được đi vào phía sàn dành cho đàn ông. Trước đây, nhà không có cửa sổ. Hiện nay, họ trổ phên vách làm cửa sổ. Trong nhà, người Xinh Mun chia không gian làm 2 phần, phần “PLầng” và phần “Xìa”. Phần “PLầng” (gốc) là nơi ngủ của khách và con trai chưa vợ, con rể tuyệt đối không được ngủ ở đây. Phần “PLầng” có một bếp lửa, dùng để sưởi ấm và đun nước tiếp khách; trong hoàn cảnh nào cũng không sử dụng bếp này để nấu thức ăn. Người Xinh Mun kiêng nhất chuyện làm nhà quay cửa vào nhau, hoặc nhà nằm theo hướng chéo nhau. Phần “xìa”, là nơi sinh hoạt của gia đình, chiếm 2 gian (nếu là nhà 3 gian), hoặc chiếm 3 gian (nếu là nhà 4 gian). “Xìa” chia làm 2 phần: Một bên là chỗ ngủ, để tư trang, bố trí theo thứ tự: trong cùng là vợ chồng con trai, đến con gái, mẹ, bố, bên kia có bếp nấu ăn và để đồ dùng bếp núc. Hiện nay, nhiều gia đình còn dựng thêm một tấm phên lửng để ngăn Plấng và nơi sinh hoạt.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Quan hệ xã hội, dòng họ: Người Xinh Mun có nhiều họ, nhưng hiện nay chỉ còn hai họ Vi, Lò giống như người Thái. Mỗi họ trên đều kiêng giết ăn thịt một số động vật hay thực vật nhất định.Các con theo họ cha, gia đình nhỏ, phụ quyền là chủ yếu, nhưng những đại gia đình gồm ba thế hệ hay các anh em trai đã có vợ vẫn sống chung trong một nhà còn tồn tại khá đậm nét. Số lượng thành viên trong nhà khoảng 10 – 15 người, cũng có nhà lên tới 20 – 30 người.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Tập tục hôn nhân, gia đình:Lễ cưới của người Xinh Mun gồm 5 bước: Lễ dạm, lễ hỏi, lễ đi rể, lễ đón dâu và lại mặt. Hôn nhân phổ biến tục ở rể, thời gian tùy thuộc thỏa thuận của hai bên gia đình, nhằm trả tiền “khả lu” – tiền công nuôi dưỡng cho cha mẹ bên nhà vợ. Trước đây, con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời, nếu bên vợ không có con trai. Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun rất đơn giản, nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc 1 đôi gà, 2 vò rượu cần… sang nhà gái, tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và làm tằng cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp ý nghĩa, rằng từ nay cô gái đã có chồng, bất cứ chàng trai nào cũng không chọc ghẹo). Sau lễ cưới, cô dâu, chú rể phải đổi tên của mình, lấy một tên mới chung cho cả hai người. Tên chung này do bố mẹ vợ, ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Ngay trong hôm cưới đi ở rể, đôi vợ chồng mới cưới trở về nhà trai 2, 3 ngày rồi mới sang ở hẳn nhà gái cho đến hết thời gian ở rể. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gian ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài con. Lễ lại mặt tổ chức sau đó vài ngày, hay một năm.
Tập tục sinh đẻ: Phụ nữ mang thai vẫn đi nương, đi rừng cho đến tận ngày sinh. Sản phụ đẻ ngồi cạnh bếp nấu trong nhà. Mẹ chồng, chồng hay một bà già láng giềng đỡ đẻ. Cắt rốn bằng cách: kéo rốn dài đến mắt cá chân đứa trẻ rồi buộc nút lại, từ đó lại kéo dài tiếp một đoạn như thế nữa rồi mới cắt. Nhau đựng trong ống tre, treo lên cây cao nơi có ít người qua lại. Trẻ gần một tuổi mời thầy cúng về làm lễ đặt tên.
Tập tục tang ma
Truyền thống, khi có người chết, người nhà bắn súng báo tin cho dân làng biết, cùng lúc đó người con trai ném ông đầu rau vào gần nơi thờ cúng tổ tiên, bày tỏ một sự giận giữ. Tục lệ này, nay không còn nữa. Trong đám tang bố, mẹ vợ, con rể có vai trò hết sức quan trọng. Sau khi khâm liệm xong, con rể cầm một bó đuốc, được nhóm lên từ bếp đi xuống cầu thang chính, vòng quanh phía sau nhà rồi đốt hai đống lửa trước hai cầu thang, với ý nghĩa muốn ngăn ma rừng vào nhà. Trong những ngày làm ma, mọi việc cơm nước đều do người con rể sắp xếp. Anh ta được nấu cơm trên bếp sưởi, đặt tai ninh theo chiều ngang nhà, được mang lá xanh, thịt sống vào gian khách trong nhà. Đồng bào không dùng quan tài gỗ để nhập quan mà chỉ bó cót, buộc lạt và làm ma đi chôn. Trước khi đem xác người chết đi chôn, con rể mở cót bó và chăn cuốn người chết ra, con cái, họ hàng và người thân từ biệt người quá cố lần cuối, rồi anh ta buộc lại như cũ, đặt lên cáng khiêng. Con rể đi quanh thi hài 5 lần, rồi bước qua xác người chết. Người con trai đặt một quả trứng lên đầu thi hài và khấn: “nếu cha (mẹ) muốn an nghỉ ở đâu thì khi ném quả trứng sẽ vỡ ngay ở đó”. Khiêng quan tài là nghĩa vụ của con rể và anh em rể. Trên đường từ nhà ra đến nghĩa địa, người con trai luôn đi bên cạnh quan tài, một tay người con trai cầm thanh củi đang cháy dở, tay kia cầm dao luôn chém vào không khí nhằm xua đuổi ma rừng. Tại nghĩa địa người con trai ném trứng tìm đất, đào huyệt. Trứng vỡ ở đâu, huyệt sẽ được đào ở đó. Xung quanh thành và đáy huyệt, xếp kín những đoạn tre, gỗ, sao cho khi hạ huyệt, thi hài không trực tiếp chạm đất. Trước khi hạ huyệt, người ta lại mở cót, chăn cuốn người chết ra để cắt các vòng chỉ buộc ở cổ tay, cổ chân và cắt hết các khuy áo. Sau khi bó chăn lại, người ta cắt chăn thành từng lỗ theo đúng vị trí các bộ phận trên mặt, để “người quá cố có không khí thở, tiếp tục sống ở thế giới bên kia”. Trước khi lấp huyệt, người ta phủ kín mặt huyệt bằng một lớp gỗ như xung quanh thành huyệt. Sau khi chôn cất xong, mỗi người trong họ nhặt một hòn đá xếp xung quanh mộ. Riêng vợ (hoặc chồng), con rể tự cắt ít tóc lại trước mộ để tỏ lòng thương nhớ người quá cố. Chôn xong, về đến nhà, con rể dập tắt các bếp lửa trong nhà, ngoài sân rồi cùng vợ mang tất cả nồi, ninh ra suối rửa. Rửa xong nồi, ninh, lúc quay trở lại nhà, con rể giả vờ làm người bán ninh, nồi; còn những người trong nhà giả vờ làm người mua ninh, nồi. Tiếp đó con rể “dạy” cả nhà biết cách đặt nồi, ninh lên bếp cho đúng phong tục và tự đốt lửa ở cuối bếp lên. Đến đây đám ma được coi là kết thúc. Con rể lại trở lại thực hiện những kiêng kỵ tối thiểu của mình trong cuộc sổng đời thường. Người Xinh Mun cũng dựng nhà mồ cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo: Người Xinh Mun quan niệm vạn vật hữu linh, mọi vật kể cả vật vô tri vô giác đều có linh hồn. Con người cũng có linh hồn, do đó sau khi chết đi phải thờ cúng. Đồng bào thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Vốn văn học nghệ thuật của người Xinh Mun khá phong phú, thể hiện qua một số làn điệu dân ca, những câu chuyện cố, nhưng đến nay tiếng nói cũng đang ở xu hướng mất dần, cho nên cũng khó giữ được những câu truyện cổ riêng của dân tộc. Nguyên nhân là do biến động về chỗ ở, về môi trường xã hội, vốn văn nghệ của người Xinh Mun bị mai một nhiều. Người Xinh Mun thích hát và múa vào các dịp tết lễ, ngay trên nhà. Trai gái, nam nữ hát đối với nhau rất tự nhiên.
Tết, lễ hội cộng đồng
Tết, Lễ hội cộng đồng: Dân tộc Xinh Mun có nhiều lễ, tết trong năm. Ngày “Tết” (ngày vui chung của cả cộng đồng) – chính là ngày cúng ma bản nhằm xua đuổi mọi tai ương. Vì vậy vào ngày này mỗi gia đình phải đóng góp rượu, gạo và tiền để mua một con lợn làm lễ cúng, sau đó hát hò nhảy múa linh đình.
Lễ hội Ksai-Sa-Típ (lễ hội Lộc hoa), được tổ chức sau Tết Nguyên Đán, nhằm cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi. Lễ hội tổ chức luân phiên theo từng nhà, nên mỗi bản có bao nhiêu nhà, là có bấy nhiêu ngày hội. Lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn (đầu tháng 4 dương lịch), khi măng đắng đã mọc cao, để không ảnh hưởng đến sản xuất. Lễ hội Ksai-Sa-Típ của người Xinh Mun kéo dài nhiều ngày, nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa hát ở từng gia đình vào buổi tối.
Lễ hội Mương A Ma được tổ chức 3 – 5 năm 1 lần, thời lượng 2 ngày, vào khoảng tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà, lợn, gà đầy chuồng…Lễ hội Mương A Ma có 2 phần lễ và hội. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, do các thầy mo trong bản chủ trì. Thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh, cầu xin phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, ngô mẩy hạt, lợn gà trâu bò sinh sôi đầy chuồng, không dịch bệnh, con người khỏe mạnh không bị ốm đau, bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang nghiêm của phần lễ, ở phần hội có âm thanh trống, chiêng rộn ràng, các điệu múa To luồng, múa kéo thuyền…và các trò chơi dân gian vui vẻ như: “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong) v.v.Ngoài 2 lễ trên, khi những bông lúa chín vàng khắp nương, ruộng, các gia đình người Xinh Mun làm lễ cúng hồn lúa. Lễ cúng phải có ít nhất 7 con vật sống trên rừng (như: chuột dúi, gà rừng, chim, sâu măng – cây măng nhú cao đến đầu gối có sâu đục bên trong, lợn rừng, rắn, thằn lằn); ít nhất 7 con vật sống dưới nước (tôm, cua, cá, ốc, lươn, hến, trai); tất cả các loại cây trồng trên nương; 4-5 ống cơm lam và một quả dừa để dâng cúng thần, xin phù hộ cho mọi điều tốt đẹp.