Khái quát chung về dân tộc
Dân số: Dân tộc Ê Đê có hơn 331.194 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Đắc Lắk, Đắk Nông, phía Nam của tỉnh Gia Lai và miền Tây của hai tỉnh Khánh và Hòa Phú Yên của Việt Nam.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Người Ê Đê gồm nhiều nhóm địa phương: Kpă, Adtham, Krung, Mthur, Bih, Krung (Ray Đê cổ), Ktul, Ruê, Blô, Kdrao, Dongmak, Hwing…
Ngôn ngữ: Dân tộc Ê Đê bắt nguồn từ nhóm người Mã Lai, thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Đảo).
Sản xuất nông nghiệp
Người Ê Đê chủ yếu làm nông nghiệp, nương rẫy, một số nhóm làm ruộng nước theo lối cổ truyền: dùng trâu dẫm đất thay việc cày, bừa. Trên nương rẫy, người Ê Đê trồng lúa, ngô, khoai, bầu, bí, thuốc lá, ớt… theo chế độ luân canh để đất có thời gian nghỉ ngơi phục hồi. Ngày nay, đồng bào sử dụng cày bừa bằng sức kéo trâu bò kéo hay cày bừa máy để làm đất, đồng bào không chỉ làm nương rẫy, mà còn chế biến nông sản, trồng cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao…
Đồng bào Ê Đê phát triển chăn nuôi trâu, lợn và các loại gia cầm: gà vịt… phục vụ tín ngưỡng, lễ nghi dân tộc, nâng cao đời sống và bán để tăng thu nhập.
Kinh tế tự nhiên
Đồng bào Ê Đê tận dụng khai thác nguồn lợi tự nhiên bằng hình thức dùng chài, lưới, vó, vợt, nơm, rổ… để bắt cá, tôm; dùng lao, nỏ, bẫy…để săn, bắt thú rừng, bảo vệ mùa màng, cải thiện đời sống, dùng giỏ, gùi, dao, rìu… khai thác rau rừng, mật ong, hoa quả, tre gỗ làm nhà và đồ gia dụng. Hiện nay, người dân đã biết trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình, diện tích rừng và số lượng động thực vật cũng giảm dần nên việc săn bắt, hái lượm đã ít đi.
Nghề thủ công
Người Ê Đê có một số nghề thủ công: trồng bông, dệt vải, rèn, đan lát, mộc. Dệt vải khá phát triển với loại khung dệt khổ rộng và các khoảng rẫy trồng bông trong từng gia đình. Vào thời điểm nông nhàn, chị em tranh thủ ngồi dệt vải, dùng thanh căng và dây treo trên cột nhà, ngồi bệt xuống sàn dệt vải. Sản phẩm dệt chủ yếu là vải thổ cẩm với cách trang trí theo băng ngang để cắt may váy, áo, khố. Nghề rèn tuy không phát triển, nhưng cung cấp số lượng lớn nông cụ, vũ khí săn bắt. Nghề đan lát là công việc của đàn ông. Họ tranh thủ ngày nông nhàn, trước mùa thu hoạch hay những buổi coi lúa trên rẫy, vừa bẫy thú vừa đan gùi vận chuyển, đi săn. Ngày nay, cả 3 nghề này đều mai một, hầu như không ai còn trồng bông dệt vải. Một số ít nam giới còn đan lát phục vụ nhu cầu trong gia đình.
Phương thức vận chuyển
Người Ê Đê chủ yếu vận chuyển bằng gùi. Gùi được sử dụng để gùi lúa, gùi củi, gùi nông sản, đi săn…Ở vùng Krông Buk, đồng bào phổ biến làm gùi chân cao xòe ra bốn góc, có tác dụng giữ gùi đứng thăng bằng vừa đỡ đè nặng khi mới bắt đầu gùi. Ngoài ra, đồng bào còn thuần dưỡng voi để vận chuyển gỗ nhưng không phổ biến. Ngày nay, đồng bào Ê Đê dùng các loại như bao dứa, sọt thồ, xe đạp, xe máy…để vận chuyển, nên việc sử dụng gùi vận chuyển ngày càng ít.
Trao đổi hàng hóa
Trước đây, đồng bào Ê Đê trao đổi vật ngang giá: dùng sản phẩm đan lát (bằng tre, le, lồ ô), vật nuôi (con gà, con lợn, trâu bò), nông sản (gùi thóc), …để đổi lấy các loại rìu, nồi đồng, ché, chiêng, cồng, … Ngày nay, đồng bào phổ biến hình thức mua bán bằng tiền ở các chợ huyện, xã và đội ngũ bán hàng rong bằng xe máy, thậm chí là ô tô.
Văn hóa mặc
Phụ nữ Ê Đê mặc áo, váy may bằng vải sợi bông, buộc dây quấn đầu dịp lễ hội, khoác thêm tấm mềm vào mùa lạnh, đeo nhiều đồ trang sức như vòng tay, vòng chân (theo cặp 4 hoặc 4 chiếc), nhẫn, hoa tai bằng đồng hoặc bằng hạt cườm. Dây buộc đầu (có tua ở 2 đầu, dệt trang trí các mô típ truyền thống: quả trám, mũi lao, tam giác, dấu chân rết), quấn qua phía trước, buộc thắt nút phía sau gáy. Áo (ao) may kiểu chui đầu, dệt trang trí hoa văn theo dải băng ngang, mô típ hình thoi, mũi lao, hình sóng nước, hình chuột. ..trên áo còn có hai hàng nút chạy dọc theo vai.Váy (Myêng) dài (mặc đến gót chân), dạng váy tấm, dệt trang trí nhiều mô típ: chấm dải, sóng nước, quả trám, và các băng ngang bằng chỉ các màu. Khi mặc, một mép đặt bền sườn trái, quấn vòng ra sau, mép kia phủ ngoài sườn phải), Mùa lạnh, phụ nữ cũng có thói quen khoác thêm tấm mềm choàng. Nam gới Ê Đê đóng khố và mặc áo cánh, chui đầu, gấu áo phủ quá mông, thân sau áo dài hơn thân trước, xẻ tà, cổ tròn, mở rộng hơn về phía ngực áo trước, giữa ngực mở ra một đoạn, có hàng khuyết và khuy cài bằng chỉ đỏ. Áo cánh nam giới, đẹp nhất là áo Kteh hay còn gọi là đếch Kvưh gư. Cổ áo (Kuôi ao) khoét tròn, chui đầu, xẻ ngực sâu 13 cm, viền vải đỏ quanh cổ kéo xuống mảng trang trí trước ngực, màu đỏ được gọi là “đại bàng dang cánh”. Tay áo (Kngan ao) trang trí một đường hoa văn dệt ở cửa tay. Thân áo (Ao sei ao) trang trí các mô típ: hoa ngô cách điệu, quả trám, đường kẻ đối xứng. Khố (Kpin) làm từ khổ vải rộng 40cm, trang trí các dải hoa văn dọc nhỏ hình vặn thừng, xoắn ốc, đường kẻ ngang, sóng nước, mũi giáo, hình thoi và hoa ngô cách điệu bố trí đăng đối nhau và để tua ở mép đuôi. Hiện nay, nam nữ Ê Đê ít mặc trang phục truyền thống, chuyển dần sang mặc y phục hiện đại.
Màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên (Ê Đê, Ba Na, Tày, Dao, Chăm, H’Mông) do các nghệ nhân và đoàn nghệ thuật huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trình diễn: Trang phục phụ nữ dân tộc Tày là áo dài 5 thân, trước đây bằng vải sợi bông, nhuộm chàm, nay cải tiến bằng vải công nghiệp. Trang phục phụ nữ H’Mông vẫn giữ được nét bản sắc truyền thống, gồm váy xòe, xếp nếp; áo ngắn, xẻ ngực, có cải tiến trang trí các mảng màu công nghiệp; tạp dề trước sau; chân quấn xà cạp và chiếc khăn quấn tròn, hiện nay mũ có đính thêm tua rua rủ quanh đầu. Trang phục phụ nữ Dao Đại Bản (Dao đỏ) nổi bật là chiếc áo dài, xẻ ngực, trang trí mảng đỏ dọc 2 hò áo, áo yếm đỏ, đội khăn đỏ, mặc quần màu chàm. Trang phục phụ nữ Chăm Hroi trước đây là áo dài, váy tấm, nay mặc áo ngắn màu trắng, mặc váy tấm, dệt trang trí mảng thổ cẩm ở giữa thân váy, đội khăn vuốt cao lên đỉnh đầu, quàng đai chéo ngực. Trang phục phụ nữ Ba Na, Ê Đê may bằng vải tự dệt, gồm áo, váy, màu chàm, dệt thổ cẩm theo dải băng ngang, tuy nhiên áo và váy của phụ nữ Ba Na được dệt trang trí mảng hoa văn thổ cẩm màu trắng đỏ nổi bật gần như toàn bộ thân áo và váy.
Văn hóa ẩm thực
Ăn: Đồng bào Ê Đê ăn hai bữa chính (sáng, tối) và một bữa phụ (trưa) trong ngày. Cơm tẻ là nguồn lương thực chính, cơm nếp dùng trong lễ tết và những khi có khách. Ngô, khoai, sắn cũng là nguồn lương thực quan trọng. Trước đây đồng bào ăn bốc, hiện nay phổ biến đũa, thìa, bát. Ngoài cơm nấu, xôi đồ, đồng bào còn làm nhiều loại bánh trong các dịp tết lễ. Thức ăn thì có rau quả, cá và thịt gia súc hay thịt thú rừng. Con vật sau khi cắt tiết, thường thui rồi mới vặt lông kể cả gà, vịt. Thịt gà được luộc hay chặt nhỏ nấu canh. Các loại thịt khác được chế biến nhiều món: thịt nướng bằng cặp tre có gia vị, thịt luộc, thịt nấu với rau quả, thịt kho hay ninh nhừ, thịt hầm trong ống tre có ướp gia vị.. Ngoài tiết canh lợn là thịt chín băm nhỏ hay thịt tươi băm nhỏ nhúng nước sôi trộn với huyết tươi. Cá thường nướng,luộc, gói lá nướng.Đồng bào cũng thường làm mắm, tôm, cua, cá với gia vị để trong các vò sành ăn dần. Đặc biệt, người Ê đê còn có món “thịt lam” làm bằng thịt trâu hoặc thịt bò. Sau khi đã ướp gia vị, thịt được bỏ vào một ống tre tươi non với một ít nước lã rồi nút kín bằng nút lá chuối xanh, cho vào bếp nướng. Khi ống tre đã cháy đều, tạo nên một lớp than bao bọc là thịt đã chín. Các món ăn của người Ê Đê rất phong phú, đa dạng, luôn có sự kết hợp nhiều nguyên liệu với nhau thể hiện tính đoàn kết trong cộng đồng và luôn có vị đắng, cay, chát đặc trưng. Với họ càng cay, càng đắng thì càng ngon, bởi thế, hầu hết các món ăn truyền thống không thể thiếu ớt. Nguyên liệu chủ yếu lấy trong tự nhiên như cà đắng, lá tàu bay, đọt mây, măng le, cá suối. Thịt heo đen (heo nuôi tự nhiên thả rông).
Uống: Mỗi người trong gia đình người Ê Đê đều có bầu nước uống riêng, không dùng lẫn của nhau. Trước đây, đồng bào uống nước suối, nay chủ yếu dùng nước đun sôi để nguội. Trong các dịp lễ tết, rượu cần là thức uống không thể thiếu của dân tộc Ê Đê. Rượu cần được làm bằng củ sắn hoặc gạo tẻ, khi có lễ đặc biệt quan trọng thì dùng gạo nếp. Men rượu được lấy từ vỏ cây trong rừng (cây Hiam) rồi trộn với bột ớt, bột gừng, bột gạo trộn với nước và vắt thành từng bánh nhỏ, phơi thật khô, sau đó để từ 10 – 15 ngày. Nhiều gia đình thường xuyên có những ché rượu cần để hàng ngày uống, các dịp tết, gia đình có việc hoặc có khách thì rượu cần là thức uống hấp dẫn đối với nam, nữ, trẻ, già.
Hút: Dân tộc Ê Đê ăn trầu, hút thuốc lá bằng điếu khan, dùng nước trà và cà phê khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của người Ê Đê.
Văn hóa ở
Làng (buôn) của người Ê Đê thường có vài chục nóc nhà, tạo dựng trên sườn đồi, gần nguồn nước. Truyền thống, người Ê Đê ở nhà sàn dài . Đó là ngôi nhà có kiến trúc mô phỏng hình thuyền với hai đặc trưng cơ bản là: hai vách dọc dựng thượng thách- hạ thu, hai đầu mái nhô ra.Tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà nhà dài, ngắn khác nhau (20-100m). Khung nhà chỉ có vì cột, không có vì kèo, phần xương mái như là kiến trúc tách rời ghép lại với nhau, nhà có hai mái chính, nhưng có nhà có thêm 2 mái phụ ở 2 đầu hồi, thụt sâu vào 2 mái chính để tránh hắt mưa vào nhà mái lợp có tranh (nay lợp tôn). Vách thưng bằng phên đan, hay gỗ, dựng ngả ra ngoài tựa lòng thuyền. Góc trên cửa có phên che hình tam giác. Cầu thang được đẽo đa giác, khắc 5, 7 hoặc 9 bậc, đặc biệt, cầu thang trước được đẽo cong ở 2 đầu và khắc nổi một đôi bầu sữa, phía trên đôi vú, có khi người ta còn khắc hình trăng non tượng trưng cho cội nguồn và ưu thế của người mẹ, dát sàn làm bằng lồ ô hay tre rừng
Nhà người Ê Đê có 2 cửa chính ở 2 đầu hồi, cửa trước dành cho khách và nam giới, cửa sau dành cho phụ nữ. Trước 2 cửa là hai sân sàn. Sân sàn trước rộng hơn sâu sàn sau. Có nhà, vào khoảng giữa nhà còn có thêm một sân sàn phụ để trai gái tâm tình. Mặt sàn chia thành 2 phần theo chiều ngang: phần thứ nhất, từ cửa trước vào có Gah để tiếp khách, sinh hoạt chung của cả gia đình, là chỗ ngủ cho con trai chưa vợ. Trong gah có cột kháck, bếp khách, ghế khách, cột chiêng, cột ngăn. Phần này chiếm một phần ba diện tích. Giữa phần gah và ôk, có cột chủ và một cái ghế chủ nhà, cột trong, dọc vách là một dãy ché và những đồ vật quý, ghế kpan để cho các nhạc công ngồi khi có lễ, dưới ghế để cồng chiêng. Phần thứ hai ôk theo chiều dọc phía Đông, có phên ngăn thành nhiều phòng nhỏ, là chỗ ngủ cho từng cặp vợ chồng. Theo thứ tự, buồng thứ nhất dành cho cặp vợ chồng chủ gia đình, tiếp đến là dành cho cô gái út, người sẽ thừa kế sau này. Sau nữa là buồng dành cho các cô gái khác. Trước buồng chủ gia đình là bếp nấu ăn chung, những cặp vợ chồng ăn riêng có bếp riêng. Người Ê Đê khi ngủ luôn quay đầu về hướng đông. Kho lúa được dựng ngay sau ngôi nhà dài và thường cao hơn. Đây là ngôi nhà lớn của nhiều thế hệ sống chung như một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Ngày nay, người Ê Đê chuyển xuống ở nhà ngắn có 2-3 thế hệ chung sống.
Quan hệ xã hội, dòng họ
Buôn truyền thống của người Ê đê theo chế độ tự quản, đứng đầu là chủ làng và hội đồng già làng, vận hành theo luật tục. Trong các làng, có Pô lăn trông nom đất đai, Pô pin ea là chủ nguồn nước bảo vệ đất đai và quản lý nước của làng không bị hủy hoại và uế tạp. Hàng năm, vào đầu mùa sản xuất, Pô lăn chủ trì cùng dân làng cúng thần đất (Jang lăn), thần nước mong cho mua thuận gió hòa. Trong gia đình người Ê Đê, chủ nhà là phụ nữ, của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái, theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trước đây con trai không được hưởng thừa kế, bây giờ có sự bình đẳng trong nhà. Phụ nữ chịu trách nhiệm trong quản lý gia đình, chăm sóc con cái, mồ mả tổ tiên, của cải thừa kế cho con cái… Đàn ông chịu trách nhiệm trong việc ngoại giao, giao lưu buôn bán với cộng đồng bên ngoài đồng thời các vấn đề tôn giáo và chính trị cũng là trách nhiệm của người đàn ông. Cho nên vai trò và địa vị của đàn ông Ê đê bên ngoài xã hội là rất lớn. Đàn ông cư trú bên nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về với chị em gái mình. Khi chết, được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.
Tập tục hôn nhân, gia đình
Nghi lễ cưới xin của người Ê Đê (Yâo Ung Mỗ) cho đến nay vẫn ảnh hưởng đậm nét của chế độ mẫu hệ. Theo truyền thống, người con gái đi hỏi và cưới chồng, chủ động hoàn toàn về mọi phí tổn trong hôn nhân, con trai đi làm rể và cư trú bên nhà vợ. Lễ cưới truyền thống của người Ê Đê thường được tiến hành tuần tự theo bốn bước. Đó là lễ hỏi chồng (Nao huh); Lễ thỏa thuận (Knăm); Lễ gọi chồng (Yâo ung) và lễ lại mặt (Siê Knăm). Trong hôn lễ, trao vòng cầu hôn là nghi lễ quan trọng, đây là nghi lễ bắt buộc của các cô gái khi làm đám cưới thể hiện sự công nhận của thần linh, gia đình, cộng đồng cho đôi trai gái được tổ chức đám cưới để nên vợ nên chồng. Lễ Hỏi chồng (Nao huh): Khi cô gái Ê Đê tìm được chàng trai ưng ý, bố mẹ cô gái nhờ người mối đưa chiếc vòng mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai. Nếu chàng trai đồng ý, cô gái cùng ông mối và ông cậu (Dăm dêi) mang theo một lễ hỏi gồm một ché rượu, một vòng đồng để cúng thần tới nhà trai. Nếu người con trai không cùng trong buôn, người con gái còn phải mang thêm một gói cơm nếp. Trao vòng cầu hôn được thực hiện trong nghi lễ hỏi chồng. Trong khi ông cậu cúng Yang, đôi trẻ cùng trao nhau chiếc vòng để làm tin, coi đó như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, có sự công nhận của cộng đồng và sự thuận tình của đôi trẻ. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình đã chính thức kết mối thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra một người đỡ đầu (Miết Ava) giúp đỡ đôi trẻ trong đám cưới và suốt cuộc đời sau này. Lễ thoả thuận (Knăm) để hai gia đình bàn việc cưới, nhà trai thách cưới (thường gồm 1 trâu, 1 thanh la, 1 gà, 10 ghè rượu, 2 kiềng đồng (hoặc vàng). Vì nhà gái quá nghèo, đồ thách cưới lớn, đám cưới phải hoãn lại, hoặc nhà trai thông cảm cho “cưới tạm”, nhà gái trả nợ sau. Sau lễ hỏi, cô gái sẽ sang ở nhà trai làm dâu một thời gian để thử thách. Chàng trai có thể khước từ hôn thú, nếu như thấy cô dâu không thích hợp với gia đình, thông qua “Lễ trả cô gái”. Nếu hợp, người ta tiến hành Lễ Gọi chồng (Yâo Ung) diễn ra hai ngày, do hai Miết Ava sắp xếp: nhà gái đưa sang nhà trai đồ sính lễ (trâu/bò lợn, gà, rượu, quần áo, chiếc vòng… ) đúng như thoả thuận. Nếu nhà gái nghèo, chỉ nộp một phần, phần còn lại hai vợ chồng sẽ trả dần. Ngày đầu, nhà gái làm thịt trâu/bò, lợn thết đãi dân làng, làm lễ “rước rể” về. Nhà trai tiễn con bằng một ché rượu và con lợn. Bước vào nhà gái, chàng rể phải rửa chân bằng bát nước lễ. Sau đó, mọi người làm lễ cúng cho mẹ chồng (gồm ché rượu và con lợn); lễ cúng tổ tiên (năm ché rượu và con lợn). Ông cậu lấy máu vật hiến sinh bôi lên chân đôi vợ chồng mới cưới, mời mỗi vợ chồng 2 miếng cơm và 3 sừng rượu. Vị trưởng họ nhà gái đại diện hai bên đưa vòng đồng cho đôi trẻ, đợi họ chạm tay vào, nhắc nhở lòng thuỷ chung. Nhà gái lấy ba chén rượu, ba chiếc vòng, lần lượt trao cho chú rể, cậu chú rể và anh chú rể. Nhà trai trao lại ba chén rượu và ba chiếc vòng lần lượt cho cô dâu, cậu cô dâu và anh cô dâu, khẳng định sự chứng kiến của Yang và toàn thể buôn làng. Ngày thứ hai, là lễ mổ bò, lợn, ăn mừng hạnh phúc của cô dâu, chú rể. Trước khi vào tiệc, hai ông cậu đưa rượu, hai vợ chồng trao nhau rồi uống cạn, nghe giáo huấn của cha mẹ cùng hai họ. Khách dự lần lượt đi qua trước mặt hai vợ chồng chúc tụng và tặng quà. Lễ lại mặt (Siê Knăm) tiến hành sau lễ cưới 3-5 ngày tại nhà bố mẹ chàng trai, kết thúc nghi lễ cưới để đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống vợ chồng. Nhà trai mời cơm, rượu, đưa một số đồ gia dụng (nông cụ, đũa bát…) đặt bên ché rượu, để chú rể mang về nhà vợ cùng những lời chúc tụng hạnh phúc cho cô dâu chú rể và anh em hai họ. Vòng đồng trở thành kỷ vật được lưu giữ suốt đời, khi chết chôn theo hoặc trao lại cho con cháu làm di vật quý.
Phụ nữ Ê Đê có thai 3 tháng phải mời bà đỡ đến khám thai, mời thầy cúng làm lễ hiến sinh 1 con chó, lấy máu thoa lên trán, lấy lá xoan quét quanh bụng xua đuổi ma tà. Sau đó, thai phụ phải ở nhà ba ngày. Khi ra ngoài phải tắm, tẩy uế. Sản phụ sinh con dưới gầm sàn, được tắm lá knăm, xoa gừng, uống nhựa cây Xà pằng. Hôm sau, gia đình đem 1 ché rượu, 1 con gà biếu bà đỡ và làm lễ đặt tên cho trẻ, con trai sẽ đặt Y, con gái là H’ kèm theo tên của trẻ.
Tập tục tang ma
Tang ma của người Ê Đê kéo dài nhiều ngày theo cách địa táng. Khi trong nhà có người chết, gia đình người con gái đánh một hồi trống báo tin cho buôn làng. Khi dân làng tới, chủ nhà sẽ nhờ người lên rừng đẵn cây về đẽo áo quan. Quá trình quàn xác, người Ê Đê đều cúng lễ báo tổ tiên và mời ma ăn. Mỗi người chết được chôn riêng một huyệt, chôn theo rất nhiều của cải như bát, đĩa, chum, vại… để chia tài sản cho người quá cố sang thế giới bên kia có đồ sử dụng. Chôn cất xong, dân làng tụ tập quanh mộ khóc 2-3 ngày, mong người chết tiếp tục sống ở thế giới bên kia. Người Ê Đê cũng có tục làm các lễ: giỗ tuần, giỗ tháng, giỗ năm. Tuy nhiên, sau các lễ này, 2 – 10 năm, có điều kiện, họ làm lễ bỏ mả, làm nhà mồ, tượng nhà mồ cho người chết, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với người sống. Người chết theo cây Klao hay cây Kút về thế giới vĩnh hằng sung túc, còn người sống thì bỏ mặc ngôi nhà mồ tàn phai theo năm tháng.
Tôn giáo, tín ngưỡng
Dân tộc Ê Đê tin mọi vật xung quanh ta đều có linh hồn, thần linh. Đất và nước đều do các thần Aê Điê và Aê Đu sáng tạo ra và có thần riêng của mình, giữa chúng vẫn có quan hệ với nhau, cùng chi phối cuộc sống của dân làng. Vì vậy, con người phải thực hiện những kiêng kỵ và các nghi lễ cần thiết đối với các thần để mùa màng được tươi tốt, dòng họ và bản làng phát triển. Hiện nay, phần lớn người Ê Đê theo đạo Tin lành và đạo Thiên chúa, một số ít theo Phật giáo. Họ thường đọc kinh cầu nguyện tại nhà riêng của mục sư. Những người theo công giao Roma thường đến các nhà thờ tại địa phương vào ngày chủ nhật. Số còn lại vẫn theo nét tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các thần hộ thân cho mình.
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật
Kho tàng Văn học, nghệ thuật của dân tộc Ê Đê khá phong phú. Trong đó, có các truyền thuyết, cổ tích (ca ngợi người lao động, sự khiêm tốn, thật thà, thông minh, tín nghĩa, sức mạnh của tập thể và tình yêu…), anh hùng ca, truyện cười… nổi bật nhất là văn học dân gian theo lối truyền khẩu, với nội dung phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng và hình thức kể Khan hấp dẫn. Khan là thể loại văn vần câu dài ngắn không nhất định, diễn đạt sự tích anh hùng quân sự và văn hóa. Người Ê Đê còn có một thể loại truyện cổ (Klei duê), với nhiều đoạn tả bằng văn vần “Klei yăl dkiê đưm” với vác bản trường ca Đam San, Đăm Dri mang tính sử thi hào hùng… Bên cạnh đó là kho tàng tục ngữ, ca dao phổ biến kinh nghiệm sản xuất, quan hệ giữa con người với nhau. Hát dân ca Ê Đê gồm những bài ca nghi lễ trong chu kỳ một năm và một đời người và những bài nói lên tình yêu quê hương xứ sở, khát vọng tự do, tình yêu đất nước. Âm nhạc dân gian Ê Đê giàu bản sắc, gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục tập quán, văn hóa cộng đồng. Nhạc cụ dân gian, ngoài Cồng, chiêng bằng đồng, chủ yếu làm bằng vật liệu tự nhiên như tre, nứa, lá, vỏ bầu, gỗ, sừng, da, đá với các loại nhạc cụ: đàn Kni, Sáo trúc, Đing tak tar, Đinh buôt klia, Ki pah (tù và), đàn Brố…Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Ê Đê vẫn giữ được nét độc đáo riêng, thể hiện sinh động trên nhà ở, nhà mồ, cột Klao. Các họa tiết trong kiến trúc của người Ê Đê là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống như hình mặt trời, hoa lá, các con vật…
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đó là sự phối âm của các nhạc cụ truyền thống dân tộc bao gồm: T’rưng, đàn K’riêm, Sáo, K’ní. Trong đó, đàn T’rưng được xếp vào loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, là loại đàn do nhiều ống đàn hợp thành. Các ống đàn được chế tác từ những ống nứa khô, chắc có độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Mỗi ống đàn gồm hai phần: ống hơi và thanh cộng hưởng. Cả hai có quan hệ mật thiết để tạo nên các ống đàn có cao độ chuẩn, âm thanh vang. Trước đây, đàn được diễn tấu trên nương rẫy, trong lễ hội nhưng không được đánh trên nhà, vì đồng bào Tây Nguyên cho rằng, mỗi ống đàn có một vị thần trú ngụ. Các vị thần này bảo vệ nương rẫy, đuổi chim thú. Nếu đánh đàn trong nhà các gia súc, gia cầm sẽ không lớn được. Ngày nay T’rưng được sử dụng rộng rãi để độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ khác như đàn K’riêm, Sáo, K’ní … Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc do cộng đồng dân tộc Ê Đê biểu diễn.
Hòa tấu chiêng, múa xoang là nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Ê Đê. Đây là hình thức diễn xướng dân gian trong lễ hội mừng nhà mới, mừng lúa mới, bỏ mả, mừng chiến thắng… của cộng đồng dân tộc Ê Đê nói riêng, các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung. Âm thanh cồng chiêng, song hành với điệu múa xoang sẽ kết nối con người với các đấng siêu nhiên, giúp đồng bào gửi gắm niềm mong ước, cầu xin cuộc sống no đủ, sức khỏe, bình yên, gắn kết cộng đồng trong suốt cả đời người, từ khi sinh ra đến khi chết đi, về cõi vĩnh hằng. Tiết mục hòa tấu cồng chiêng và múa xoang do cộng đồng dân tộc Ê Đê biểu diễn.
Tết, lễ hội cộng đồng
Trong đời sống của cộng đồng người Ê Đê, có nhiều lễ hội..) diễn ra từ cuối tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch năm mới: Lễ hội liên quan đến chu kỳ đời người phải kể đến là lễ bỏ mả cho người quá cố (với các nghi lễ hiến sinh (đâm trâu) cúng thần linh và người quá cố); lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe cho mọi thành viên trong cộng đồng. Lễ hội liên quan đến làng bản, nhà ở, vật nuôi gồm có: lễ cúng hòn đá bếp (vị thần đã giúp gia chủ một năm, no đủ), lễ cúng hòn đá cổng buôn làng (vị thần đã gìn giữ buôn làng một năm yên ổn, không có ai đói nghèo, bệnh tật) và cúng sức khỏe cho vật nuôi (như voi, trâu, bò, heo, chó, mèo, dê, gà…); Lễ nghi nông nghiệp, liên quan đến chu trình canh tác: Lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió, cầu một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt, nhà nhà no ấm, hạnh phúc; lễ cúng thần đất (Jang lăn); lễ cúng thần gió (Kăm Angin) vào đầu mùa rẫy (tháng 23), cầu mong tránh được những cơn bão lớn gây hại mùa màng; lễ kăm hwa ở cạnh nguồn nước (tháng 4), khi chuẩn bị gieo hạt, cầu mong mưa gió thuận hoà, rẫy nương ít cỏ; lễ kăm buhbắt đầu vào mùa trỉa lúa, cầu mong cho lúa mọc đều, thần Aê Điê (thần thiện) phù hộ, không bị Jang Liê (thần ác) và thú rừng, sâu bọ, chim chuột phá hoại; lễ cúng giống – trốc mđiê để bắt đầu tra hạt; lễ tưới gốc lúa – tuk phum mđiê (tháng 7) cầu cho lúa mọc khoẻ, trổ bông to, hạt mẩy, lễ ăn cơm mới – hma ngắt (tháng Chạp), sau vụ gặt, để ăn mừng vụ mùa. Kết thúc một mùa rẫy, đồng bào Ê Đê lại tổ chức tết Mnăm thun, ăn uống linh đình. Những người thu hoạch được nhiều lúa còn mổ trâu, bò, mời bà con dân làng đến dự. Ngoài ra, đồng bào Ê Đê còn có nhiều nghi lễ tôn giáo liên quan đến các ngành nghề thủ công. Họ cúng khi làm thuyền độc mộc, làm gốm, đan chài lưới.
Lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê, có từ khi hình thành các buôn làng, để tạ ơn các vị thần đã ban cho dòng nước, cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn. Mọi người uống nước sẽ khỏe mạnh. Nương, rẫy có nước sẽ cho nhiều ngô, lúa, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Lễ cúng bến nước của người Ê Đê do thầy cúng và chủ lễ – chủ bến nước – người tìm ra bến nước khi lập làng, người này chết đi, chú rể sẽ kế tục làm chủ bến nước) chủ trì. Trước ngày lễ, già làng, chủ bến nước họp bàn với dân làng, phân công thanh niên dọn sạch bến nước, nguồn nước, sửa đường vào bến; phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Lễ cúng bến nước trước đây diễn ra trong 3 ngày, nay chỉ kéo dài 1 ngày. Lễ vật cúng bến nước gồm 1 con lợn đực đen, 9 ché rượu. Thịt lợn thái nhỏ đựng trong lá chiếc nia, trầu cau, gạo, cơm, xôi, thuốc lá…bày bên các ché rượu, tiết lợn có pha rượu đựng trong các chén đồng (xưa), chai nhựa (nay)…Tại nhà dài, thày cúng và chủ lễ khấn mời thần bốn phương, thần bến nước, thần đất và tổ tiên về dự, xin thần nước bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chủ bến nước và mọi người trong buôn. Xin tổ tiên, thần nước phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền. Sau đó đoàn người mang lễ vật gồm cơm, thịt, rau, bầu rượu, nước …ra bến nước làm lễ cúng thần nước, thần đất, cầu xin thần nước, thần đất ban cho dân làng dòng nước trong mát, chảy suốt, chảy sạch, dân làng mạnh khỏe, sản xuất được mùa, chăn nuôi thuận lợi. Kết thúc lễ cúng mọi người sẽ cùng ăn uống, hát dân ca, thổi nhạc cụ truyền thống… cho đến khuya mới về. Lễ cúng bến nước, ngoài ý nghĩa tâm linh còn ý nghĩa giáo dục dân làng trân trọng nguồn nước tự nhiên, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước sạch…dó là bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.