Lự

Khái quát chung về dân tộc

Dân số: Dân tộc Lự có 5.601 người (năm 2009)
Địa bàn cư trú: Đồng bào cư trú tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, một số ít, sinh sống ở Điện Biên.
Tên gọi theo nhóm địa phương và vùng cư trú: Lứ, Nhuồn, Duồn.
Ngôn ngữ: Tiếng Lự thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, ngữ hệ Nam Á.

Sản xuất nông nghiệp

Người Lự làm nông nghiệp lúa nước từ lâu đời. Đồng bào có kinh nghiệm canh tác và sử dụng trâu, bò để cày, bừa, làm đất; tạo lập hệ thống mương, máng, be bờ dẫn nước tưới tiêu; sử dụng phân xanh, phân chuồng để bón cho cây trồng, mang lại năng suất cao. Bên cạnh đó, đồng bào còn làm nương rẫy để trồng lúa, ngô, khoai, sắn, bông, chàm… Ngoài ra, nhà nào cũng có vườn trồng cây ăn quả và hoa màu như chuối, mít, đu đủ, các loại bầu, bí…

Bên cạnh trồng trọt, người Lự còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt, ngan ngỗng… với hình thức chăn thả là chính. Sản phẩm từ chăn nuôi chủ yếu làm vật hiến sinh vào các dịp lễ, tết, cưới xin, tang ma, vào nhà mới, đãi khách. Ngày nay, đồng bào phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập gia đình.

Kinh tế tự nhiên

Sinh sống ở vùng rừng núi, người Lự đã sớm biết khai thác các loại lâm thổ sản, dược liệu để phục vụ cuộc sống. Sản phẩm hái lượm gồm có: măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, các loại rau rừng. Đồng bào biết tận dụng nguồn lợi từ rừng để khai thác nguyên liệu làm nhà. Đàn ông Lự giỏi săn bắt các loại thú rừng, vừa bảo vệ mùa màng, vừa cung cấp nguồn thức ăn cho gia đình. Ngày nay, người Lự ít săn bắn, chủ yếu họ đặt bẫy, ngăn thú rừng phá hoại mùa vụ. Nghề đánh bắt cá của người Lự khá phát triển. Họ biết làm các loại đơm đó, ngăn suối tát nước, thậm chí đánh thuốc độc để bắt cá.

Nghề thủ công

Người Lự có một số nghề thủ công truyền thống: dệt, rèn, đan lát, mộc để phục vụ cuộc sống tự cung tự cấp. Trong đó, nghề dệt khá phát triển. Theo tập tục truyền thống, trước khi lấy chồng, người con gái Lự phải thành thạo công việc dệt vải, thêu thùa, may vá. Chính vì thế, gia đình có bao nhiêu người con gái có bấy nhiêu khung dệt. Đồng bào tự trồng và chế biến bông thành sợi dệt, nhuộm màu sợi, lên go, thẻ mới dệt vải thổ cẩm. Hiện nay, sản phẩm không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu mặc của gia đình mà đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã phong phú, có giá trị về mặt thẩm mỹ như: chăn, ga, gối, túi, khăn… để bán cho khách du lịch. Bên cạnh nghề dệt, nghề rèn cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt canh tác và cuộc sống với các sản phẩm: lưỡi cày, cuốc, dao, thuổng…  Ngày nay, nghề rèn của người Lự đã bị mai một, chỉ một số ít gia đình còn làm nghề sửa chữa nông cụ, nhưng không thường xuyên, mà chỉ đỏ lửa lúc vụ mùa. Nghề mộc là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng của người đàn ông. Do đó, trong các bản làng của người Lự, thanh niên từ 16 tuổi trở lên đều phải biết cầm rìu, cầm đục, bào để làm nhà sàn yên ngựa và đồ gia dụng.

Phương thức vận chuyển

Sống ở địa hình đồi núi, gùi là phương tiện vận chuyển thông dụng, phổ biến và thuận tiện nhất của đồng bào Lự. Ngoài ra, trâu kéo, ngựa thồ hàng cũng được dùng để chuyên chở hàng hóa tới các chợ phiên hay chuyển nông sản trong mùa thu hoạch. Hiện nay, giao thông đi lại thuận lợi, đồng bào chủ yếu sử dụng xe máy, xe đạp làm phương tiện vận chuyển.

Trao đổi hàng hóa

Trước đây, khi nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển,  đồng bào Lự chú trọng phát triển các nghề thủ công: dệt, rèn, đan lát vừa phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong gia đình, một phần để trao đổi lấy các sản phẩm của các dân tộc khác. Ngoài ra, đồng bào còn mang lâm thổ sản đem bán và trao đổi. Những năm gần đây, khi du lịch cộng đồng phát triển, sản phẩm dệt của đồng bào là một trong những mặt hàng được khách du lịch ưa chuộng.

Văn hóa mặc

Bộ y phục nữ truyền thống dân tộc Lự gồm: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng. Khăn màu đen, có kẻ sọc màu trắng phần trước trán, đội hơi lệch về bên trái. Áo chàm, được may kiểu tứ thân ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt tạo cho áo có vạt xòe rộng hơn so với eo. Cổ áo liền với nẹp ngực. Quanh eo là dải hoa văn thêu, ghép vải, với các hoạ tiết hoa văn hình quả trám, chân chim nhiều màu sắc, gắn thêm các đồng tiền kim loại. Trên váy bố cục 3 mảng màu chính: đỏ nâu (ở phía trên cạp xuống đến đầu gối), mảng thêu và đáp ghép vải màu một khoảng bằng chỉ màu trên nền đen (khoảng thân dưới gối đến gấu váy); một khoảng nền đen và các đường thêu, ghép vải hình răng cưa, phía trước và sau có đáp thêm mảng hoa văn ghép vải các màu… (phía dưới gấu váy). Nam giới Lự mặc quần áo bằng vải chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực, cài cúc tết dây vải. Quần từ đầu gối trở xuống có thêu hoa văn. Phụ nữ Lự có tập quán nhuộm răng đen, có điểm xuyết một hoặc 2 chiếc răng bằng vàng giả, đeo vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Ngày nay, chị em dần bỏ qua tục nhuộm răng làm đẹp.

Văn hóa ẩm thực

Người Lự có tập quán ăn cơm nếp là chính. Món ăn thường ngày gồm các loại rau tự trồng hoặc thu hái được. Họ thích ăn các món chế biến từ cá, trong đó có món nộm chua với thịt cá tươi; ớt, gừng, xả là những gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của đồng bào. Thường ngày, đồng bào uống nước trắng hoặc nước chè. Nam giới thường hút thuốc lào và uống rượu tự nấu bằng gạo trộn men lá. Ngày lễ tết, người Lự có truyền thống làm bánh nếp, tro, dầy, làm thịt khói, lạp chua và thịt gia cầm. Lợn, trâu, bò chỉ mổ ăn khi có lễ tết, không mổ để bán. Ngày nay, một số hộ còn bán cho thương lái.

Văn hóa ở

Người Lự ở nhà sàn, hai mái chính và hai mái phụ, mái phía sau ngắn, mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang. Cửa ra vào của nhà chủ yếu mở theo hướng Bắc. Trong nhà ngăn ra thành nhiều buồng ngủ, có 2 bếp, 1 bếp nấu ăn hàng ngày và 1 bếp nấu tiếp khách. Bậc cầu thang phải là số lẻ, mỗi nhà chỉ được phép làm một cầu thang, hướng từ phía sau nhà đi lên, nhằm tránh những điều không may, tránh ma rừng vào nhà. Trong nhà có 1 gian để thờ cúng ma nhà, thường là gian giữa, con dâu trong gia đình không được vào gian này. Gầm sàn sạch sẽ, hầu hết các gia đình dùng làm nơi để trữ củi khô, khung cửi và một số đồ dùng khác. Hiện nay, đường liên thôn đến bản của người Lự được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại.

Quan hệ xã hội, dòng họ

Người Lự có truyền thống coi trọng tình làng nghĩa xóm, có tính cố kết cộng đồng cao. Khi các gia đình trong làng có việc hiếu hỷ, cả bản đều đến thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ. Chính vì vậy mà người Lự thường làm nhà rất gần nhau vừa để tiện cho việc sinh hoạt, vừa tiện cho việc liên lạc, giúp đỡ nhau những khi cần thiết. Dân tộc Lự theo chế độ phụ hệ, có 3 họ chính là: họ Tao, họ Lò và họ Vàng. Họ coi Hai họ – Pu Da (nội) và Ta Nai (ngoại) là quan trọng nhất.

Tập tục hôn nhân, gia đình

Trai gái Lự được tự do tìm hiểu rồi xin phép hai gia đình để nhờ thầy số xem tuổi, nếu hợp tuổi thì mới lấy nhau. Hôn lễ thường được tổ chức vào mùa xuân, diễn ra gồm 4 bước: ăn dạm, ăn cưới, đón dâu và ăn giáp tối. Thông thường sau khi cưới, chàng trai phải ở rể 3 năm, cô gái về làm dâu 2 năm, vợ chồng mới được tách ra ở riêng. Nếu trong thời gian ở rể đôi vợ chồng không sinh con, bên vợ có thể kéo dài thời gian ở rể hoặc đơn phương khước từ chàng rể. Đám cưới người Lự không mang nặng tính thách cưới. Hồi môn bên họ hàng nhà trai mang đến cho nhà gái chủ yếu là váy áo và ít tiền. Trong đám cưới, mỗi người đến dự buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể như muốn buộc chặt tình cảm yêu thương của mình, họ nhà gái phát cho mỗi người một que sáp ong như sự tạ ơn của gia đình đôi trẻ và tình đoàn kết họ hàng thân tộc như mật ong, sáp ong quyện chặt. Sau đám cưới, người Lự có tục lệ cô dâu phải đến gánh nước cho họ hàng nhà trai, mỗi nhà một gánh. Nhà trai sẽ trả công cho cô dâu một số con giống như: đôi gà, con lợn con hoặc bát đĩa, đồ đan lát… để đôi vợ chồng trẻ làm giống và phát triển sau này. Người Lự sống tình nghĩa, thủy chung, vợ chồng rất ít ly dị nhau. Cả hai trường hợp: trai bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt rất nặng theo tập tục. Con sinh ra theo họ cha, tên con trai có chữ đệm Bạ, tên con gái có chữ đệm Ý. Ngày nay, hôn nhân của người Lự đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà. Hầu hết các đôi trẻ tự đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, gia đình nhà trai đến báo nhà gái rồi tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ.

Tập tục tang ma

Khi trong gia đình có người chết, người ta mổ một con trâu đen để cúng tiễn hồn về cõi hư vô, mời bà con họ hàng ăn uống. Người trong họ nội làm lễ đội khăn trắng để tang. Thi thể được quàn ở nhà 3 ngày, rồi thuê 8 người ngoài họ tộc để khiêng ra rừng ma. Trong khi đưa ma, con trai trưởng đi trước, vác dao, đeo túi vải, khoác áo người chết vào. Khi đến nơi chôn cất, gia chủ và thày cúng sẽ “tung trứng” để chọn đất đào huyệt. Nếu trứng vỡ, mới được phép đào huyệt và chôn người quá cố. Khi hạ huyệt, họ dùng cành cây xua 3 lần quanh huyệt, vừa nói “hồn người thì ra, hồn ma ở lại” với quan niệm để hồn người chết ở lại với phần huyệt của mình. Theo phong tục, những người chết trẻ, chết bất đắc kì tử, thì chết ở đâu chôn ở đó. Những người đi đưa đám về trước khi lên nhà phải tắm rửa sạch sẽ, bà con nội tộc của người chết phải kiêng 3 ngày không lao động sản xuất. Sau khi chôn cất một thời gian, tang chủ làm một nhà táng giấy có trang trí đẹp rồi bỏ vải, đệm, gối, thóc, tiền vào đó để làm lễ đưa linh hồn người chết vào chùa một cách tượng trưng.

Tôn giáo, tín ngưỡng

Người Lự quan niệm con người có nhiều hồn, hồn chính nằm trên đầu, các hồn phụ nằm ở các bộ phận khác trên cơ thể người. Khi tắt thở, phần xác chết đi nhưng phần hồn vẫn tiếp tục sống trong thế giới của các linh hồn. Trong đồng bào tồn tại 2 hình thức tín ngưỡng: Tín ngưỡng đa thần và tín ngưỡng của đạo Phật. Họ cho rằng, mỗi vật, cơ thể sống đều có linh hồn. Các thần linh, ma quỷ, siêu nhiên tồn tại trong mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng, có mặt ở khắp mọi nơi. Các siêu hồn này thường ở 2 thái cực đối lập nhau, nhóm phù hộ con người và nhóm gây hại con người. Đồng bào tin vào các Ma bản (hồn ma của người lập bản đầu tiên), phải dựng nhà cúng ma bản ở rìa làng, nơi có khu rừng già, một lần vào tháng Giêng hàng năm. Ma rừng là hồn ma lớn nhất, đó là hồn ma của những người có công lập vùng đất cư trú, đánh đuổi kẻ thù, giặc giữ. Dân làng sẽ cúng ma rừng một lần trong khoảng 3-4 năm vào ngày mồng 3 tháng 3. Sau lễ cúng, cả bản cùng ăn uống, vui chơi từ 3-9 ngày. Những ngày tổ chức lễ hội, đồng bào kiêng không đi sản xuất, vì thế dân làng còn gọi lễ hội cúng ma rừng là ngày lễ kiêng bản, kiêng mường. Ma nhà là thế lực siêu nhiên phù hộ cho tất cả các thành viên trong gia đình, bảo vệ cho ngôi nhà không bị thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp. Người Lự thờ cúng tổ tiên (ma nhà) ở gian lóng trong nhà, mỗi năm một lần vào tháng Giêng (lịch của người Lự, khoảng tháng 10 âm lịch). Ma ác, là những ma gây cháy nhà, mất mùa, bênh dịch, gieo chết chóc cho con người. Nguyên nhân là do con người không tôn trọng tập quán, tín ngưỡng, luật tục, nghi lễ, đốn cây cổ thụ, xâm phạm rừng nghiêm trọng, vi phạm điều cấm kị trong làm nhà, làm nương, cày ruộng… Ngày nay, do trình độ dân trí được nâng lên nên quan niệm về ma không còn nặng nề như trước nữa.

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật

Người Lự có kho tàng truyện dân gian, tục ngữ, thơ ca phong phú, nội dung chủ yếu ca ngợi thiên nhiên, lao động sản xuất, về những nhân vật lịch sử. “Khắp” là dân ca nổi tiếng của người Lự lưu truyền qua nhiều thế hệ, được hát trong ngày hội, ngày đám cưới, mừng nhà mới, lúc đi rừng, trong giờ nghỉ ngơi, nam nữ hát giao duyên. Nét độc đáo trong dân ca Lự là nội dung do người hát tự ứng tác trong từng hoàn cảnh để thể hiện tâm trạng, cảm xúc. Những câu hát với lời lẽ mộc mạc, giản dị chủ yếu mượn thiên nhiên để nói về tình cảm giữa con người với con người. Trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, có nhiều làn điệu dân vũ như các điệu múa khăn, múa vỗ tay, xòe vòng… mô tả những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, người Lự còn biết thổi sáo, chơi đàn nhị, trống… trong sinh hoạt thường ngày và những dịp lễ hội.

Tết, lễ hội cộng đồng

Người Lự có các ngày lễ tết trong năm như: Tết Nguyên đán từ ngày 30/12 âm lịch đến ngày 6-7 tháng 1 âm lịch; tết Rằm tháng Giêng vào ngày 15/1 âm lịch. Ngoài ra, đồng bào còn tổ chức tết cơm mới sau mỗi vụ thu hoạch lúa mùa. Theo quan niệm của đồng bào, Nguyên đán là tết to nhất, do đó từ tháng 12 nhà nào cũng chuẩn bị: váy áo mới, dọn dẹp nhà cửa, củi đốt trong ngày Tết… Ngày 30 tết, hầu như các gia đình đều mổ lợn, nhà khá giả thì mổ 1-2 con, những gia đình khó khăn thì mổ chung nhau. Thịt được chế biến thành các món ăn như lạp sườn, thịt ướp gia vị treo gác bếp. Bánh chưng là một trong những loại bánh không thể thiếu. Người Lự cũng có tục đón giao thừa, nhưng không cúng vào đêm 30 tết mà cúng vào sáng ngày mùng một với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình trong năm mới. Mâm cúng sẽ được để đến ngày mùng 2 tết mới dọn đi và thời gian đó đèn luôn phải thắp sáng. Sau khi hạ lễ, gia đình mời anh em, họ hàng đến chung vui bữa cơm đầu năm mới chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Trong các ngày lễ tết, lễ cúng của làng bản, ngoài các nghi lễ thanh niên nam nữ trong bản còn tổ chức các hoạt động trò chơi truyền thống như: ném còn, đánh cầu lông gà, đánh khăng, chơi quay và hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ trong và ngoài làng…