Phòng trưng bày số 1: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường

Phòng trưng bày số 1 giới thiệu về văn hoá 4 tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường: Kinh, Mường, Thổ, Chứt. Trong lịch sử xa xưa, cả 4 tộc người có chung một nguồn gốc. Tổ tiên của họ là chủ nhân của nền văn minh Sông Hồng với nghề trồng lúa nước lâu đời và một thời đại đồng thau phát triển rực rỡ, được đánh dấu bằng các di chỉ khảo cổ nổi tiếng như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn..

Do điều kiện lịch sử tự nhiên và xã hội, đã tách ra thành những tộc người khác nhau như ngày nay. Vì vậy, bên cạnh những những dấu ấn khá t­ương đồng về mặt ngôn ngữ, phong tục tập quán, mỗi tộc người lại có những biểu hiện văn hoá theo các chiều h­ướng khác nhau, tạo nên các sắc thái văn hoá rất riêng của từng tộc người. Người Kinh vừa bảo l­ưu những bản sắc văn hoá riêng, vừa nhanh chóng tiếp thu tinh hoa của nhiều luồng văn hoá. Người M­ường vẫn bảo lư­u bản sắc văn hoá truyền thống Lạc Việt. Các tộc người Thổ, Chứt có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa của một số tộc người sinh sống cùng khu vực. Trong phòng tr­ưng bày, cả yếu tố văn hoá chung và riêng của 4 tộc người lần l­ượt được giới thiệu theo 3 vùng môi sinh như: đồng bằng, thung lũng và miền núi. Thông qua các tổ hợp tr­ưng bày cụ thể như­ hình t­ượng bánh trưng bánh dầy, ngôn ngữ, kinh tế lúa nước, kinh tế sông biển, nghề thủ công… phần nào nêu bật các giá trị văn hoá chung của các tộc người. Bên cạnh đó, các tổ hợp trư­ng bày cổng làng, bàn thờ tổ tiên, đình làng, nghệ thuật rối n­ước, tục hát quan họ… mang giá trị văn hoá đặc tr­ưng, tiêu biểu của người Kinh; Nhà sàn mang bản sắc riêng của người M­ường; Tập tục đan võng đay của người Thổ và góc nhà của người Chứt là những giá trị văn hoá độc đáo của tộc người. Với diện tích 250m2, phòng trưng bày giới thiệu các yếu tố văn hoá chung và riêng của 4 tộc người theo 3 vùng môi sinh: đồng bằng, thung lũng và miền núi.

* Tổ hợp số 1: Cổng làng của người Kinh.

Người Kinh sống quần tụ trong các xóm làng. Mỗi làng có một cổng ra vào, xung quanh được bao bọc bởi luỹ tre xanh. Mỗi làng đều có cây đa, giếng nước, mái đình và chùa thờ Phật. Cổng làng truyền thống được xây bằng gạch, phía trên có tháp canh đề phòng giặc dã. Đình làng xây dựng theo lối chữ đinh, chữ công hay chuôi vồ. Hậu cung thờ Thành Hoàng, tiền đình là nơi diễn ra các sinh hoạt động đồng. Phòng trưng bày phục chế cổng làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cổng làng này được xây dựng từ những năm đầu công nguyên. Lúc đầu có cổng vọng gác, cửa đóng then cài đề phòng, ngăn thú dữ, giặc dã. Bước sang thế kỷ XX, cổng làng không còn là vọng gác. Ngoài chức năng “cửa đóng then cài” cổng làng còn là một địa điểm, một vị trí để phô diễn bản sắc địa phương.

* Đường làng lát gạch nghiêng của người Kinh:

Hiện nay, nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Còn hiện diện những con đường làng lát gạch nghiêng. Đó là bằng chứng của lệ tục “Cheo cưới” trong hôn nhân truyền thống của người Kinh ở vùng nông thôn Bắc Bộ từ những năm đầu thế kỷ XX. Theo tục lệ, khi lấy vợ, nhà trai phải nộp cho làng một khoản “nạp cheo” thì đám cưới mới được coi là hợp pháp. Khoản “nạp cheo” này nhiều địa phương đóng vào việc công ích như đào giếng, lát đường làng, xây cổng làng…. Ngày nay, tục nạp cheo này hầu như không còn nữa, chúng ta chỉ còn thấy bóng dáng của tục “nạp cheo” qua những con đường làng hiện hữu hay những câu ca dao – tục ngữ:  “ Lấy vợ mười heo, không cheo cũng mất… Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối”.

* Tổ hợp số 2:  Bàn thờ tổ tiên của người Kinh

Người Kinh có tục thờ cúng tổ tiên từ lâu đời, trên cơ sở niềm tin về sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã chết. Hàng năm, người ta thắp hương vào các dịp giỗ tết, tuần tiết thể hiện lòng hiếu thảo, nhớ thương người đã khuất, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, an khang, thịnh vượng. Mặt khác, dâng lễ cúng tổ tiên để các linh hồn không đi lang thang vô định làm hại con cháu. Việc thờ cúng tổ tiên tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Gia thế bình thường, bàn thờ bài trí đơn giản, chỉ có một tấm gỗ nhỏ gắn trên vách với một bát hương. Ngày lễ tết, tuần tiết đôi khi chỉ một nén hương, một đĩa hoa quả hay chén nước đặt trên bàn thờ cũng tỏ tấm lòng thành.  Những gia đình trung lưu, khá giả, bài trí bàn thờ tổ tiên theo tam cấp rất cầu kỳ, công phu với nhiều đồ thờ tự khác nhau. Tại Bảo tàng trưng bày mẫu bàn thờ “tam cấp”, sơn son thếp vàng, đục chạm “tứ linh, tứ quý” của gia đình ông Nguyễn Văn Tư, 52 tuổi – một gia đình trung lưu người Kinh ở thôn Tư, xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong cùng là giường hành. Bên trên bài trí một cỗ ỷ thờ thần chủ ông tổ của dòng họ. Trong ỷ đặt một hộp đựng bài vị, ghi tên huý, tên thuỵ, phẩm tước, ngày sinh, ngày mất của thuỷ tổ. Bên cạnh còn có một ống đựng gia phả của dòng họ và hai cây đèn, nến, trang trí đăng đối ở hai bên. Chính giữa là sạp thờ (còn gọi là sập tôn). Bên trên đặt một mâm xà bày ngũ quả, cỗ ngọt, cỗ mặn trong ngày tết, một bát hương thờ tổ tiên, xung quanh bài trí đèn nến, ba cơi đài để bày nước, trầu cau, rượu và thuốc hút. Ngoài cùng là hương án. Trên mặt hương án bài trí tam sự, ngũ sự hoặc thất sự bằng đồng. Bộ tam sự này gồm một đỉnh đồng, hai con hạc để cắm nến. Ngoài ra còn có hai lọ hoa để dâng lễ trong những dịp cúng lễ, yết cáo tổ tiên. Phía trên bàn thờ, gắn với xà dọc và hàng cột cái còn được trang trí một bức hoành phi liên hoàn cùng với cặp câu đối. Hoành phi và hai câu đối thể hiện tâm tư tình cảm của con cháu đối với bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện vị thế của từng gia đình, dòng họ. Vì vậy, nội dung câu đối trước bàn thờ hầu hết ca ngợi công ơn tổ tiên trồng cây đức, đắp nền nhân cho con cháu được hưởng phúc lộc. Tuy nhiên, tuỳ theo gia thế văn chương hay võ thuật, mà mỗi gia đình sử dụng nội dung câu từ cho phù hợp. Nội dung bức hoành phi “Phúc lý tuy chi” nghĩa là: nhiều phúc duy trì mãi về sau và hai vế câu đối  “Thi thư tảo thức hương nhiên đức” “Nhật nguyệt đồng ân phúc mãn đường” mang nghĩa: sớm đi vào con đường kinh sử, học sách thánh hiền, cái đức của gia đình sẽ lan toả và nhiều người biết đến; gia thế luôn tràn đầy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu rọi, cái phúc ắt sẽ đầy nhà, duy trì cho các thế hệ mai sau. Qua 2 bức hoành phi, chúng ta có thể biết gia thế của gia đình theo nghiệp văn chương, ca ngợi cái nhân, cái đức của tổ tiên và mong con cháu luôn giữ lấy nghiệp văn chương của ông cha.

* Tổ hợp số 3: Canh tác lúa nước và chế biến lương thực của người Kinh

Người Kinh có truyền thống canh tác lúa nước từ rất sớm. Trải qua bao đời cày cấy, cha ông ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm  làm ruộng rất sâu sắc “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Bên cạnh đó đã tạo ra nếp sống cần cù, chịu khó của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng, trung du với tinh thần đoàn kết chống chọi với thiên tai để ổn định cuộc sống, và hình thức lao động đầy chất nhân văn. Những công cụ lao động như cày, bừa, cuốc, mai, thuổng, gầu tát nước, liềm, hái được trưng bày tại Bảo tàng như một minh chứng lịch sử cho quá trình canh tác thủ công, mang tính chất gia đình “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” trong các làng quê người Kinh. Quá trình canh tác lúa nước không chỉ đơn thuần là vậy. Mạ cấy rồi phải chăm chút bắt sâu, làm cỏ, bón phân và thường xuyên thăm nước. Lúa trỗ đòng lại cầu trời cho mưa thuận gió hoà mới cho mùa gặt bội thu. Gắn với nông nghiệp lúa nước là quá trình chế biến lúa gạo. Vào những năm 70 của thế kỷ XX quy trình chế biến mang tính giản đơn, từ giã bằng chày tay, chiếc cối xay thóc (hai thớt, đóng bằng tre, đắp đất, cấy dăm gỗ) tách vỏ thành gạo và trấu, để rồi mỗi sáng sớm, hay tối khuya chị em phụ nữ nông thôn lại nhộn nhịp bên cối giã, chuẩn bị thổi cơm cho cả gia đình. Ngày nay, ít ai còn thấy tiếng xay thóc, giã gạo chốn thôn quê, mọi vùng đều sử dụng máy sát gạo thay cho sức người và người nông dân cũng dần thích nghi với cuộc sống công nghiệp.

* Tổ hợp số 4: Nghề đánh bắt cá của người Kinh

Cư trú chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và lưu vực các con sông, người Kinh đã biết tận dụng bờ biển dài hàng nghìn km và hệ thống sông ngòi dày đặc để làm muối, đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản… Đánh cá là một trong 4 nghề chính đem lại nguồn lợi chính cho các cư dân ven biển, ven đầm lầy, ao hồ và sông suối. Trước đây công cụ đánh bắt chủ yếu là: Diu tôm, nơm, dậm, chài, lưới, đó…Ngày nay, nhiều ngư dân đã đầu tư nâng cấp tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản ở ven bờ. Gắn liền với sản phẩm đánh bắt cá và làm muối là một quá trình chế biến thuỷ – hải sản….điển hình là nghề làm nước mắm. Nước mắm chủ yếu làm từ các loại cá: (cá linh, cá thiểu, cá cơm, cá thu, cá đối, cá quả …vv) và chiết ra dưới dạng nước. Làm mắm có 4 công đoạn chính là: làm cá, muối cá, thính mắm, chao mắm. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú, dùng để chữa bệnh. Nếu dùng cá ươn thời gian sẽ mau hơn nhưng nước mắm không thơm. Tùy theo nước chiết từ lu/hũ ủ nước mắm mà người ta phân cấp độ (nước mắm cốt, nước mắm loại 1, nước mắm loại 2). Cách sử dụng mắm trong bữa ăn hàng ngày là nét văn hoá ẩm thực rất riêng của cư dân Việt.

* Tổ hợp số 5: Nhà sàn dân tộc Mường

Từ bao đời, người Mường đã quen sống trên những ngôi nhà sàn. Đồng bào đã đúc kết toàn bộ đời sống văn hoá của mình qua câu ngạn ngữ:  “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới”. Nhà của người Mường thường dựng ở gò đồi, lưng dựa vào núi, nhà có 4 mái, ba gian, sàn lát bằng gỗ. Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, nơi diễn ra các lễ nghi thể hiện ứng xử của con người với ngôi nhà. Tại đây có một cây cột gốc to hơn các cây cột khác trong nhà, để đặt bàn thờ tổ tiên. Mọi thành viên, kể cả chủ hay khách đều không được phép bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Nếu ai phạm phải những điều cấm trên, đều bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Vì vậy gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ tuyệt đối không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay, thì chỉ những nam giới có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống. Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa “voóng”, bình thường không ai được đưa vật gì hay chui qua, chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. Đối diện với cột gốc có một cây cột khác cũng quan trọng. Ở chân cột này, người ta để vài cum lúa đã tuốt hết hạt. Đầu cột đội một cái giỏ thủng biểu hiện cho âm tính (đồng bào gọi là nường). Bên cạnh đó, người Mường treo một đoạn tre tước xơ một đầu cho bông lên biểu hiện cho dương tính (gọi là nõ). Điều này thể hiện quan niệm cân bằng âm dương, để tạo sự ổn định phát triển và thuận hoà cho cả gia đình. Tại gian này, người ta cũng treo những chiếc nạ mụ để giữ vía cho các thành viên nhỏ tuổi trong nhà.

Gian giữa thường là nơi để thóc và làm bếp.

Gian cuối cùng  được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp, là nơi để chạn bát, đồ dùng gia đình, bếp nấu cơm và là nơi ngủ nghỉ của phụ nữ. Nhà sàn của người Mường còn có mặt bằng thứ tư. Đó là sàn gác được làm từ những tấm gỗ hay cây bương gác qua các xà ngang, làm nơi đựng nông sản và các dụng cụ sinh hoạt gia đình. Đầu hồi nhà người Mường bao giờ cũng có một chiếc đuống và một cối tròn. Đuống là dụng cụ để vò thóc, đồng thời là dụng cụ báo hiệu khi nhà có việc lớn như đám cưới, đám tang. Bên cạnh đó, đuống còn là nhạc cụ gõ của phụ nữ để tấu những bản nhạc vui trong những ngày lễ tết, hội hè hay chào mừng khách đến chơi nhà  để tỏ lòng mến mộ. Gầm sàn là nơi để các công cụ sản xuất như: Cày, bừa, cuốc, liềm…và nhốt trâu bò. Ngày nay không ai còn để đuống và nhốt trâu bò dưới gầm sàn như trước nữa. Nhà sàn Mường ở Hoà Bình thường có hai cầu thang, gọi là cầu thang chủ và cầu thang khách. Cầu thang chủ đặt ở gian cuối dành riêng cho phụ nữ đi lại. Cầu thang khách đặt ở gian đầu dành cho khách và nam giới. Điều này khác hẳn với ngôi nhà có một cầu thang của người Mường ở tỉnh Phú Thọ. Người Mường Phú Thọ quan niệm: Nhà hai cầu thang sẽ mang lại sự xui xẻo, của cải sẽ không giữ được trong nhà “vào đầu này, ra đầu kia”, nên cả vùng không thấy có loại nhà hai cầu thang. Trên sàn, nhà của người Mường ở các nơi đều có hai bếp: bếp chủ và bếp khách. Bếp chủ ở bên trong để nấu nướng, sưởi lửa. Bếp khách để bên ngoài. Với người Mường, bếp rất linh thiêng, sự linh thiêng ấy ngự trị ngay trong ngọn lửa. Vì vậy, đồng bào cấm kị hơ chân, thay quần áo bên bếp lửa. Nếu vi phạm điều cấm kỵ là xúc phạm đến thần lửa ắt sẽ gặp tai hoạ. Ngay trên khung bếp, người Mường dựng một gác bếp để chứa dụng cụ chế biến, nấu nướng như: rá vớt gạo, ống muối, đũa cả, các loại giỏ, mõ trâu… Người Mường thường nói “Muốn tìm gì cứ tìm trên gác bếp”. Trong đời sống ẩm thực của người Mường, không thể thiếu hương vị độc đáo của men rượu cần. Rượu được làm từ gạo nếp ủ với lá cây rừng dùng trong các lễ hội như: cưới xin, khánh thành nhà mới, tang ma, tiếp khách quý, lễ, tết. Vò rượu ngon có rất nhiều cần để mọi người cùng uống thể hiện sự đoàn kết cộng đồng và lòng hiếu khách, của người Mường.

* Tổ hợp số 6:  Văn hoá dân tộc Thổ, Chứt

Dân tộc Thổ sinh sống ở miền Tây Nghệ An, có trên 50.000 người với các tên gọi khác nhau như: Kẹo, Mọi, Cuối, Họ, Đan Lai… Đồng bào canh tác nương rẫy kết hợp với trồng lúa nước. Bên cạnh hình thức canh tác dùng gậy chọc lỗ tra hạt, đồng bào đã biết dùng cày, bừa để lấp đất sau khi gieo. Người Thổ có kinh nghiệm đánh bắt cá và săn bắt thú rừng. Đồng bào giỏi đan võng gai để phục vụ cuộc sống. Người Thổ sinh sống thành từng làng bản dọc theo các con sông, con suối lớn. Mỗi bản từ vài nóc đến vài chục nóc nhà. Xưa kia, đồng bào ở nhà sàn, nay hầu hết đã ở nhà trệt. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà của người Thổ được chia làm 2 phần theo chiều ngang: Phần ngoài đặt bàn thờ tổ tiên, là nơi tiếp khách. Phần trong là bếp và nơi sinh hoạt của phụ nữ; gầm sàn là nơi nhốt trâu bò và các dụng cụ phục vụ sản xuất như: cuốc, liềm, củi, cối giã gạo. Cầu thang thường đặt ở hồi trái. Người Thổ không dệt vải, nên y phục chủ yếu mua hoặc trao đổi với các dân tộc láng giềng. Có nơi, đồng bào mặc giống người Kinh ở vùng nông thôn nửa thế kỷ về trước, có nơi mua váy của người Thái. Tuy nhiên chiếc khăn, áo trắng bằng vải thô vẫn mang đậm dấu ấn truyền thống tộc người. Người Chứt hiện có khoảng hơn 2 nghìn người, cư trú ở hai huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Dân tộc Chứt còn có các tên gọi khác là Rục, Sách, A Rem, Mã Liềng…Nguồn sống chính của đồng bào là làm ruộng và canh tác nương rẫy, ngoài ra còn hái lượm, săn bắn, đánh cá, và chăn nuôi. Người Chứt không trồng bông dệt vải, y phục chủ yếu được trao đổi với các tộc người láng giềng. Áo may bằng vải màu đen có thêu nhẹ nhàng ở hò áo, không đơm cúc mà buộc dây cùng chiếc váy dệt hoa văn giống với người Bru – Vân Kiều và các cư dân bên kia biên giới. Trước đây người Chứt sống du canh, du cư trong các hang động, ngườm đá hay những túp lều đơn sơ, lợp bằng lá cây rừng. Hiện nay, đồng bào đã định canh, định cư thành từng làng trên những triền núi dốc. Cấu trúc nhà gần giống kiểu nhà một gian hai chái của người Kinh ở Bắc Trung Bộ.

* Tổ hợp số 7: Nghề thủ công truyền thống

* Nghề gốm của người Kinh

Người Kinh có nghề gốm phát triển từ lâu đời. Đến nay, nhiều làng gốm nổi tiếng vẫn còn tồn tại như gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh… với các sản phẩm rất phong phú gồm đồ gia dụng, đồ trang trí (bát, bình, ấm, chén, con giống…) được thể hiện trên các loại chất liệu khác nhau như đất nung, sành nâu, sành xốp… Gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV. Kỹ thuật sản xuất chủ yếu sử dụng phương pháp tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại và phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong. Sản phẩm gốm Phù Lãng thuộc loại men nâu ở những sắc độ khác nhau như da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… và 3 loại hình chính là: Gốm dùng trong tín ngưỡng, (lư hương, đài thờ, đỉnh…); Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu…) và gốm  trang trí (bao gồm bình, ấm hình thú như ngựa, voi…). Gốm Bát Tràng ở Gia Lâm Hà Nội cũng hình thành vào thế kỷ 14-15. Nguyên liệu sản xuất gốm chủ yếu là đất sét; kỹ thuật sản xuất truyền thống, sử dụng phương pháp tạo hình trên bàn xoay. Đất sét trắng sau khi nặn cốt sửa và phơi khô, sau đó được quét men rồi cho vào lò nung. Ngày nay, hầu hết người ta dùng khuôn đúc để tạo dáng sản phẩm. Sản phẩm truyền thống của làng gốm Bát Tràng chỉ có ba loại để phục vụ tín ngưỡng gia dụng và trang trí. Ngày nay, sản phẩm gốm Bát Tràng phong phú đa dạng không chỉ được sử dụng phổ biến ở trong nước mà còn xuất khẩu sang Châu âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tháng 11 năm 2004, thương hiệu “Bát Tràng – Việt Nam” được công bố và chính thức quảng bá thương hiệu cho hàng gốm sứ lâu đời của Việt Nam trên thị trường thế giới. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của làng gốm Bát Tràng trong  xu thế hội nhập quốc tế. Gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc, từ xưa chỉ phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Những hũ, vại giản đơn, dạng sành được sử dụng phổ biến trong việc đựng nông sản, muối cà, làm mắm, chăn nuôi…đã làm phong phú thêm kho tàng văn hoá Việt Nam.

* Nghề in tranh dân gian Đông Hồ

Cách thủ đô Hà Nội 30 km về hướng Đông, làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn nổi tiếng với nghề in tranh tồn tại từ thế kỷ XVI. Tranh được in trên giấy gió mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của Đông Hồ.  Màu tranh được chế biến từ chất liệu thiên nhiên: màu đen lấy từ than lá tre; màu xanh lấy từ vỏ và lá chàm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu son lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp…  Dụng cụ in tranh chỉ có khuôn in, chổi quét màu và những bản khắc gỗ. Mỗi màu in  có một bản khắc riêng. Vì vậy bức tranh bao nhiêu màu sẽ có bấy nhiêu bản khắc gỗ. Sản phẩm tranh gồm có 5 loại: Tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh. Trong số sản phẩm tranh Đông Hồ “Hứng dừa” và “Đánh ghen” được coi là những tác phẩm nổi tiếng với triết lý dân gian sâu sắc. Nếu “Hứng dừa” ca ngợi một gia đình hạnh phúc, đầm ấm, hai vợ chồng tâm đầu, hợp ý, hai đứa con vui đùa, mãn nguyện.“Khen ai khéo dựng nên dừa, Chồng trèo, vợ hứng cho vừa một đôi”. Thì “Đánh ghen” lại mang một nội dung trái ngược, phê phán chế độ đa thê, người chồng không chung thuỷ dẫn đến cảnh tan cửa nát nhà.“Thôi, thôi bớt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”. Tranh Đông Hồ có sức sống lâu bền và cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài bởi đề tài trên tranh phản ánh đậm chất dân gian, mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt và bởi chính tâm hồn các nghệ nhân tranh Đông Hồ như Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế… những người đã góp phần giữ gìn nghề in tranh và là chủ nhân của những bức tranh đang trưng bày tại Bảo tàng hôm nay.

* Nghề gò đúc đồng Đại Bái

Đại Bái xưa có tên là làng Văn Lãng nổi tiếng với nghề gò đúc đồng truyền thống, chuyên sản xuất các vật dụng gia đình. Ban đầu Đại Bái chỉ làm các vật dụng thô sơ, sau mới có ấm, mâm, chậu thau. Đầu thế kỷ XI, nghề gò đúc đồng làng Đại Bái phát triển mạnh. Nổi tiếng nhất là các sản phẩm: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối. Dụng cụ đúc đồng gồm có bễ thổi lửa, nồi đúc, khuôn đúc, đe gò đồng, búa gò đồng, kéo cắt đồng, trục tiện các sản phẩm đồng. Ngày nay, làng Đại Bái tiếp tục phát triển và gìn giữ nghề truyền thống với những hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cùng sự cải tiến kỹ thuật, tự trang, tự chế ra máy móc như máy cán, máy dập, máy đánh bóng…tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

* Tổ hợp số 8: âm nhạc dân gian

Nhạc cụ của người Kinh phải kể đến: Mõ, phách, đàn cò, đàn nhị, kèn… Trong đó Mõ được xếp là một nhạc khí tự thân vang, phổ biến ở Việt Nam. Nó được sử dụng trong các không gian khác nhau với những chức năng khác nhau. Trong chùa mõ đóng vai trò điểm nhịp đều theo lời tụng kinh. Ngoài đời, những người nông dân xưa dùng mõ để giữ nhịp và hoà tấu khi diễn tuồng hay hát chèo. Ngày nay, mõ còn được dùng trong các tốp nhạc dân tộc mới và trong dàn nhạc dân tộc. Xinh tiền là nhạc cụ gõ độc đáo, xuất hiện ở Việt Nam ít nhất vài trăm năm nay. Tên cổ của nó là phách xâu tiền hay phách quán tiền, ngày nay có người gọi là sênh tiền (hay xinh tiền). Xinh tiền được dùng trong dàn nhạc cung đình, bát âm, hát sắc bùa, và hát ả đào hay hòa tấu, giữ nhịp hoặc làm đạo cụ múa. Xinh tiền gồm có 3 thanh gỗ cứng, hai thanh dài 28cm, một rộng 3cm, dày 8mm, còn thanh thứ ba ngắn hơn có kích thước 20cm. Người Mường có bộ cồng được đúc bằng đồng thau hoặc đồng đỏ. Cồng hiện diện trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người Mường như: lễ xuống đồng, lễ cầu đảo, ngày hội đánh cá, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới, tang lễ… Cồng còn dùng trong đi săn, báo động khi có hoả hoạn, trộm cắp, báo lệnh của nhà Lang …  Đặc biệt trong ngày tết nguyên đán, người Mường tổ chức hát Sắc bùa đi chúc tết các gia đình trong bản. âm thanh sắc bùa và những ứng xử đầy tính nhân văn đã tạo nên nét riêng, độc đáo trong văn hoá Mường. Một dàn cồng của người Mường hoàn chỉnh phải có đủ 12 chiếc. Người chơi cồng thường là nữ, nhưng đôi khi cả nam và nữ. Mỗi người một chiếc, tay này xách quai đeo cồng, tay kia cầm dùi gỗ quấn vải, gõ vào núm cồng, theo nhịp điệu và tiết tấu của bài. Một dàn cồng của người Mường có hai hình thức biểu diễn: dàn hàng ngang đứng tại chỗ, hoặc vừa đánh cồng vừa đi tròn. Xưa kia khi có việc hệ trọng trong làng, các gia đình quý tộc –  nhà Lang thường sử dụng vài ba bộ cồng đánh một lúc.

* Nghệ thuật múa rối nước của người Kinh

Múa rối nước là một loại hình nghệt thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời của Việt Nam gắn bó mật thiết với hội hè, đình đám ở các làng quê. Nghệ thuật múa rối nước ra đời cách ngày nay gần 10 thế kỷ, múa rối nước cổ truyền có nội dung phong phú, ngắn gọn, phản ánh chân thực cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu chống thiên tai, dịch hoạ, nhằm thích với thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, bảo vệ đất nước. Trò rối nước xưa thường diễn không lời hoặc chỉ với lời giáo, lời hát làm nền, dẫn chuyện cùng với tiếng trống, tiếng mõ, tiếng pháo, tiếng tù và… điểm nhịp, gây không khí rộn ràng. Con rối được tạc bằng gỗ sung, gỗ vông, quét nhựa cây, sơn thếp vàng, thếp bạc. Quân rối nước cử động nhờ 2 loại lò so và dây được giấu kín, biểu diễn bằng sào và dây. Trình diễn múa rối nước thường mở màn bằng nhân vật Chú Tễu giới thiệu để tạo không khí vui tươi, dí dỏm, đượm chất dân gian. Sau đó là các trò diễn tứ linh (long, ly, quy, phượng), thể hiện ước nguyện mưa thuận, gió hoà mùa màng bội thu; các trò diễn thể hiện cuộc sống đời thường như xay thóc, giã gạo, cày bừa, cáo bắt vịt… Các trò diễn ca ngợi người nông dân chăm chỉ hiền lành phê phán thói ba hoa với nhân vật Ba thạo, phê phán người gian giảo, đã góp phần đưa cuộc sống lên sân khấu làm phong phú thêm kho tàng văn hoá Việt Nam.

* Tổ hợp số 9: Chiếu chèo sân đình

Chèo là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Đất chèo có gốc từ vùng châu thổ sông Hồng. Khởi đầu bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ X-XI, chèo dần dần trở thành một sinh hoạt văn hóa của nhiều làng quê Bắc Bộ. Sân khấu chèo xưa kia là hai chiếc chiếu trải ở giữa sân đình, khán giả ngồi vây ba mặt nên gọi là chiếu chèo hay chèo sân đình. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu và trở thành đại diện tiêu biểu của sân khấu truyền thống Việt Nam.

* Tổ hợp số 10: Đình làng người Kinh

Đình làng gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của người Kinh. Hàng năm lễ hội thường được tổ chức ở Đình làng. Lễ hội gắn với truyền thống lịch sử (sự tích thần đánh giặc, lập làng, dạy nghề), gắn với lễ nghi nông nghiệp (lễ rước nước). Các ngôi đình nổi tiếng ở Bắc bộ như: Đình Bảng, Bắc Ninh; Đình Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Đình Tây Đằng, Chu Quyến – Hà Tây; Đình Thổ Hà, Phù Lão – Bắc Giang; Đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, đình Làng Đình Bảng – Bắc Ninh. Bảo tàng đã trích đoạn một góc Đình Bảng. Một ngôi đình lớn nhất Việt Nam, nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp) huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, kiểu bốn mái. Một số đình có tám mái theo kiến trúc chữ đinh để thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn Đại vương (thần Núi), Thủy Bá Đại vương (thần Nước) và Bách Lệ Đại vương (thần Đất) đồng thời thờ sáu vị có công lập làng vào thế kỷ 15. Ngày nay, đình làng vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Nối tiếp đời này sang đời khác, người dân luôn gìn giữ, trân trọng ngôi đình – một phần không thể thiếu cấu thành văn hoá Việt Nam.

* Tổ hợp số 11: Hát quan họ vùng Kinh Bắc

Kinh Bắc là cái nôi của nhiều lễ hội cổ truyền đặc sắc và là quê hương của những làn điệu dân ca quan họ. Cứ mỗi độ xuân về, các làng lại mở hội hát quan họ. Trước khi mở hội, các làng mang hương hoa, vật phẩm đến đền thờ Vua Bà ở làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để xin mở hội. Theo truyền thuyết, Vua Bà chính là người sáng lập những làn điệu quan họ. Khi hát, nam giới thường mặc áo the, áo lụa, khăn xếp, tay cầm ô; nữ giới mặc áo mớ ba mớ bảy, thắt lưng lụa đào, tay cầm nón quai thao cho thêm phần duyên dáng và lịch sự. Hát Quan họ là lối hát đối đáp giữa nam và nữ. Những câu hát bắt nguồn từ sinh hoạt thường nhật mang đậm màu sắc trữ tình, rất bài bản và phong phú về làn điệu. Nơi hát quan họ có thể diễn ra trong nhà, sân đình, sân chùa, dưới sông hay trên đồi. Hát quan họ bao giờ cũng có những màn chào hỏi, mời trầu, tìm hiểu gia cảnh của nhau. Mỗi lễ hội như vậy có khi kéo dài 2-3 ngày không dứt, rồi họ hẹn nhau đến mùa hội năm sau.

* Tổ hợp số 12: Quả đựng đồ lễ trong đám cưới của dân tộc Kinh

Quả đựng lễ vật là vật dụng không thể thiếu trong đám hỏi của người Kinh. Tuỳ theo từng gia đình đồ lễ nhiều hay ít, người ta sử dụng 3 – 5 – 7 quả lễ với các kích thước khác nhau. Thông thường khi đôi trai gái đã ưng nhau phải thực hiện nghi lễ đánh tiếng dạm ngõ, đợi ngày lành tháng tốt làm đám hỏi. Trong đám hỏi thanh niên bưng theo quả lễ, phủ vải điều màu đỏ có dán hay thêu chữ song hỷ, bên trong đựng trầu, cau, bánh phu thê. Đến nhà gái, tuỳ theo số lượng chàng trai bưng quả lễ, phía nhà gái phải cử số lượng con gái chưa chồng tương ứng ra đón lễ. Nhà trai mở lễ, đại diện nhà gái nhận lễ đặt lên bàn thờ gia tiên. Hai họ bàn chuyện cưới xin, ăn uống vui vẻ. Khi họ nhà trai ra về, nhà gái để lại trên nắp quả một phần lễ vật gọi là lại quả. Hiện nay, nghi lễ hỏi và những quả đựng lễ vẫn duy trì trong đời sống đồng bào, thậm chí nhiều gia đình còn tổ chức lễ hỏi rất lớn với số lượng quả lễ 9, 12 hay 15… quả đựng lễ.

* Tục ăn trầu:

Con dao, túi vải, bình vôi, cơi trầu trưng bày tại bảo tàng thể hiện tục ăn trầu và những ứng xử đầy chất nhân văn của người Việt Nam; ăn trầu là phong tục cổ truyền của nhiều dân tộc ở Việt Nam có từ thời Hùng Vương. Nó gắn liền với một câu chuyện về tình yêu và sự chung thuỷ. Vì vậy, trầu cau vừa biểu hiện của phong cách, vừa thể hiện tình cảm của người Việt Nam. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, làm cho con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn trong cuộc sống. Trầu dùng trong lễ hội, trong câu hát, khi tiếp khách, làm sính lễ trong đám hỏi, thay cho thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ. Trầu cau có mặt trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, là quà tặng trong mỗi dịp tết đến, xuân về, trầu cau còn là đồ cúng lễ, ngày giỗ, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân. Ăn trầu còn gắn với tục nhuộm răng để có những “má hồng răng đen” tiêu biểu của cái đẹp người con gái thuở xưa.

Bài viết liên quang

Phòng trưng bày số 4: Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me

Phòng trưng bày số 5: Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và Nhóm ngôn ngữ Hán

Phòng trưng bày số 3: Văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao, Ka Đai, Tạng Miến