Dân tộc : Sán Chay
Địa điểm: Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
Nội dung chính: Cầu mùa là lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng, độc đáo, lớn nhất trong năm của người Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm cầu xin trời đất cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên, nhà nhà mạnh khỏe, người người no đủ.
Chuẩn bị cho lễ hội: nam giới trong làng chịu trách nhiệm dựng cây nêu, làm một số trống đất (nhạc cụ đặc trưng của người Sán Chay). Nữ giới chuẩn bị lễ vật gà, lợn, đồ xôi cẩm ngũ sắc, gói bánh sừng bò, bánh chim gâu (bánh gạo nếp, gói trong lá dứa rừng, được đan thành hình con chim gâu- chim cu gáy), làm quả Còn, quả Yến để tổ chức hội. Thày cúng làm vật trang trí, làm sớ cúng thần.
Lễ hội có 2 phần: phần lễ, nam thanh nữ tú đội trên đầu các mâm lễ vật gồm: xôi ngũ sắc, gà, lợn, hoa quả, trầu cau mang ra miếu, đình thờ thổ công của thôn để cúng các vị thần. Chủ tế cùng các bậc cao niên trong thôn tiến hành các nghi lễ cúng mời Thành Hoàng, Thổ công về hưởng lễ, phù hộ cho dân làng năm mới bình an, sức khỏe, sản xuất, chăn nuôi, buôn bán kết quả tốt. Phần cúng thần đất, thày cúng tế thần, cùng dân làng hòa tấu các nhạc cụ trống đất, kèn, thanh la, não bạt, trống, ống tre gõ vào nhau, nện xuống đất. Hai người đàn ông trong trang phục thầy cúng từ hai bên bước ra theo nhịp, tay cầm quả chuông đồng buộc liền với dải đai lưng nhảy múa tắc xình nghi lễ, tay rung chuông, chân giơ cao, lần lượt nhảy tiến lên, lùi xuống, quay mặt, quay lưng vào nhau. Các động tác thể hiện sự khỏe khoắn, nói về công cuộc chinh phục, khai phá thiên nhiên, chọn đất, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra hạt, hái lượm, mừng mùa vụ, chim gâu, cầu xin thần vui hội, phù hộ cho mùa màng tươi tốt, dân làng bình an, khỏe mạnh, Phần hội, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống tiếp tục điệu nhảy Tắc xình. Các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất trong âm thanh đặc trưng của trống đất (đó là những cái hố sâu 50 cm, đường kính miệng đất khoảng 20cm, đường kính đáy rộng gấp đôi miệng trống, dùng vỏ cây Trẹo dầy bịt miệng hố, rồi căng một đoạn dây rừng trên mặt đất, lấy que nhỏ chống lên ở đúng trung tâm hố đất, dùng que nhỏ gõ vào sợi dây, tạo ra các âm thanh theo ý đồ. Khi làm lễ hay giữ nhịp cho điệu nhảy, người chơi gõ vào dây là tạo ra những âm thanh vọng từ đất nghe rất khác lạ. Người nghe có thể cảm nhận rõ những thanh âm lách cách của bộ gõ, thâm trầm của trống đất, giống như dương gặp âm, trời gặp đất, có thêm sự cổ vũ của tiếng kèn, để trời biết, đất biết, phù hộ cho dân làng mùa vụ mới tốt hơn), những ống gõ được làm từ tre nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau hòa tấu tạo thành âm hưởng tắc xình vui nhộn. Sau điệu múa, người Sán Chay cùng nhau hát những bài ca dân gian, chơi ném còn, kéo co, diễu hành vòng quanh để thể hiện cho sự gắn bó, đoàn kết bà con trong bản. Lễ cầu mùa khép lại khi những người dân Sán Chay mời khách cùng dự bữa cơm đoàn kết, cùng với những lời chúc cho một mùa vụ mới thật no ấm.