(Cinet) – Ngày 6-3 (tức 21 tháng giêng Canh Dần), tại miếu Núi Sư, vườn Bách Thảo-Quận Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra lễ hội Thập Tam Trại, thu hút sự chú ý đông đảo người dân Thủ đô.
Mở đầu lễ hội Nhân dân 13 làng trại (thập tam trại) đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn, tạo nên các làng trại nông nghiệp trù phú ven kinh đô xưa. Sau đó, đội quân rước làm lễ rước xung quanh vườn Bách Thảo.
Đi đầu đoàn rước là đội trống thiếu nhi, đội hồng kỳ, kế đến là đội rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội rước mô hình 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và sau cùng là đội rước của các làng trại, với đông đảo bà con Thủ đô tham gia đã tạo lên một không khí vô cùng nhộn nhịp và tưng bừng của buổi lễ. Trong đó, đội rước của làng Ngọc Hà với những gánh hàng hoa nổi tiếng một thời được các mẹ, các chị mặc quần áo tứ thân thời xưa gánh trên vai rất nhịp nhàng, thu hút sự chú ý và trầm trồ của du khách thập phương và du khách nước ngoài.
Phần hội diễn ra với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, đặc biệt là màn biểu diễn võ thuật cổ truyền sôi động của các võ sinh trẻ, thuộc võ đường Thanh Long và Tiết mục múa lân, múa rồng mang nét văn hóa cổ truyền.
Để tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Quý Công, người con làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên) đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long tạo nên vùng nông nghiệp trù phú với địa danh “Thập Tam Trại”, các nghệ sĩ đã tái hiện rất thành công tích cổ “Chém giao long”.
Thập Tam Trại là tên gọi chung của 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, tương truyền được lập nên từ thời nhà Lý, các làng: Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (tên khác là Vĩnh Phúc, Vạn Bảo), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ. Hiện nay, đa phần các làng trại này thuộc địa phận quận Ba Đình. Thiết nghĩ những lễ hội như thế này cần được lưu truyền và phát huy, để con cháu chúng ta những thế hệ sau hiểu hơn về lịch sử nghìn năm Văn hiến của Thủ đô.
Cinet tổng hợp