Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Tà Ôi

Màn trình diễn trang phục thường ngày, trang phục lễ hội và trang phục cụ bà, già làng của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế do đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế trình diễn.
Áo nam và nữ của người Tà Ôi đều là kiểu áo cổ chui, có thể có tay nhưng thường không tay đối với áo nữ, được dệt bằng sợi bông màu chàm kết hợp với sợi màu đỏ và cườm trắng tạo các hoa văn trang trí tinh tế.
Mở đầu là trang phục thường ngày của cô gái Tà Ôi, gồm áo, váy. Tất cả đều được dệt thổ cẩm, nhưng váy, áo ngắn, gọn, thuận tiện đi nương, đi rẫy, đi rừng và xuống suối và họ không quên mang theo chiếc gùi sau lưng. Mỗi khi đi chơi xa, dự lễ hội hay đám cưới, phụ nữ Tà Ôi thường mặc trang phục đẹp gồm áo, váy, thắt lưng, choàng, dây quấn đầu với đủ sắc màu sặc sỡ, hoa văn tinh tế. Các cụ bà Tà Ôi mặc áo, váy, trang trí hoa văn thổ cẩm kết hợp với hạt cườm như trang phục thường ngày của thiếu nữ, nhưng họ búi tóc cao và đeo thêm chiếc giỏ để hái rau, bắt cá hàng ngày. Nam giới Tà Ôi đóng khố, cởi trần, quấn hoặc khoác thêm tấm choàng. Thường ngày nam giới đóng khố dệt trang trí hoa văn đơn giản, dùng choàng buộc dấu nhân phía trước để tiện với việc phát nương, chọc lỗ, săn bắn. Ngày lễ hội, họ đóng khố dệt hoa văn đính cườm sặc sỡ, khoác choàng chéo trước ngực, buông đầu khố trang trí đậm đặc bên sườn phải, có dây quấn đầu bằng dải thổ cẩm. Ngày cưới, cô dâu chú rể mặc trang phục sặc sỡ như lễ hội, nhưng còn có thêm hai chiếc khăn kẻ quấn đầu, thể hiện cô gái đã có chồng, chàng trai đã có vợ. Trang phục già làng độc đáo gồm áo, váy, choàng, khăn quấn đầu, thể hiện sự uy nghi, vị thế, sự kết tinh sản phẩm dệt và sự đoàn kết của cả cộng đồng. Già làng bao giờ cũng khoác tấm choàng mở rộng choàng lấy lưng, buộc mối trước ngực với dây có tua bông ở hai đầu và chiếc kèn sừng buông trễ dưới ngực. Tất cả các thành tố trang phục của của già làng được dệt hoa văn sặc sỡ, với các mô típ mũi lao, hoa 4 cánh và bức tranh thiên nhiên núi rừng, cây cỏ, hoa lá….,