Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống

Dân tộc: Chăm
Địa điểm: tỉnh Bình Định
Nội dung chính: Trang phục truyền thống các nhóm Chăm đều có áo, váy, khăn, đai lưng. Đai lưng có sự tương đồng, đó là dải vải thổ cẩm khổ hẹp 10 cm, dệt trang trí nhiều mô típ hoa văn đặc sắc: hình quả trám, tam giác… Giữa các dải hoa văn là những đường chạy song song, phân gianh giới giữa các dải và các lớp. Tuy nhiên, tùy từng địa phương, trang phục dân tộc Chăm có sự khác biệt: Trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm, tỉnh Ninh Thuận điển hình là chiếc áo dài (aw), may ghép từ 4 mảnh vải, kiểu áo chẽn sát thân, chui đầu, cổ trái tim hay cổ tròn. Phần thân dưới xòe rộng để tạo sự mềm mại và làm nổi bật đường nét của cơ thể. Váy là một khổ vải sợi bông tự dệt là màu trắng hay xanh, đen, tím pha kim tuyến. Khăn màu tự dệt với các hoa văn quả trám, hoa dâu….Trang phục của phụ nữ Chăm Hroi tỉnh Bình Định, điển hình là chiếc áo bà ba, cổ viền trắng, tay dài, chiếc khăn màu đen, trang trí đính hạt cườm, hay đồng tiền cổ, tượng trưng cho sự giàu có, đỉnh đầu có một chọp nhọn, thể hiện sự hiện linh của đất trời, vũ trụ, sự biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cô dâu có thêm chiếc khăn voan màu đỏ. Váy của phụ nữ Chăm Hroi, tỉnh Bình Định may bằng vải sợi bông, dệt trang trí các mảng hoa văn màu đỏ nổi bật. Trang phục của nam giới Chăm Hroi, tỉnh Bình Định gồm chiếc quần trắng, áo sợi bông màu đen, có dệt, trang trí dải hoa văn màu đỏ, trắng tinh tế. Trong khi đó, trang phục của nam giới Chăm, tỉnh Ninh Thuận lại gồm có áo các màu và chiếc váy trắng… Sự khác nhau trang trang phục các nhóm địa phương đã tạo nên sự đa dạng, làm nên bản sắc của mỗi cộng đồng dân cư.

Màn trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm do đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc Chăm Hroi, Vân Canh, tỉnh Bình Định trình diễn.