Múa nhớ ơn đại đức thủ nhang

Dân tộc : Khmer
Địa điểm: tỉnh Cà Mau, vùng đồng bằng Nam bộ, Việt Nam
Nội dung chính: Nhớ ơn đại đức thủ nhang là tiết mục múa kết hợp giữa dân
gian và biên đạo mới, thể hiện tấm lòng tôn kính đức Phật, tri ân công đức Tam
Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và Phật tử hộ trì Phật pháp của đồng bào Khmer ở tỉnh Cà
Mau. Điệu múa phản ánh đặc trưng văn hóa gắn với ngôi chùa và các vị sư sãi,
những người tu hành Phật pháp. Chùa có một vị trí hết sức quan trọng trong đời
sống người Khmer. Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là một trung tâm
sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Trong các ngôi chùa
Khmer của Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), chủ yếu thờ tượng Ðức Phật Thích Ca
trong 3 tư thế: tu hành, đắc đạo, cứu vớt chúng sinh. Hàng năm, nơi đây thường
diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội như Chuôn chnam thmây (tổ chức từ ngày 1
đến ngày 3 đầu tháng Chét (theo Phật lịch), vào khoảng tháng 4 dương lịch) và lễ
chào mặt trăng (ok ang bok) (tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch, trong lễ này có
đua thuyền Ngo giữa các phum – sóc), lễ Dolta cúng ông bà tổ tiên…. Mỗi dịp lễ
hội, đồng bào Khmer tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian như múa,
kịch sân khấu truyền thống Dù kê, Dì kê, Rô băm… trên một nền âm nhạc vừa có
nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á, trong đó có điệu múa Nhớ ơn
đại đức thủ nhang.
Múa Nhớ ơn đại đức thủ nhang do đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc
Khmer, tỉnh Cà Mau biểu diễn.