Lễ trưởng thành

Dân tộc : Ba Na
Địa điểm: tỉnh Gia Rai
Nội dung chính: Lễ trưởng thành là tục lệ truyền thống của dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên nói chung, ở tỉnh Gia Lai nói riêng. Lễ trưởng thành được tổ chức khi đứa trẻ lên 11 tuổi. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, để gia đình thực hành các nghi thức: lễ cắt tóc, đóng khố và trao cuốc, rựa, thổi tai, nhằm cầu mong cho cháu bé khỏe mạnh, tài giỏi, biết làm ăn. Gia đình mời thầy cúng đến làm lễ cẩn thận theo đúng nghi thức dân tộc. Thầy cúng tế lễ, mời các thần nhà trời, các thần trên mặt đất, tổ tiên và những người đã mất về hưởng lễ vật, chứng kiến lễ trưởng thành cho cậu bé, ban cho cháu sức mạnh và trí tuệ. Lời cầu khấn của thày cúng chủ yếu xin thần cho cậu bé lớn lên cường tráng, phi thường như con hổ trong rừng, thông minh, sáng suốt, cặp mắt sáng như vì sao, đôi tai tinh hơn tai thỏ rừng, chân chạy nhanh hơn con chồn, con sóc…. Sau lời cầu khấn của thầy cúng, người già giao cho cậu bé cây cuốc, cây rựa để phát rẫy. Từ nay, cậu đã là người trưởng thành, phải làm quen với các công việc của người đàn ông và chăm chỉ lao động, trở thành người có ích trong cộng đồng. Thầy cúng cuốn lá làm lễ thổi tai cho cậu bé để cậu có đôi tai thính, cái đầu mới thông minh, nhanh tiếp thu được cái chữ, điều hay lẽ phải. Sau lễ cúng, cậu bé cảm ơn thầy cúng và bắt đầu được uống rượu, được cộng đồng công nhận như những người trưởng thành.