Lễ hội truyền thống làng Liễu Giai, Hà Nội

26/02/2010 8:11 SA Đền Liễu giai. Ảnh: Internet

(Cinet) – Kỷ niệm 984 năm ngày sinh Thái tế Hoàng Phúc Trung, người có công xây dựng, tạo lập nên vùng Thập tam trại từ thời Lý, biến khu đầm lầy, cây cối um tùm, nhiều thú dữ ở phía Tây thành Thăng Long thành một khu vực sầm uất, đông người đến sinh sống, an cư lạc nghiệp. Ngày 25/2/2010 ( tức 12 tháng giêng), Uỷ ban nhân dân phường Cống Vị đã tổ chức Lễ hội truyền thống làng Liễu giai, tại đền Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tên đền gọi theo tên trại Liễu Giai, một trong 13 trại (Thập tam trại) ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa kia. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Công, quay về hướng Tây Nam , phía trước có Nghi môn. Nhà tiền tế 5 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc, giữa là ống muống, sau là hậu cung của ba gian nhỏ. Các hàng cột được xây dựng theo kiểu “thượng thu hạ thách”, chân tầng của cột được xây bằng đá xanh, nền lát gạch. Phía trước nhà Tiền tế có hai trụ đắp bằng gạch, đỉnh trụ được tạo nên bởi bốn con chim phượng ấp bụng vào nhau để vút đuôi lên cao, tạo thành một chóp nhọn. Những trụ này được nối với nhà Tiền tế qua hai bức bình phong đắp nổi hình hổ phù và hình rồng thể hiện quan niệm “Tả thanh long, hữu bạch hổ” của kiến trúc cổ. Hai đầu hồi đắp hai trụ biểu gạch vữa trang trí ô hộc là 2 loại hình khá phổ biến của thời kì này. Sau nhà Tiền tế là Hậu cung. Đây là một kiến trúc 3 gian kiểu “vì kèo quá giang”, được trang trí đơn giản với những hoa văn truyền thống. Trong Hậu cung thờ các tượng Tam Phủ, Hồng Nương, Quế Nương, tượng Cô, Cậu theo hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ngoài ra, đền còn có một số bộ cánh cửa bức bàn làm kiểu thượng song hạ bàn, chạm nổi tùng, lộc, cúc, mai liên hoàn có niên đại thế kỉ XIX. Các bộ phận của kiến trúc nhà tiền tế như đầu dư, cốn nách đều được chạm khắc rồng, phượng, có niên đại thế kỉ XIX. Từ năm 1990 đền đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử về Nghệ thuật Kiến trúc.

Giống như các lễ hội khác, lễ hội cũng gồm 2 phần: Phần lễ với nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng; Phần hội với các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian… đã thu hút đông đảo người dân trong vùng tới tham dự./.

Cinet