Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thủ đô Hà Nội

21/03/2010 9:46 SA Ảnh: Internet

(Cinet) – Diễn ra từ 20/3 đến ngày 22/3/2010, Lễ hội kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên được tổ chức với quy mô rầm rộ và hoành tráng hơn mọi năm, thu hút đông đảo người dân nơi đây và các vùng lân cận về tham dự.

Tương truyền rằng, khúc sông tại miếu thờ ngày ngay là nơi Hai Bà hiển linh. Sau khi phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh chống quân xâm lược nhà Hán và hy sinh anh dũng, Hai Bà đã hóa đá. Di hài trôi theo sông Nhị Hà về Thăng Long và báo mộng cho vua Lý Anh Tông. Khi đến khúc sông thuộc phường Bạch Đằng ngày nay thì di hài Hai Bà dừng lại và phát sáng. Người làng nơi đây mang vải đỏ ra rước Hai bà vào bờ. Vua Lý Anh Tông biết chuyện đã cho dựng đền thờ Hai Bà về đất phường Bố Cái trong kinh đô Thăng Long để tiện cho mỗi lúc dâng lễ Hai Bà. Ngôi đền ban đầu gần kề bờ sông Hồng trên bãi Đồng Nhân, nhưng đến năm 1819 bãi lở, dân làng dời đền vào vị trí thôn Hương Viên, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương tức là phường Đồng Nhân quận Hai Bà Trưng như ngày nay. Hiện nay, tại vị trí cũ người dân vẫn lập ngôi miếu thờ Hai Bà.

Vào ngày 7-3, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 45 năm phong trào phụ nữ Ba đảm đang.

Từ sáng sớm ngày 20/3, nhân dân hai phường Đồng Nhân và Bạch Đằng đã thành kính dâng hương hoa tại Miếu thờ Hai Bà Trưng bên sông Hồng, tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về Đền thờ Hai Bà Trưng để tiến hành lễ mộc dục theo nghi thức cổ truyền.

Sau những nghi lễ rước, nhân dân được thưởng thức màn biểu diễn truyền thống tái hiện hình ảnh hai bà Trưng Trắc-Trưng Nhị khởi nghĩa xưng Vương. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổ ra làm chấn động cả cõi Nam, kết tinh của quá trình đấu tranh kiên cường bất khuất của người dân Việt cổ và là bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả.

Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia như múa sư tử, hát dân ca, thả hoa đăng trên hồ, viết thư pháp, biểu diễn võ thuật, thi kéo co, nấu cơm thi.

Trước đó 1 ngày, ngày 19/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), tại khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Mê Linh), thành phố Hà Nội (quê hương của hai bà), cũng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 1970 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ khai hội Đền Hai Bà Trưng.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là minh chứng cho khả năng và sức mạnh lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức Lễ hội là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.

Cinet