Lễ hội gò Đống Đa tưng bừng trong những ngày đầu xuân Canh Dần

19/02/2010 11:15 CH Ảnh: Internet

(Cinet) – Ngày 18/2/2010 (tức mùng 5 Tết Canh Dần), tại gò Đống Đa, Hà Nội, đã tổ chức lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh (1789 – 2010). Nhiều đoàn tế lễ từ Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác cũng về đây làm lễ dâng hương trước tượng đài Vua Quang Trung.

Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu (năm 1789), đã khẳng định ý chí quyết tâm chung sức một lòng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm.

 

Lễ hội diễn ra hoành tráng trong niềm hân hoan, tự hào của người dân đất Việt, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Các đoàn tế lễ trong trang phục chỉnh tề rực rỡ màu sắc, cùng lãnh đạo các Ban, Ngành và bà con Thủ đô đã làm lễ dâng hương trước tượng đài vua Quang Trung. Các vị chức sắc và bô lão trong làng đã tề tựu đông đủ, chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, người ta tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Cuộc diễu hành diễn ra chậm rãi, trật tự trong không khí vui xuân của người Thủ đô.

 Sau những nghi thức trang trọng, chương trình biểu diễn văn nghệ đặc biệt kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, môn sinh của các võ đường và các đoàn nghệ thuật Hà Nội.

Nổi bật là các màn trống khai hội, múa rồng, múa lân, đấu vật, cờ người và màn biểu diễn võ thuật của hàng chục môn sinh thuộc Võ đường Thanh Phong.  Sự tham gia của đoàn chèo Hà Nội với trích đoạn chèo “Ngọc Hân Công chúa” phần nào đã tái hiện lại hình ảnh vua Quang Trung, công chúa Ngọc Hân và khung cảnh của cuộc chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn chống lại giặc mãn Thanh năm Kỷ Dậu (1789), đem lại niềm tự hào dân tộc cho người xem, cũng như không khí vui tươi, sống động cho lễ hội.

Nằm ngay giữa trung tâm của quận Đống Đa là một khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải là chùa, đình hay miếu mà chỉ là một cái gò nổi, nhưng gắn với nó là cả một chiến tích lịch sử nổi tiếng lẫy lừng của dân tộc.

Du khách đến với Lễ hội gò Đống Đa, phần lớn đều nghé thăm ngôi chùa cổ mang tên “Sùng Phúc tự” hay có tên gọi dân gian là Chùa Bộc Bà con nơi đây kể rằng hàm ý tên Chùa bộc là do ngày xưa những vong hồn bị tử trận, tử thi bị bộc lộ ra bên ngoài đồng sau trận đánh chớp nhoáng của đội quân Tây Sơn Quang Trung – Nguyễn Huệ, còn chiếc hồ nằm ở phía trước sân chùa có tên là “Hồ tắm tượng” gắn liền với câu chuyện về đội voi của nghĩa quân Tây Sơn sau khi hạ đồn Khương Thượng đã đến tắm tại đây. Trong chùa có bức tượng Đức Ông phía sau có dòng chữ khắc sau bệ ngồi của tượng “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng”, đó là cách mà dân làng Khương Thượng thể hiện lòng thành kính và thờ vị vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Trong không khí cả nước tưng bừng đón chào năm mới, nhiều nơi cũng diễn ra lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Ngày 18/2/2010 (mùng 5 Tết), quần chúng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã được xem lại trận chiến hào hùng tại Lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa do Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch TPHCM tổ chức tại Công viên Tao Đàn.

Tại Bình Định, ngày 17.2 (tức mùng 4 Tết Canh Dần), tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, đã diễn ra Lễ nhập điện – dâng hoa – dâng hương tưởng nhớ công đức của Hoàng đế Quang Trung, do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức.

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của vua Quang Trung là dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. /.

Các đoàn đại biểu dâng hương. Ảnh. Internet

Ghi lễ được cử hành. Ảnh. Internet

Màn rước. Ảnh: Internet

Màm múa rồng, lân. Ảnh: Internet

Màm biểu diễn võ thuật. Ảnh: Internet

Múa cờ. Ảnh: Internet

Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân. Ảnh: Internet

Cinet