Hát bả trạo, trong lễ hội cầu ngư

Dân tộc: Kinh
Địa điểm: Các tỉnh ven biển miền Trung: Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh
Thuận,…
Nội dung chính: Hát bả trạo, còn gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò
đưa linh, vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian có yếu tố tâm linh của cư
dân ven biển từ Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam tới Bình Thuận. Hát bả
trạo là hát có kèm các động tác múa, trong đó “bả” có nghĩa là nắm chắc,
“trạo” có nghĩa là mái chèo. Đây là loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm
linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca
(hát nam, hát khách, tán, nói lối), những động tác múa. Tùy từng vùng biển,
tục lệ hát bả trạo được tổ chức định kỳ theo năm hoặc vài năm tổ chức 1 lần
với mục đích lễ tế cá Ông. Lời hát bả trạo chủ yếu ca ngợi công đức của cá
Ông, đồng thời cầu xin cá Ông phù hộ để ngư dân được bình an giữa biển
khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá; cũng có những lời hát mô tả cảnh lao động
sản xuất của người dân trên biển.
Hát bả trạo gắn liền với lễ hội cá Ông (lễ hội Cầu ngư, lễ tế cá Voi) của
cư dân ven biển miền Trung, được tổ chức 2 ngày, khoảng tháng giêng đến
tháng 3 Âm lịch hằng năm, với các nghi lễ: Nghinh thần, Cầu an. Trong lễ
nghinh thần, các lão ngư làng chài chỉnh tề lễ phục, mâm cúng, cùng đội quân
hát bả trạo đến trước đình cá Ông để thực hiện các nghi lễ Nghinh Ông cùng
màn hát bả trạo, hát chèo thuyền đặc trưng của cư dân biển. Mâm cúng có đầy
đủ các sản vật biển. Nghi lễ hóa sớ, cúng cầu ngư, lời nguyện cầu trước biển
và mong ước một năm bình an, cá tôm đầy khoang. Sau phần lễ diễn ra các
trò: thi đan lưới, thi làm gỏi cá, lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, hô bài
chòi…
Hát bả trạo, trong lễ hội cầu ngư tại lăng ngư Ông, Bảo tàng Văn hóa
các dân tộc Việt Nam, do đoàn nghệ nhân, nghệ sỹ tỉnh Quảng Nam trình
diễn.