Nghệ nhân Hoàng Văn Lưu – huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng giới thiệu về quy trình làm đàn Tính. Các dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống ở vùng thung lũng Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam coi cây đàn tính chính là linh hồn của mình. Đàn tính là do thần ban tặng cho cách làm, cách đánh, nên phải tự làm đàn tính để sử dụng. Đàn tính được kết hợp với nghệ thuật múa, hát then trong những dịp lễ hội: cầu an, cầu mùa, gọi hồn, lẩu then…, gửi lời cầu khẩn đến nhà trời giúp mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, sung túc. Nghệ nhân làm đàn tính phải có đủ thời gian để làm bầu đàn và cần đàn. Theo kinh nghiệm, khi làm đàn, ông Lưu luôn tính toán sao cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Đầu tiên, ông cưa quả bầu thành 1/3, tách hột ngâm nước một tuần. Ngâm nước xong, tiếp tục dùng xơ mướp đánh nhẵn phần vỏ phía ngoài rồi mới phơi khô, rồi làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, mỏng, được gắn vào vỏ bầu bằng nhựa cây hồng, nay được chuyển dùng keo. Cần đàn được làm bằng gỗ cây dâu, vừa nhẹ, bền, không bị mọt. Dây đàn trước kia se bằng sợi tơ tằm, đến nay chủ yếu dùng dây cước gồm 3 dây. Dây son tượng trưng cho tiếng thánh thót của người mẹ. Dây đồ là tiếng của người cha. Dây sòn ở giữa là tiếng tâm tính của đất và nước. Trải qua bao đời, cây đàn tính luôn song hành cùng với bài hát Then, để gửi gắm triết lý nhân sinh, vũ trụ, lời cầu an, cầu phúc cho các thế hệ tương lai, vì cuộc sống dài lâu.
Giới thiệu về cây đàn tính và cách làm đàn Tính
- Tỉnh thành: Cao Bằng
- Dân tộc: Tày
- Loại dữ liệu: Video
- Nguồn dữ liệu: Bảo tàng VHDT Việt Nam