Độc tấu sáo H’Mông, sáo bầu “Giai điệu bản xa”

Dân tộc : H’Mông
Địa điểm: tỉnh Nghệ An
Nội dung chính: Sáo H’Mông, sáo bầu là những nhạc cụ đặc sắc của dân tộc H’Mông, được sử dụng để giải trí sau giờ phút lao động mệt nhọc. Nó được coi là phương tiện giao duyên, biểu đạt tình cảm trong lòng của các chàng trai, cô gái dân tộc H’mông.
Sáo H’Mông cổ truyền làm bằng ống nứa dày hoặc trúc, dài khoảng 20 cm và có đường kính khoảng 0,7 cm. Trên 1 đầu ống có lưỡi gà đồng. Trên thân ống có từ 2 đến 4 lỗ bấm, nằm cùng hàng. Người thổi ngậm cả đầu ống có lưỡi gà vào 1 bên miệng để thổi. Sáo H’Mông hiện đai, người thổi chỉ cần áp vào phần thân ống có lưỡi gà vào miệng, rồi dùng đôi môi bịt quanh lưỡi gà để thổi. Khi thổi, những lỗ bấm được bịt hoặc mở, chúng sẽ phát ra âm thanh cao thấp khác nhau. Để diễn tấu sáo H’Mông, người thổi thường cầm ngang sáo và sử dụng các kỹ thuật rung, đánh lưỡi, phi, nhấn hơi, vuốt và láy.
Sáo bầu về cơ bản có cấu tạo như sáo H’Mông, nhưng nắp miệng thổi của sáo bầu được cấu tạo phức tạp hơn, bao gồm 1 ống bầu (làm bằng vỏ quả bầu khô hoặc quả bầu bằng nhựa, cũng có khi là kim loại), 2 thanh bè (2 thanh bè có gắn lam đồng, nhưng bé hơn, chỉ có tác dụng tạo âm bè, khi mở nút bè, nếu bịt kín, xem như nó không có tác dụng) và một khớp nối để xử lý lam đồng khi gặp trục trặc. Vì phải thổi hơi qua ống bầu to, nên thổi sáo bầu sẽ khó hơn, tốn lực hơn, dễ bị ngắt tiếng, đặc biệt khó thổi các kỹ thuật đánh lưỡi đơn, lưỡi kép, reo lưỡi và rung hơi. Tuy nhiên, cô gái dân tộc H’Mông Hoàng Thu đã thổi rất tài tình, tạo nên âm hưởng trong trẻo, mượt mà, chuyển tải khung cảnh núi rừng thiên nhiên Nghệ An, dẫn nhịp cho các điệu múa cộng đồng.
Độc tấu sáo H’Mông, sáo bầu do Thu Hoàng cùng tốp phụ họa đoàn đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An biểu diễn.