Bao giờ cảnh tượng bát nháo mới chấm dứt trong Lễ hội Bà Chúa Kho?

25/02/2010 10:31 CH Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

(Cinet) – Không biết từ khi nào người dân gán cho đền Bà Chúa Kho đã có tiếng là nơi linh thiêng, ai muốn phát tài phát lộc thì đầu năm đến làm lễ vay tiền bà Chúa, cuối năm trả lễ Bà. Vì vậy ai cũng muốn chuẩn bị cho mình những mâm lễ cúng có giá trị quy ra tiền thật có khi từ vài trăm ngàn, tới vài triệu đồng. Ước tính có hàng tấn vàng mã được đốt trong những ngày diễn ra lễ hội, quy ra mỗi ngày có hàng chục triệu đồng bị… đốt thành tro.

Tại khu vực làng Cổ Mễ, cách khu di tích hơn 2 km, nhưng đội quân cò đã đứng khắp hai bên đường. Hễ thấy du khách là họ tranh nhau phóng xe lên mời chào, năn nỉ, rai rẳng gây cảm giác khó chịu, tuy nhiên cũng chẳng ai dám phản ứng vì “Đất khách quê người”.

Trên đoạn đường dẫn vào đền Bà chúa Kho, các cửa hàng bán đồ lễ, vàng mã, dịch vụ đổi tiền, viết sớ đua nhau trưng biển, gọi mời, chéo kéo du khách. Đi sâu vào trong càng tấp nập, các bãi gửi xe tư nhân mọc lên như nấm, nhưng vẫn có nơi từ chối khách vì không còn nổi nửa mét để nhồi xe. Xe máy, ôtô với đủ biển số từ các tỉnh xa gần.

Tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc, khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cổ Mễ, Thượng Đồng, giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp… Sau này bà trở thành một vị hoàng hậu (tương truyền vào thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương.

Giá các sản phẩm, dịch vụ cúng lễ trong những ngày diễn ra lễ hội khá đắt đỏ, có lẽ những người làm dịch vụ ở đây chỉ trông chờ gặt hái vào những ngày này nên giá: Một con gà luộc lên tới 200.000-300.000 đồng, đĩa xôi gấc 100.000 đồng, mâm tiền vàng từ vài trăm cho đến tiền triệu…giá thuê người bê lễ ít nhất cũng không dưới 100.000 đồng, vì hiếm có vị khách nào, kể cả đàn ông trai tráng dám tự bê lễ trong dòng người chen dày đặc như thế.

Tại sân đền Bà Chúa Kho luôn có cả chục người ôm sách tử vi, tướng số, đĩa tụng kinh… bám sát từng khách mời mua. Họ còn vào cả nơi du khách đang tập trung khấn vái để giao bán. Những người chụp ảnh thuê, đổi tiền lẻ cũng đông đảo không kém.

Cảnh tượng người chen lấn, kẻ xô đẩy, đặt cho bằng được tiền vào các mâm trên bàn thờ, hay nhét tiền qua song cửa tạo nên một khung cảnh nhốn nháo, lộn xộn. Trước cửa cung, kệ lớn nhiều tầng đặt đồ lễ nặng trĩu, chất chồng, ngồn ngộn trước mắt.

Cũng dễ hiểu vì sao, Ban quản lý lễ hội, Lễ tưởng niệm bà Chúa Kho năm nay chỉ tổ chức tế lễ chứ không có lễ rước nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động làm lễ của du khách, tránh tình trạng chen chúc xem dẫn đến mất mát đồ đạc, tư trang.

Thiết nghĩ để lễ hội thực sự về với đúng nghĩa của nó, những người làm công tác tổ chức cần có những biện pháp cứng rắn hơn nữa, sao cho du khách đến với lễ hội không mang trong mình tâm trạng nặng nề./.

Cinet