Ấn tượng Lễ hội làng Xuân Phả 2010, Thanh Hoá

26/03/2010 4:46 CH Ảnh: Internet

(Cinet) – Trong Lễ hội làng Xuân Phả 2010, đặc biệt thu hút sự chú ý của khán giả là màn trình diễn Trò Xuân Phả, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa sau hàng trăm năm qua cho đến ngày nay.

Mở đầu lễ hội, các giáp lần lượt rước cỗ xôi lên Nghè làm lễ tế Thành Hoàng, cộc tế theo đúng khuân thức, quy định của triều đình phong kiến từ trang phục đến nghi thức tế lễ. Gồm có: 3 ông Mạnh Bái, 6 Bồi Bái, 2 Đông Tây xướng và 8 thị vệ cầm binh khí đứng hai bên. Ống Mạnh Bái dâng hương đến cửa Nghè, quỳ xuống, ông Từ trong Nghè đỡ tiếp dâng vào bàn thờ, ông Từ Cả đánh tiếng kẻng, người dâng hương ở cửa đứng dậy, lui ra sân, về vị trí làm tiếp theo sự dẫn chương trình của ôn Đông xướng và Tây xướng cho đến khi kết thúc.

Tế lễ xong, mọi người ra về, các con Trò trong các điệu múa của các giáp chuẩn bị trang phục cho cuộc trình diễn trò Xuân Phả. Năm điệu múa cổ đặc sắc độc đáo, có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò: Hoa Lang, Ai Lao, Tú Huần, Chiêm Thành và Ngô Quốc, mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt, được trình diễn tại lễ hội đã thu hút đông đảo bà con từ cách vùng lân cận đến xem.

Trước khi diễn ra lễ hội, gần nửa tháng, khoảng 20 thành viên thường là các lão nông và trai đinh, họ phải luyện tập ngày đêm để thành thạo các vai diễn. Vai chúa là vai quan trọng nhất của 5 “nước trò” sẽ được giao cho người có kinh nghiệp diễn, nhưng phải là các cô gái trẻ đẹp trong làng đóng. Đặc biệt, những người tham gia các vũ điệu trong trò Xuân Phả đều đeo mặt nạ được tô vẽ, sơn phết.

Với màn trình diễn của các đạo cụ được chế tạo từ tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si và các loại nhạc cụ gồm: Trống, nhị, hồ, thanh la, não bát kết hợp với những điệu múa cổ đặc sắc đã đến cho du khách thập phương những ấn tượng khó quên.

Trước kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong năm thôn, mỗi thôn đảm trách một trò. Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật, và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đo&rave;n rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Múa Xuân Phả đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Xưa kia, Nguyễn Trãi đã dựa theo trò múa Xuân Phả để sáng tác múa Chư hầu lai triều cho Vua Lê Nhân Tông. Ngày nay, nhiều nhà biên đạo múa cũng dựa vào tinh hoa ở trò múa này để sáng tạo nên các tiết mục múa đặc sắc như bây giờ./.

Cinet