Dân tộc: Cơ Tu
Địa điểm: Quảng Nam
Nội dung chính: Cây nêu (x'nur) (cột buộc trâu) luôn chiếm vị trí quan trọng
trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Nó gắn liền với hoạt động nghi lễ trong
các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến
tế mừng đám cưới..., thể hiện sự sinh sôi nảy nở, là vật thiêng liêng kết nối
với thần linh, ông bà, ma tốt và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm
no, an lành, hạnh phúc của đồng bào Cơ Tu. Vì thế, trước khi làm lễ đâm trâu,
đồng bào Cơ Tu đều dựng cây nêu, chôn chắc cột trâu dưới sân nhà Guol (nhà
rông). Khi làm lễ đâm trâu và cúng hồn lúa, già làng cùng đội cồng chiêng,
đội múa đi vòng quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ để chơi bài tiễn
biệt trâu (khóc trâu). Sau đó là lễ cúng hồn lúa, nhảy múa bên cây nêu, trong
tiếng hò reo của cộng đồng và âm thanh náo nhiệt như thúc dục của dàn cồng
chiêng. Họ đâm trâu, tế Yang, tấu cồng và múa để bày tỏ ước nguyện sức
khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân
làng đoàn kết và thương yêu nhau, làm ăn no đủ. Sau phần lễ, mọi người cùng
uống rượu cần, thưởng thức ẩm thực truyền thống, nhảy múa tung tung, da dá
trên nền nhạc cồng chiêng, trống và các loại nhạc cụ bằng tre, nứa.
Từ tất cả nền cốt đó, cây nêu đã trở thành trung tâm cho những người tham
gia lễ hội nhảy múa, sáng tạo, khắc họa bản sắc văn hóa dân tộc, những phút
giao hòa của con người với thiên nhiên vạn vật, con người với con người
trong cuộc sống hằng ngày của người Cơ Tu.
Múa “Dưới bóng cây nêu” do tập thể nam nữ đoàn nghệ thuật quần chúng
tỉnh Quảng Nam biểu diễn.