Dân tộc: Chứt
Địa điểm: Tỉnh Hà Tĩnh
Nội dung chính. Chư ra bon (đàn nứa), khèn môi là những nhạc cụ truyền thống, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của dân tộc Chứt. Cây đàn Chư ra bon của người Chứt là 1 ống nứa, 2 dây cước, chạy song song theo ống nứa và 1 thanh nứa mỏng dùng để kéo đàn, tạo nên âm thanh, lúc réo rắt, lúc du dương. Trước khi kéo đàn, người Chứt thường làm ướt thanh nứa, dây cước buộc vào ống nứa không được quá chặt, cũng không quá lỏng. Ống nứa non hay già, to hay nhỏ, ngắn hay dài sẽ tạo ra những tiếng đàn khác nhau. Đàn Chư ra bon được biểu diễn bên bếp lửa hay ngày lễ hội của bản làng. Đặc biệt dịp mùa xuân, đàn Chư ra bon được biểu diễn để đón chào mùa xuân, chúc nhau những lời tốt đẹp, thủ thỉ câu chuyện cùng anh em trong họ tộc, dân bản hay thay lời giao duyên đôi lứa.
Hát cây đàn Chư ra bon là sáng tác mới, nói về cây đàn Chư ra bon truyền thống, quan trọng của người Chứt:
“Chư Ra Bon cung bậc hồn nhân gian nối tiếp
Nhúng vào ngày thăng trầm, ẩm mốc rấm vào đêm
Khúc dân ca chưa hết điệu Sử Tiêng
Về bản Rào Tre cùng cây đàn Chư Ra Bon anh hát”
Hát cây đàn Chư ra bon, sáng tác: Nguyễn Đình Đức, lời thơ: Đào Minh Sơn do Công Ánh và tốp múa đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn.