Đi tìm Quốc hiệu trong Di sản Mộc bản Triều Nguyễn

ha 427 Videos
29,912Lượt xem

Giới thiệu chung: Từ khi dựng nước cách đây hơn 4000 năm, nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm với những biến động của lịch sử. Minh chứng rõ ràng cho điều đó là trên dưới 10 lần đổi quốc hiệu. Mỗi lần đổi dời có một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều đánh một dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại, biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Khối Mộc bản Triều Nguyễn còn lại đến ngày nay còn lưu giữ khá đầy đủ những thông tin về quốc hiệu của nước ta từ trước năm 1945.
XÍCH QUỶ
Xích Qủy, tên nước đầu tiên từ truyền thuyết về thủy tổ của dân tộc Việt là Kinh Dương Vương, cho đến nay vẫn còn ít được chú ý. Tuy nhiên, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, cái tên này đã được đưa vào bộ chính sử xưa nhất của Việt Nam.
Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Ðế họ Thần Nông là Ðế Minh sinh ra Ðế Nghi, sau Ðế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương. Vua là bậc thánh trí thông minh, Ðế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Ðế Minh mới lập Ðế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
Văn Lang: Sau khi Hùng Vương lên ngôi, cái tên Văn Lang mới được coi là quốc hiệu chính thức đầu tiên của nước ta.
Lãnh thổ Văn Lang phía đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Ðộng Ðình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành. Ngày nay là toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vua Hùng đóng đô ở Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ, chia đất nước làm 15 bộ để cai quản.
Thục An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc
Trải qua 18 đời Hùng Vương, sau hơn 2600 năm tồn tại, cái tên Văn Lang bắt đầu được thay thế, đánh dấu sự chuyển dời sang một đế vương mới.
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 2 lưu lại sự kiện này.
Sau khi lấy được nước Văn Lang, Thục Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đắp thành ở Việt Thường rộng cả ngàn trượng. Thành ấy, được xây đắp theo kiểu vòng tròn như hình con ốc, cho nên được gọi là Loa Thành.
Lãnh thổ Âu Lạc bao gồm phần đất của Văn Lang trước đây, và có sự mở rộng thêm vùng núi Đông Bắc Việt Nam ngày nay.
Đến khi Triệu Đà đem quân đánh chiếm Âu Lạc, cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, quốc hiệu Âu Lạc cũng không còn.
VẠN XUÂN
Đến năm 544, Việt Nam bước vào một thời kỳ độc lập ngắn ngủi, một quốc hiệu mới cũng ra đời tại thời điểm này.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 14, 15 chép:
Vua họ Lý, tên húy là Bí, người Thái Bình, phủ Long Hưng...
Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, quân Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Tên nước là Vạn Xuân có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời. Vua còn cho dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội. (Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 4, mặt khắc 2).
Nước Vạn Xuân tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị nhà Tùy xâm chiếm và đô hộ.
ĐẠI CỒ VIỆT
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài cho dân tộc. Tuy nhiên thời điểm đó, đất nước chưa có quốc hiệu.
Phải đến năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, ông mới đặt quốc hiệu đất nước là Đại Cồ Việt, đánh dấu sự ra đời của một quốc gia thống nhất, độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền, có tổ chức quân đội riêng.
Kinh đô đất nước đặt tại Hoa Lư.
“Hoa Lư ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế thuộc Ninh Bình. Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư.” (Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 5, mặt khắc 24).
Suốt 86 năm sau đó, quốc hiệu Đại Cồ Việt được duy trì, với 8 đời vua, ở 3 triều đại kế tiếp là Đinh, Tiền Lê và Lý.
ĐẠI VIỆT
Bước sang triều đại nhà Lý, sau khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La vào năm 1010, thì năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đã cho đổi quốc hiệu đất nước thành Đại Việt.
Có thể nói đây là quốc hiệu tồn tại lâu dài nhất của nước ta cho đến nay, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, với khoảng 750 năm tồn tại. Tuy nhiên trong quãng thời gian đó, đã có những khoảng gián đoạn của lịch sử, quốc hiệu Đại Việt bị thay đổi trong 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh.