Đi tìm ấn tích xưa: Phong Nha – Kẻ Bàng, dấu ấn từ quá khứ

ha 427 Videos
1,033Lượt xem

Sông Gianh – ranh giới phân chia hai bờ Nam Bắc thời đất nước phân tranh, đã ghi dấu những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc. Dòng sông kỳ vĩ chảy trên đất Quảng Bình đã được vua Minh Mạng cho khắc vào Cửu đỉnh đặt tại Thế Miếu.
Bên bờ Nam dòng sông này có một dãy núi đá vôi hùng vĩ, không chỉ ghi những dấu ấn lịch sử mà còn là một kỳ quan được thiên nhiên ban tặng cho nơi này.
Giới thiệu chung
Quảng Bình là tỉnh miền trung có diện tích hẹp nhất tính theo chiều Đông Tây của dải đất hình chữ S. Một vùng đất khắc nghiệt với gió Lào và cát trắng. Nhưng thiên nhiên cũng bù đắp cho nơi này một kiệt tác của tạo hóa. Động Phong Nha - núi Kẻ Bàng, một dải kỳ quan nằm sâu trong lòng núi thuộc huyện Bố Trạch và huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Với hơn 300 hang động lớn nhỏ, hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ với những hình dạng quyến rũ, đẹp mắt nhất.
Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào các năm 2003 theo tiêu chí giá trị địa chất, địa mạo và năm 2015 theo tiêu chí sinh thái đa dạng sinh học. Cùng với vẻ đẹp thì câu chuyện về nguồn gốc, quá trình khám phá và gìn giữ Phong Nha - Kẻ Bàng của các bậc tiền nhân luôn là một giá trị cần khai phá.
Nguồn gốc và lịch sử khám phá hang động
Theo dòng lịch sử, người Việt đã biết đến Phong Nha Kẻ Bàng từ lâu. Nhưng do địa thế hiểm trở cùng với sự hạn chế về khả năng và kỹ thuật để khám phá hang động, nên phải đến thế kỷ XIX, sau những cuộc thám hiểm của người Pháp và người Anh, sự kỳ vĩ của hệ thống hang động mới dần được hé lộ.
Đầu tiên phải kể đến chuyến thám hiểm của Linh mục người Pháp Léopold Michel Cadière vào cuối thế kỷ XIX. Ông đã phát hiện ra trên các vách đá trong hang động có nhiều văn tự bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ và suy tôn Phong Nha là "Đông Dương đệ nhất động".
Năm 1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát đã đánh giá rằng động Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng trên thế giới về vẻ đẹp, sự phức tạp về cấu tạo và quy mô của nó.
Đến năm 1935, một người dân địa phương đi hái mây đã tình cờ phát hiện ra một động khô nằm gần động Phong Nha. Động này cũng nằm trong khối núi đá vôi Kẻ Bàng nhưng lại không có sông ngầm và sau này được biết đến chính là động Tiên Sơn.
Sang thập niên 90 của thế kỷ XX, những cuộc thám hiểm quy mô hơn cùng sự vào cuộc của rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã phát hiện thêm nhiều hang động mới, đem đến những hiểu biết toàn diện hơn về hệ thống hang động này.
Được coi trọng trong quá khứ
Trải qua thời gian, khi lật giở lại những tư liệu lịch sử trong khối Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thực tế trong quá khứ, các bậc tiền nhân đã sớm nhận ra và hết sức coi trọng vẻ đẹp của Phong Nha.
Theo Mộc bản sáchĐại Nam nhất thống chí, Động Phong Nha được gọi là động Thầy Tiên. Động Thầy Tiên “ở cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía Tây, lại có tên là động Núi Thầy, lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rủ xuống, hoặc như cây hoa, hoặc như chuỗi ngọc, hoặc như tượng phật, hoặc như gấm vóc, phong cảnh thanh u, cửa động nhỏ hẹp, theo dòng nước đi vào khoảng hơn trăm trượng, thì địa thế mở rộng, có một đống cát trắng, trước kia có tượng đá như hình người tiên, người địa phương phụng thờ ở đây. Triều trước sắc phong làm thần Hiển linh, ban cấp cho đồ thờ, chép vào điển thờ, sau trải qua binh cách, bị bỏ đã lâu, đến năm Minh Mạng thứ 5, gia phong làm thần Ưng Diệu”.(Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 36)
Sách Đồng Khánh địa dư chí, mục Danh thắng Quảng Bình thì chép:
Nói về cảnh thiên nhiên kỳ diệu thì có động Tiên Sư, suối đá trong xanh tịch mịch khiến cho người ta rất yêu thích… di tích ngàn thu chỉ còn lưu lại cái tên Tiên Sư (Thầy Tiên), Tiên Nữ, rốt cuộc thì cũng chẳng biết rõ thời đại họ tên thế nào.
Có thể thấy dưới thời phong kiến, Phong Nha – Kẻ Bàng đã được coi là một kì quan thiên thiên và một chốn linh thiêng.
Cái tên Phong Nha có lẽ cũng đã xuất phát từ lâu theo sự phát hiện này.
Có người cho rằng tên gọi Phong Nha xuất phát từ hình ảnh những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng trên sân chầu hay ở quan thự. Người ta đã lấy nghĩa khác trong chữ Hán: chữ Phong nghĩa là đỉnh núi, Nha có nghĩa là quan lại để đặt tên cho động Phong Nha.
Cũng có người giải thích nôm na rằng, chữ Phong trong tiếng Hán là Gió, chữ Nha là Răng. Khi vào trong có gió thổi và những nhũ đá rũ xuống tua tủa trong lòng hang nên gọi là “ Phong Nha”, nghĩa là gió luồn qua kẽ răng.
Theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa (nay là thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Điều này cũng giống trong ghi chép của sách Đồng Khánh địa dư chí.