Đi tìm ấn tích xưa: Dấu ấn Hải Vân quan qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn

ha 427 Videos
6,399Lượt xem

Trên con đường xuyên Việt qua dải đất miền Trung nắng gió, đèo Hải Vân là một thắng cảnh mà ai cũng muốn ít nhất một lần chinh phục. Đây là con đèo đầy hiểm trở, cao nhất trong các đèo dọc theo Quốc lộ 1 ở Việt Nam, và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển. Từ quá khứ đến hiện tại, nó vẫn luôn là một trong những con đèo trọng yếu nhất của đất nước.
Nguồn gốc, tên gọi và vị trí chiến lược của Hải Vân
Đèo Hải Vân hay còn gọi đèo Mây, đèo Ải Vân, có chiều dài khoảng 20km, uốn lượn như dải lụa giữa không trung, dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây, là ranh giới tự nhiên giữa các khu vực hành chính trong lịch sử, và ngày nay là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Trước đây, vùng đất này vốn thuộc về 2 châu Ô, Lý của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân dâng lên vua Trần Anh Tông làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân vào năm 1306. Không rõ thời còn thuộc vương quốc Chăm-pa, núi Hải Vân mang tên gì và từ sau ngày về với Đại Việt tên Hải Vân do ai đặt thì chưa tìm thấy tài liệu nào khẳng định. Chỉ biết năm Hưng Long thứ 15 (1307), vua Trần Anh Tông cho đổi Châu Ô, Châu Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Theo đó, vùng đất từ Thừa Thiên cho đến huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam ngày nay) là thuộc Châu Hóa. Và cũng từ đó, đèo Hải Vân đã chính thức trở thành một địa danh của quốc gia Đại Việt. Đó cũng là khi bắt đầu một hành trình đầy đổi thay của con đèo này. Trên đèo, người ta vẫn còn thấy rất nhiều di tích của một thời quá vãng. Đó chính là dấu ấn của một vị trí chiến lược từng rất quan trọng trong lịch sử. Một trường lũy quân sự được xây dựng một cách kiên cố và hệ thống.
Hải Vân quan – trường lũy quân sự quan trọng
Thời kỳ đất nước phân tranh, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong tích cực mở mang bờ cõi về phía Nam. Thấy xứ Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, nên thường để ý đến vùng đất này.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 21 có chép: Năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng “Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, liền vượt qua núi xem xét hình thể dựng trấn dinh, xây kho tàng chứa lương thực, sai Hoàng tử thứ 6 đến trấn giữ.
Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn lấy niên hiệu là Gia Long, Hải Vân lại trở thành một vị trí có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, là tường thành bảo vệ kinh đô Huế. Vua Gia Long cho người tới Hải Vân khai thác tài nguyên, tuyển mộ dân phu sửa sang lại đường xá, cắt cử quan trấn thủ trên Hải Vân quan và các cửa biển.
Để kiểm soát việc ra vào Kinh đô về hướng Nam, các vị Hoàng đế đều chăm lo phòng bị cho nơi này. Cửa hùng quan được xây dựng kiên cố, chắc chắn hơn còn trang bị đầy đủ các loại vũ khí.
Ngay trên đỉnh dèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại. Đó là những cửa đèo và thành lũy đắp ngang được xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn. Cửa trông về phủ Thừa Thiên được vua Minh Mạng cho khắc ba chữ “Hải Vân quan” vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (có nghĩa là cửa ải hùng mạnh nhất thiên hạ).
Coi đây là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng, vua Minh Mạng đã phái biền binh gồm 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến trấn giữ. “Súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng”. Có thể thấy, vua Minh Mạng hiểu rất rõ vị trí “yết hầu” trong việc quan phòng vệ quốc ở nơi này. Tuy nhiên, Đèo Hải Vân nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, cheo leo, hiểm trở. Trên đỉnh đèo, quanh năm mây phủ. Dưới chân đèo là vực thẳm biển sâu nên trong nhiều thế kỷ, đường Cái Quan (nay là Quốc lộ 1A) băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại. Dân gian có câu: “Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.
Núi Hang Dơi cửa biển Hải Vân là nơi đã gây ra nhiều tai họa nguy hiểm cho thuyền bè đi lại. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 66 còn ghi chép về việc hai thuyền hiệu là An Ba và Tĩnh Lãng chở của kho ở Bắc Thành, bị bão làm chìm ở dương phận núi Hang Dơi cửa biển này.