Giới thiệu chung: Qua các đồ án quy hoạch mà người Pháp dày công xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt luôn được định hình là thành phố dành cho người Âu.
Vậy nên, người Pháp đã dành những không gian đắc địa để xây dựng các công trình kiến trúc mà ai cũng biết là không dành cho người bản xứ.
Kiến trúc Đà Lạt: Theo thống kê, Đà Lạt có hơn 1.300 công trình kiến trúc, biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc châu Âu. Do vậy, nơi đây được coi như một “Bảo tàng kiến trúc địa phương của Pháp”. Dọc theo tuyến đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Trần Phú, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một không gian châu Âu từ cuối thế kỷ 19. Những biệt thự vườn cổ kính mang dáng dấp kiến trúc miền Bắc nước Pháp với ống khói lò sưởi đặc trưng thỉnh thoảng phả những làn khói xanh vào không gian lạnh vắng. Từ trên ngọn đồi cao, Dinh Toàn quyền Đông Dương ẩn hiện giữa những tán thông trập trùng gắn liền với quần thể biệt thự từng là nơi dành cho quan chức Pháp sinh sống và làm việc. Cách đó không xa, khách sạn 5 sao đầu tiên của Đà Lạt là Langbian Palace được người Pháp xây dựng trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước. Nơi đây từng lưu dấu là nơi mà bảo Đại lần đầu gặp gỡ Nam Phương hoàng hậu và chính là nơi diễn ra Hội nghị Đà Lạt giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp vào năm 1946. Cạnh đó Du Parc, một khách sạn được xây dựng vào năm 1922 theo phong cách kiến trúc Pháp hiện đại cũng đang được bảo tồn, gìn giữ như cách nay gần 100 năm. Chìm đắm trong không gian kiến trúc xưa, du khách bỗng chốc cảm thấy mình như nhà du hành vượt thời gian trở về với những năm tháng xưa của một thời quá vãng.
Dấu ấn Lycée Yersin: Thời khắc 3h30 phút ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbian đã trở thành dấu ấn quan trọng đối với Đà Lạt. Không chỉ có vậy, Yersin còn là người đề xuất xây dựng Viện Pasteur tại đây và đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học để đời cho hậu thế. Năm 1927, theo đề xuất của Nha học chánh, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định ngày thành lập Trường Lycée Đà Lạt.(4c.01+4c.02+4c.03) Đây là Trường Trung học Pháp thứ 3 tại Việt Nam sau Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (4c.04) và trường Albert Sarraut ở Hà Nội.(4c.05) Các Trường Pháp này được lập ra để giảng dạy theo chương trình hoàn toàn giống bên Pháp dành cho con em người Pháp và người bản xứ thân Pháp. (4c.06) Ban đầu trường chỉ giảng dạy bậc Tiểu học sau là Trung học và cả Tú tài toàn phần. Năm 1934 Toàn quyền Đông Dương tiếp tục phê chuẩn cho Nha học chánh một mảnh đất 14ha 94 ở Đà Lạt để xây dựng trường Grand Lycée. Hiện nay, trong phông lưu trữ Tòa Khâm sứ Trung Kỳ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn lưu giữ được … bản vẽ kỹ thuật khổ lớn cùng nhiều tài liệu giá trị về quá trình xây dựng công trình này. Năm 1935, công trình được khánh thành và tổ chức khai trương với sự tham dự của bác sĩ Yersin, khi đó đã gần 80 tuổi. Tháng 4/1937 chính quyền Pháp đã sát nhập trường Grand Lycée và trường Petit Lycée thành một trường và lấy tên là Lycée Yersin để tri ân những đóng góp cho thành phố Đà Lạt. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, nét quyến rũ đặc biệt là dãy lớp học được xây dựng phá cách theo một đường cong mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng. Cuối dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian cao nguyên xanh thẳm. Với những nét tinh tế, độc đáo, công trình này đã được các nhà phê bình, các kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Vượt qua không gian, thời gian và những tên gọi khác nhau, trường Lycée Yersin vẫn hiện hữu nhiều dấu ấn của Yersin. Ngôi trường là niềm kiêu hãnh, sự tự hào của biết bao thế hệ học sinh. Nơi đây không chỉ là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu mà là địa điểm thu hút khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm khi du lịch đến Đà Lạt.
Kết luận: Còn nhiều những công trình kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt mang những giá trị còn mãi với thời gian đang chờ được tiếp tục khám phá và đánh thức. Cùng với đó, không gian cảnh quan Đà Lạt như cũng níu chân người ở lại.