Lời Thì Thầm Từ Quá Khứ - Những dấu chân thầm lặng

ha 427 Videos
22,384Lượt xem

“Đi ngược thời gian tìm cội nguồn đích thực Lưu trữ còn nặng nợ với nước non”. - Lưu trữ Việt Nam thời kỳ Phong kiến: Nước Việt ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi một thời kỳ, các bậc tiền nhân đều để lại cho hậu thế những trang sử hào hùng, vẻ vang qua những di tích, di chỉ khảo cổ. Và đâu đó, chúng ta còn thấy những dấu ấn thầm lặng của tài liệu lưu trữ đồng hành cùng lịch sử. Đó là thông tin được lưu truyền trên những văn bia, sách cổ và đặc biệt là qua các mộc bản. Do phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chống đồng hóa của ngoại thuộc, đến nay, những dấu tích lịch sử thời kỳ phong kiến qua tài liệu lưu trữ chỉ còn lại không nhiều, do Triều đình nhà Nguyễn lưu giữ được đồng thời tiếp tục biên soạn, khắc in. Để biên soạn chính sử cho triều đình và sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí .., triều Nguyễn đã cho thành lập Quốc Sử quán và xây dựng hệ thống nhà kho bảo quản tài liệu như Nội Các, Tàng Thư lâu hay Tàng bản đường. Tuy nhiên, việc bảo quản tài liệu vẫn còn thiếu thốn về cả thiết bị và kỹ thuật. - Lưu trữ Việt Nam thời Pháp thuộc: Sau khi xâm lược nước ta, do phải tập trung khai thác thuộc địa và đàn áp các phong trào yêu nước, chính quyền thực dân Pháp vẫn chưa chú ý đến công tác lưu trữ. Vì vậy, tài liệu bị chất đống và không có kho chứa. Phải đến tháng 6 năm 1917, một chuyên gia về lưu trữ - cổ tự học đã được cử đến Đông Dương, đó là ông Paul Boudet (Pôn-Bu-đê). Ngay sau đó, Pôn-Bu-đê bắt tay vào điều tra tình hình tài liệu hành chính trong các xứ của Liên bang Đông Dương. Trong báo cáo khảo sát của mình, Pôn-Bu-đê đã nhận xét: “Không có một nguyên tắc sắp xếp tài liệu nào được áp dụng trong các tỉnh, mỗi người làm theo một sở thích riêng của mình...” Trước tình hình đó, ngày 29/11/1917, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Đến năm 1918, Toàn quyền Đông Dương lại tiếp tục ban hành Nghị định thành lập 5 kho lưu trữ tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Viêng Chăn. Đây được xem là bước ngoặt lớn đối với lưu trữ Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Bước đầu, việc lưu trữ tài liệu có sự quản lý tập trung của chính quyền Trung ương theo phương pháp khoa học cùng với đội ngũ viên chức được đào tạo bài bản. - Lưu trữ Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa: Kế thừa những thành quả về lưu trữ mà người Pháp để lại tại Trung kỳ và Nam kỳ, Chính quyền Việt Nam cộng hòa sau khi được thành lập (1955), đã có sự quan tâm nhất định đối với công tác lưu trữ, đặc biệt là khâu tổ chức bảo quản tài liệu. Tuy nhiên, trong quảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1975, công tác lưu trữ đã không còn được quan tâm như trước. - Lưu trữ cách mạng Việt Nam từ 1945 đến nay: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác lưu trữ, 6 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho thành lập Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc, đồng thời bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc của Nha này. Đến tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Thông đạt gửi các bộ ngành yêu cầu giữ gìn và nghiêm cấm tiêu hủy tài liệu. Đây là văn kiện chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng của nhà nước về Lưu trữ. Năm 1958, một đoàn cán bộ được cử đi học tập về công tác lưu trữ tại Trung Quốc. Đây được xem là thế hệ cán bộ đầu tiên của lưu trữ cách mạng của Việt Nam. Năm 1962, Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng được thành lập. Từ đây, nước ta có một cơ quan đầu ngành giúp Chính phủ quản lý tập trung thống nhất về lưu trữ. Một trong những thành tích nổi bật đó là bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ trong điều kiện chiến tranh chống phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Để có được thành quả đó, biết bao cán bộ lưu trữ đã hy sinh bản thân, không hề run sợ trước đạn bom, nhiều đêm ngủ hầm, hang động để gìn giữ khối tài liệu quý. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong sự phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV: Tiếp bước thế hệ đi trước, những người làm công tác lưu trữ hôm nay vẫn miệt mài bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - nguồn di sản vô giá mà cha ông để lại. Là một trong 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV được thành lập vào năm 2006 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bằng quyết tâm và lòng yêu nghề, đội ngũ công chức viên chức của Trung tâm đã xếp những viên gạch đầu tiên xây dựng nên một điểm đến văn hóa, lịch sử tại thành phố Đà Lạt thơ mộng. Ngày nay, Trung tâm được biết đến không chỉ với vẻ đẹp của một khu Biệt điện xưa, mà ở đó còn có sự cống hiến thầm lặng của những con người đang cần mẫn đưa quá khứ sống lại với hiện tại, góp phần đánh thức giá trị của tài liệu, đặc biệt là Mộc bản Triều Nguyễn sau nhiều năm dài ngủ yên.