Lời Thì Thầm Từ Quá Khứ - Ngô Đình Nhu và “cơ duyên” với ngành Lưu trữ

ha 427 Videos
1,001Lượt xem

- Ngô Đình Nhu được biết đến là kiến trúc sư của chế độ Việt Nam Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm. Mặc dù chỉ xuất hiện với chức danh Cố vấn chính trị, nhưng Ngô Đình Nhu có thể triệu tập và chủ trì các cuộc họp Nội các, họp Hội đồng liên bộ với thành phần là các Bộ trưởng và tướng lãnh quân đội. Nhận xét về vai trò của Cố vấn Nhu, tướng Cao Văn Viên đã từng nói: “Ông Ngô Đình Diệm chỉ là một Symbol, một biểu tượng mà thôi; ông không thể làm gì nếu không có Cố vấn Nhu bên cạnh.” - Giới thiệu về thân thế và gia đình của Ngô Đình Nhu: Trước khi được biết đến là một nhân vật quyền lực sau Tổng thống Diệm, Ngô Đình Nhu từng là một nhà Lưu trữ tài năng. Theo sơ yếu lý lịch, Ngô Đình Nhu là con trai của cựu Thượng thư Bộ Lễ Ngô Đình Khả. Ông sinh ngày 07 tháng 10 năm 1910 tại xã Phước Quả, tổng Cự Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, nhưng nguyên quán ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. - Quá trình học tập tại trường Chartes của Pháp: Năm 1932, Ngô Đình Nhu sang Pháp theo học tại Trường Đại học Paris chuyên ngành Ngôn ngữ. Sau đó, ông tiếp tục theo học tại Trường Quốc gia Cổ tự học và tốt nghiệp năm 1938. Trong quá trình học tập, không chỉ khẳng định được tài năng của mình, Ngô Đình Nhu còn rất khôn khéo tận dụng thế lực của gia đình tiếp xúc với nhiều giới chức người Pháp, trong đó có ông Pôn Bu-đê - Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. - Ngô Đình Nhu làm việc cho Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương: Anh trai Ngô Đình Nhu khi đó là Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi đã viết thư gửi Pôn Bu-đê để nhờ vả nhưng cũng cho thấy thế lực của ông ta ở An Nam, đồng thời đề nghị ấn định thời gian bổ nhiệm Ngô Đình Nhu vào ngạch trước khi về nước. Và thông qua Thống sứ Bắc Kỳ, viên quan cai trị có chức quyền cao nhất tại Bắc Kỳ, một lần nữa Ngô Đình Nhu lại được tiến cử. Nhờ sự tác động, tiến cử đó cùng mối quan hệ tốt đẹp với ông Pôn Bu-đê, hai ngày trước khi nhận bằng tốt nghiệp, Ngô Đình Nhu đã được Toàn quyền Đông Dương tuyển dụng vào làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương với chức danh Quản thủ viên phó hạng ba, ngạch nhân sự người Âu với mức lương rất cao 16.600 francs. Trong thời gian làm việc, Ngô Đình Nhu được Giám đốc Pôn Bu-đê đánh giá là “một Lưu trữ viên Cổ tự trẻ đầy triển vọng”. Năm 1942, mặc dù “đầy nuối tiếc” nhưng Pôn Bu-đê vẫn phải cử Ngô Đình Nhu vào Huế thành lập một cơ quan lưu trữ để tổ chức lại tài liệu của Chính phủ Nam triều theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Qua những nội dung trong tài liệu lưu trữ, có thể thấy được vai trò của Ngô Đình Nhu đối với lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp. Ông đã “chứng tỏ bản lĩnh của một người có học thức, một công chức đặc biệt với phong cách làm việc đầy nghị lực”; góp phần quan trọng vào việc tập trung nguồn tư liệu về cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều. Với những đóng góp này, Ngô Đình Nhu đã được ban thưởng huân chương Kim Khánh hạng 3. - Ngô Đình Nhu làm việc cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Cách mạng Tháng Tám thành công, với chính sách trọng dụng nhân tài, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bổ nhiệm Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc. Nhưng không lâu sau đó, vào tháng 11 năm 1946, Ngô Đình Nhu đã tự ý bỏ việc để theo đuổi “giấc mộng chính trường”. Từ đây, ông chính thức từ bỏ vai trò là một nhà lưu trữ để đi theo con đường chính trị. Năm 1955, sau khi Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống ở miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Nhu tham gia hoạt động chính trị với vai trò là cố vấn đặc biệt cho Tổng thống. - Mối nhân duyên giữa Ngô Đình Nhu và Lưu trữ: Cho dù đã cố để từ bỏ nhưng lưu trữ vẫn như một mối lương duyên gắn với cuộc đời và tên tuổi của Ngô Đình Nhu. Vào năm 1959 – 1960, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho chuyển Mộc bản Triều Nguyễn và các cổ thư khác từ Huế về bảo quản tại chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia tại Đà Lạt. Dù trên những văn bản này không có tên Ngô Đình Nhu, nhưng một điều chắc chắn rằng, vai trò của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu trong việc này là không hề nhỏ. Tháng 11 năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Gia sản nhà họ Ngô trong đó có khu Biệt điện Trần Lệ Xuân tại Đà Lạt bị chính quyền tịch thu và sử dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Nhưng! Như một cơ duyên, năm 1984, Khu Biệt điện này được Nhà nước giao cho Cục Lưu trữ Nhà nước dùng làm kho lưu trữ, bảo quản tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn. Và đến năm 2006, nơi đây trở thành trụ sở của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Với quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi, đội ngũ công chức viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã biến Biệt điện Trần Lệ Xuân từ nơi bị lãng quên trở thành một trong những điểm du lịch yêu thích của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Lạt.