Dân tộc: Chăm
Địa điểm: Ninh Thuận
Nội dung chính: Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm bao gồm trống Gineng, kèn Saranai, trống Baranưng. Đó là ba nhạc cụ quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội (Katê, Rija Nagar, hay Ramawan) của đồng bào Chăm. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất. Trống Gineng nghe rộn ràng, hùng hồn, mang âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến. Trống Baranưng là nhạc cụ tượng trưng cho vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Khi sử dụng, nghệ nhân đặt trống trước ngực, vừa giữ trống, vừa vỗ, với cách thức vỗ trọn bàn tay để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay để tạo âm thanh bổng. Kèn Saranai là nhạc cụ đặc biệt nhất trong các nhạc cụ của người Chăm. Kèn có phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng, để khuếch đại âm thanh. Người Chăm coi 3 nhạc cụ trên tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Baranưng là thân thể, Saranai là phần đầu của con người. Do đó, khi sử dụng phải có đủ bộ cả 3 nhạc cụ này. Bộ 3 nhạc cụ tấu lên rộn ràng, trầm bổng..., thì âm thanh của chúng trở thành phương tiện giao kết với thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, cuộc sống bình yên, no đủ.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm do các nghệ nhân dân tộc Chăm làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận biểu diễn.