Lễ hội cầu ngư

ha 427 Videos
30,308Lượt xem

Dân tộc : Kinh
Địa điểm: quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng
Nội dung chính: Lễ hội cầu ngư của ngư dân tại Lăng ngư ông Tân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Những ngày diễn ra lễ hội, trên mỗi thuyền đều đặt bàn hương án, bày đồ lễ cúng, chăng đèn kết hoa.
Lễ hội cầu ngư diễn ra các nghi thức truyền thống như lễ nghinh thần, tế âm linh, tế chánh cầu ngư..., đồng thời lồng phát động ra quân khai thác hải sản. Sáng sớm, từ Lăng Ông, đoàn người gồm đội cờ, đội hát bả trạo, kiệu có bốn người khiêng, cùng ban tế lễ (các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế, trong trang phục áo the, khăn đóng chỉnh tề), đội học trò lễ (trong trang phục áo xanh, nẹp đỏ), dân làng… tiến về đình làng Tân Thái để thỉnh văn (văn tế).. Sau khi thỉnh văn, đoàn rước đi dọc bờ biển để về lại lăng Ông, đặt Văn tế trang trọng ở gian thờ chính của Lăng.
Lễ chính của lễ hội cầu ngư, vị chánh bái thực hiện nghi thức cúng, đọc văn tế, tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông, cầu mong Cá Ông chứng giám lòng thành, phù hộ cho dân chài một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn, xuôi chèo mát mái, tôm cá đầy thuyền. Tham gia thực hiện các nghi lễ cúng bái là những vị cao niên trong làng, đội học trò lễ. Tiếp theo là nghi thức xây chầu hát hội trước Lăng. Ở đó, có một trống chầu được che bằng khăn đỏ. Một vị cao niên trong làng sẽ đánh những hồi trống khai chầu, các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục với lời ca mong bà con ra khơi thắng lợi.
Phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian vùng biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Các tiết mục hát tuồng, hát hò khoan, múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Đến tối, dân chài làm lễ phóng đăng, thả thuyền, phóng sinh..., cúng các linh hồn đã khuất trên biển. Cuối cùng là phá cỗ, hưởng lộc, cầu may.