Trích Lễ hội Gàu Tào

ha 427 Videos
6,937Lượt xem

Dân tộc: H’Mông
Địa điểm: Vùng núi cao phía Bắc Việt Nam
Nội dung chính: Lễ hội Gầu tào của người H’Mông thường được tổ chức khi gia đình nào đó không có con, ít con, sinh con một bề hoặc gia đình có người hay ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất bát, vật nuôi còi cọc, kinh tế sa sút. Cả hai trường hợp trên, gia đình đều lên đồi Gầu tào khấn xin thần linh ban cho con cái, người ốm khỏe lại, tai ương đã hết, thỏa mãn ước nguyện, thì mùa xuân năm đó, người ta sẽ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn. Trung tâm của Lễ hội Gầu tào là cây nêu bằng tre phải được làm theo nghi thức: chủ tế cúng lễ chặt tre dưới gốc cây, đi vòng quanh cây nêu ngược chiều kim đồng hồ, mọi người đi vòng tròn theo chủ lễ, vừa đi ông vừa hát bài chặt cây nêu, mỗi vòng đều phải chém nhẹ vào gốc cây một nhát làm lý. Hết bài hát, người ta chặt cây tre đổ về phía mặt trời mọc, không được để cho cây tre đổ hẳn xuống đất, mà đỡ cây tre lên vai, tỉa cành, để nguyên ngọn, vác một mạch đến bãi hội (gốc đi trước, ngọn đi sau), dựng nêu, ngọn hướng về mặt trời mọc. Dựng xong cây nêu, người ta dâng lễ (gồm gà, rượu, gói cơm, tiền mã), cúng báo thần linh biết việc tổ chức Gầu tào. Lễ hội Gầu Tào do 1 gia đình tổ chức, nhưng thu hút cả cộng đồng tham gia. Vì thế, ngày lễ chính, ngoài nghi lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Ngày thứ ba, sau phần hội, chủ tế làm lễ hạ nêu, vác cây về nhà làm lễ đón nêu. Chủ lễ đứng ngoài cửa, treo chai rượu, mẹt thóc lấy từ ba bông lúa treo trên cây nêu, tượng trưng cho việc mang phúc, lộc về cho gia đình. Gia chủ đóng cửa, ở trong nhà rót hai bát rượu chờ sẵn đợi chủ lễ hát bài mang cây nêu về sẽ hát bài đón nhận cây nêu, rồi mở cửa. Chủ lễ đổ rượu, vãi gạo vào trong nhà, ngược lại, chủ nhà mời chủ lễ uống rượu, trao vuông giấy đỏ, trong có chút tiền tạ ơn. Chủ lễ trao lại cho gia đình dải vải lanh. Hai thanh niên mang đoạn gốc tre vào giao cho gia chủ. Đoạn gốc tre sau đó sẽ được chủ nhà dùng làm giát giường. Dải vải lanh được dùng để may trang phục cho đứa trẻ hoặc cho người ốm, do hứa làm Gầu tào mới khỏi.
Trích đoạn lễ hội chỉ gợi mỡ phần lễ, tập trung vào trích đoạn các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian của cộng đồng trong lễ hội Gàu tào. Mọi người tham gia trình diễn múa khèn, múa võ, hát hội Chù Gầu tào, hát giao duyên, thi bắn nỏ, đánh yến, đấu khèn, thổi sáo, thổi kèn lá, hát dân ca... Cuộc vui kéo dài đến tối, thậm chí, nam nữ hát đối đáp thâu đêm.