Trích đoạn lễ cưới truyền thống

ha 427 Videos
1,181Lượt xem

Dân tộc: dân tộc Chăm
Địa điểm: tỉnh Ninh Thuận
Nội dung chính: Trích đoạn lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm tại không gian nhà người Chăm tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Người Chăm duy trì chế độ mẫu hệ theo chiều dài của lịch sử nên chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái, gái đi hỏi chồng, người con trai theo về nhà gái. Đám cưới tổ chức vào các tháng 3, 6, 10 và 11 Chăm lịch (kém tháng dương lịch 2 tháng). Cưới vào ngày chẵn hạ tuần thuộc Mẹ (âm): 2, 4, 6, 8, 10, 12 và 14 Chăm lịch. Lễ cưới thường thì diễn ra trong 2 ngày và 1 đêm với các nghi thức quan trọng, gồm: Lễ Akad Nikad (lễ hôn phối); lễ Takhôk Khage (lễ lên ghế), đêm Malâm Anưk Thàgà (đêm con gái); lễ Penan Tin (lễ đưa rể).
Ngày đầu tiên là ngày họp họ, làm bánh để dùng trong lễ cưới, thường có 3 loại là bánh bông lan, bánh ba lỗ và món cơm cà ri bò. Ngày thứ 2 là ngày “lên ghế” (lên giường), trong ngày này nhà gái và nhà trai tự làm lễ cầu nguyện ở gia đình, người đại diện sẽ đọc những lời chúc cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống bình an, hạnh phúc, sau đó mời cơm dân làng. Ngày thứ 3 là ngày diễn ra lễ Pengan Tin, còn gọi là “lễ đưa rể”. Trong ngày này, một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể đến nhà gái. Một vị chức sắc có uy tín trong làng cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ, theo sau là đoàn người họ nhà trai cầm lọng, ô, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát rộn ràng đến tận cổng nhà cô dâu. Nhà giá mời chú rể và toàn bộ nhà trai vào nhà, hai họ ngồi trên sàn gỗ để tiến hành các nghi thức cưới xin. Sau khi thầy cả và họ nhà trai tuyên bố đưa chú rể đến tiến hành hôn sự, một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Koran thì cha của cô dâu đứng dậy, tiến đến trước mặt chàng rể, hai người bắt tay nhau trước sự chứng kiến của hai người làm chứng theo đúng nghi lễ cưới xin của đạo Hồi. Sau nghi lễ “bắt tay giao con”, ông thầy cả hoặc người có uy tín ở nhà trai dắt chú rể đi thẳng vào phòng cô dâu. Tới phòng, chú rể đến bên cô dâu lấy tay nhổ cây trâm cài trên đầu đặt xuống giường, hành động nhổ cây trâm có ý nghĩa là cây hoa này đã có chủ rồi.
Tiếp đó, chú rể bước lên giường cưới, ngồi cạnh cô dâu và kính cẩn nghe thầy thuộc Thánh đường Hồi giáo thực hiện nghi lễ đọc kinh cầu nguyện, chúc phúc cho hai người. Sau nghi lễ này, cô dâu, chú rể mới được bước ra ngoài chào hỏi quan khách và mời những người đến dự lễ cưới, rồi tất cả ăn bánh và nghe ca hát chào mừng… Sau bữa ăn tối, trong phòng cưới, bốn người phụ nữ sẽ chuẩn bị một cái chậu thả vào đó 10 đồng tiền xu. Cô dâu và chú rể sẽ mò, ai mò được nhiều hơn người đó sẽ có tiếng nói hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Sau hôn lễ, chú rể phải ở nhà cô dâu ba tối đầu tiên. Sau đó, việc ở rể hay làm dâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình.