Dân tộc: Khmer
Địa điểm: tỉnh Sóc Trăng
Nội dung chính: Trích đoạn Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, tỉnh Sóc
Trăng. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là tết năm mới (còn gọi là lễ chịu tuổi)
của người Khmer. Tết diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15/4 Dương lịch. Đây là lúc
giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, giống
như là sự khởi đầu của một năm mới. Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong ba ngày:
Ngày thứ nhất: chọn giờ tốt (7 giờ sáng, 5 giờ chiều hay 12 giờ đêm, tùy theo
năm), mọi người tắm gội, mặc đẹp, mang lễ vật vào chùa làm lễ rước lịch “Maha
Sangkran”. Dưới sự hướng dẫn của Acha, mọi người xếp hàng đi quanh chính điện
làm lễ, tụng kinh, lễ Phật mừng năm mới. Đêm xuống, trai gái trong phum, sóc tụ
tập về sân chùa múa dù-kê, rô-băm, lâm-thôl.. Ngày thứ hai: Buổi sáng, Phật tử
làm lễ dâng cơm cho sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người làm ra
hạt thóc, đưa vật thực đến những linh hồn thiếu đói, làm lễ chúc phúc cho Phật tử.
Buổi chiều, dân làng làm lễ đắp núi cát thành ngọn núi nhỏ ở chín hướng. Theo chỉ
dẫn của vị Acha, tất cả làm lễ quy y cho núi, vì núi là tượng trưng cho vũ trụ, riêng
ngọn núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Việc “Phúc duyên đắp núi cát”
(Anisong Puôn Phnom khsach) là tập tục lưu truyền theo sự tích về một người làm
nghề săn bắn, đã từng giết rất nhiều loài thú. Ông được một nhà sư hướng dẫn tích
phước bằng cách đắp núi cát, để bớt bị ám ảnh bởi những loài thú mà ông đã săn
bắn, cho đến một ngày ông về với cõi Phật. Ngày thứ ba là lễ tắm Phật, diễn ra sau
khi các tín đồ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư sãi. Dân làng dùng nước tinh
khiết có ướp nước hoa vẩy lên tượng Phật và các nhà sư cao niên. Kết thúc, sư sãi
đến tháp cốt làm lễ cầu siêu cho vong linh người đã khuất, phật tử về nhà làm lễ
tắm tượng Phật tại gia. Sau nghi lễ, các con cháu mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lễ,
xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ, để sang năm mới mọi người
trong gia đình phấn đấu tốt hơn.
Trích đoạn Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng tại Làng
văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.