Giới thiệu quy trình làm khèn

ha 427 Videos
1,277Lượt xem

Dân tộc: H’Mông
Địa điểm: tỉnh Lào Cai
Nội dung chính: Khèn là nhạc cụ có ý nghĩa trong đời sống của đồng bào
H’Mông. Khèn chỉ dành cho nam giới thổi trong tang ma, lễ hội, lúc đi nương, đi
chợ. Khèn gồm có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này
xuyên qua 1 bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với 1 ống trúc khác
tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng
nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra
âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào hoặc
hít ra, khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ
mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có 2 lưỡi
gà song song phát ra đồng âm.
Để làm ra một chiếc khèn H’Mông, cần phải có bộ dụng cụ sắc bén gồm 2
con dao, cưa dài, ngắn, các loại đục, khoét lỗ, thông nòng, dùi lỗ, trụ tán ống miệng
khèn, mũi sắt để định vị đai khèn, miếng sắt để nung chảy đồng, khuôn đổ đồng,
búa tán đồng... Đầu tiên, người thợ vào rừng tìm gỗ cây thông đá, chọn khúc gỗ có
thớ gỗ thẳng, không cong vênh về làm bầu khèn. Bên cạnh gỗ, họ còn chọn những
cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô, lấy vỏ cây đào rừng để
quấn quanh bầu khèn. Cây gỗ sau khi chặt hạ được cắt từng khúc khoảng 80 cm,
đem về nhà làm khèn. Từ lúc cây tươi, người nghệ nhân đã phải tạo dáng, cưa đôi
bầu khèn, dùng đục khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân khèn lại như
cũ, buộc chặt lại bằng vỏ đào rừng để nhựa tự kết dính. Sau đó, cắt ống kim loại
(xưa là đồng, nay là nhôm) tán dần ra, một đầu to, một đầu nhỏ làm miệng khèn.
Làm xong thân họ làm 6 ống trúc có độ dài, ngắn khác nhau, vót cho ống tròn đều,
thông lòng, ướm và đánh dấu kích thước xuyên qua bầu gỗ, khoét lỗ trên thân
khèn, lắp vừa bầu, đánh dấu lỗ bấm, vị trí lắp lưỡi đồng, tháo ra lần 1 để lỗ bấm,
làm lưỡi gà nhỏ bằng đồng trên từng ống sáo (tại vị trí nằm ở giữa chỗ cắm qua
bầu gỗ). Lưỡi đồng được làm bằng cách nấu đồng, tán đồng thành lá mỏng, cắt nhỏ
vừa lưỡi đồng để lắp vào ống sáo. Thổi thử từng ống sáo có âm chuẩn mới lắp ráp
vào thân khèn theo thứ tự của từng cặp ống sáo. Ống ngắn nhất dùng ống trúc to
(tý lúa) là âm cao nhất, trầm dần theo độ dài của ống. Sáu ống quan trọng như
nhau, bỏ một ống là khèn không có âm. Trước khi gắn chắc các ống sáo, phải thổi
thử khèn, có âm tốt mới gắn cố định.
Quy trình làm khèn do nghệ nhân Hoàng Seo Giáo, 56 tuổi, thôn Na Pá, xã
Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai thực hiện. Sau khi làm xong chiếc khèn
đẹp, âm thanh tốt, nghệ nhân đã thổi thử một bài khèn Tình anh em, tình bạn. Bài
khèn thường được thổi khi các bạn tâm giao đến với nhau, bên bếp lửa, vào đêm
vắng, sau khi uống rượu, ăn cơm xong, họ sẽ thổi tâm tình với nhau để biểu lộ tình
thân ái.