Thừa Thiên Huế : Rực rỡ lễ hội tưởng nhớ công chúa Huyền Trân

23/02/2010 9:38 SA

(Cinet) – Nằm trong chuỗi các hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và Festival Huế 2010. Lễ hội đền Huyền Trân diễn ra vào ngày 21/2/2010 tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế), đã thu hút hàng nghìn người dân trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước tham dự.

Đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an được tổ chức tại đền thờ Huyền Trân công chúa và đền thờ vua Trần Nhân Tông, diễn ra trang nghiêm, thành kính. Hơn 1.500 tăng ni, đạo hữu, phật tử cầu nguyện cho đất nước hưng thịnh, nhà nhà no ấm, hạnh phúc…Đông đảo người dân trong tỉnh Thừa Thiên Huế và du khách trong và ngoài nước tham dự lễ hội cũng dâng hương lên công chúa Huyền Trân và Phật hoàng Trần Nhân Tông, cầu mong mọi điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước và gia đình mình.

 Ban điều hành lễ hội Huyền Trân công chúa phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức “Lễ hội hoa đăng” tại khu đền Huyền Trân công chúa. Tại đây, hơn 1.000 hoà thượng, thượng toạ, tăng ni, phật tử cùng tham gia rước đuốc từ tháp chuông Hoà Bình và thả hoa đăng trên các hồ ở Trung tâm văn hoá Huyền Trân.

Tuy phải leo hàng trăm bậc đá để lên được Tháp chuông Hoà Bình trên đỉnh núi Ngũ Phong, ở độ cao 108m so với mực nước biển, nhưng hàng trăm người vẫn muốn được tự tay gióng một hồi chuông Hoà bình – chiếc chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn và cao 2,16m.

Phần hội với những màn múa: lục cúng hoa đăng, dòng sông lỗi nhớ, Huỳnh kỳ khai hội …diễn ra rất đẹp mắt và ấn tượng.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động: Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái, dân an”; Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc”; Thắp sáng 1000 hoa đăng chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội; Trưng bày và giới thiệu các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Huế như nón lá, thêu, dệt thổ cẩm, chạm khảm, điêu khắc, đúc đồng, mây tre đan; triển lãm thư pháp; triển lãm tranh thiếu nhi; nghệ thuật hô bài chòi, biểu diễn cờ người, thi cắm hoa và ẩm thực các miền…

Việc tổ chức Lễ hội Huyền Trân hàng năm là việc làm có ý nghĩa, nhằm ghi nhận công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công mở nước. Đồng thời, đây là dịp tuyên truyền, quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế./.

Khúc giao hòa “Hồn thiêng sông núi”. Ảnh: Internet

Điệu múa Lục cúng hoa đăng. Ảnh: Internet

Tiết mục hát múa “Dòng sông nỗi nhớ”. Ảnh: Internet

Hàng ngàn người tham gia lễ hội. Ảnh: Internet

Cinet tổng hợp