Nghê thêu truyền thống ở Đông Cứu

Đông Cứu là một làng thuộc Ngũ Xã xưa, gồm các thôn Đông Giai, Đông Cứu, Bình Lăng, Quất Động, nay thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội và đều có chung ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành (tên thật là Bùi Công Hành). Ông Bùi Công Hành học được nghề thêu khi được cử đi sứ sang Trung Quốc vào đời Lê Thái Tông (1433 – 1442). Về nước, ông truyền nghề thêu cho các làng Ngũ Xã (mỗi làng được truyền một kỹ thuật riêng để làm ra các sản phẩm khác nhau: đồ vải thờ; giày, hia, lọng, nón, quạt; khăn áo…).

Hiện nay, Đông Cứu là một trong những làng giữ được nghề truyền thống với lối thêu, kỹ thuật thêu cổ, chuyên về thêu phục chế và phục vụ tâm linh như hia, hài, lọng, tàn tán, trang phục tế, trang phục hầu đồng. Những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều người thợ thêu ở Đông Cứu lên Hàng Nón, Hàng Quạt ở khu vực Phố Cổ Hà Nội để thêu thuê. Khoảng những năm 70, nghề thêu có phần bị mai một. Sau năm 1986, nghề thêu phục vụ tâm linh bắt đầu phát triển. Từ năm 2000 trở lại đây, nhiều đình, đền chùa và các lễ hội ở miền Bắc được phục dựng trở lại. Nhờ vậy, nghề thêu ở Đông Cứu có nhiều khởi sắc, các thợ thêu giỏi đã có xưởng thêu tay tại nhà.

Nguyên liệu dùng trong nghề thêu ở Đông Cứu gồm: các loại vải, chỉ/sợi, bông, rơm, xốp…nguồn gốc trong nước hay ngoại nhập (Trung Quốc, Ấn Độ…). Công cụ gồm: khung chữ nhật và khung tròn, trong đó, khung chữ nhật được dùng phổ biến hơn; các loại kim thêu, bắt nét kim tuyến và thắt thịt; bánh vàng dùng cuốn sợi kim tuyến; đê đeo bảo vệ ngón tay, máy thêu các loại; dầu hỏa để in kiểu; phấn vẽ; dùi mút thấm hỗn hợp dầu hỏa và phấn bột để in kiểu; giấy ca hoặc mica dùng để châm kiểu.

Để bắt đầu với thêu phục chế, người thợ trước tiên phải đánh giá mẫu để nắm kích thước, chất liệu vải, họa tiết của sản phẩm, xác định màu chỉ để tìm màu hoặc tạo màu cho phù hợp; thêu thường thì phụ thuộc vào sáng tạo của người thợ hoặc theo đơn hàng.

Sau đó, người thợ chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện như: chọn vải; chọn chỉ (chỉ màu, sợi kim tuyến và chỉ chặn kim tuyến) và sơ chế sợi chỉ cho phù hợp như: hồ, nhuộm; các nguyên liệu tạo khuôn cốt dùng cho sản phẩm như hia, mũ… gồm: giấy, gỗ, tre, kim loại, vải dệt bằng sợi đay và gai…

Tiếp theo, người thợ vẽ mẫu để thêu trên sản phẩm. Đối với thêu phục chế, quan trọng khi vẽ mẫu là phải tính toán được phần dư để kích cỡ và họa tiết không bị hao hụt khi hoàn thiện. Với những sản phẩm bị mất nhiều chi tiết hoa văn, người vẽ phải am hiểu các quy luật của mẫu mã truyền thống, nhất là quy luật đối xứng. Đối với sản phẩm phục vụ tâm linh, không theo mẫu, nghệ nhân có thể tự sáng tác bằng kinh nghiệm tích lũy được với các mẫu họa tiết truyền thống và trau dồi thêm từ các tài liệu. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống Việt Nam, một số gia đình còn làm sản phẩm cho người nước ngoài với yêu cầu các họa tiết theo mẫu mã truyền thống của họ.

Sau vẽ mẫu, người thợ sẽ châm kiểu, xé vải và in kiểu. Người thợ đặt bản vẽ mẫu và bản giấy can (hoặc mica) chồng lên nhau, dùng kim châm theo các đường nét vẽ mẫu xuyên qua các mặt giấy để tạo thành các lỗ nhỏ trên giấy can hoặc mica. Sau đó, sẽ tạo thành đường nét đầy đủ về họa tiết cần thêu trên giấy can. Người thợ tiếp tục vẽ phác thảo sản phẩm cần làm, vẽ hoa văn và họa tiết lên đó rồi xé vải và thêu theo mẫu. Khi có bản mẫu châm kiểu, người thợ xếp bản mẫu châm kiểu lên vải, dùng cây thước dài chặn tấm vải để tránh bị nhăn và xô lệch hình in, dùng dùi mút chấm vào hỗn hợp dầu hỏa và bột phấn, thoa đều lên mặt của bản mẫu châm kiểu. Qua các lỗ nhỏ, dầu hỏa và phấn lắng xuống, phấn bám vào mặt vải thành các chấm nhỏ tạo thành đường nét của họa tiết cần thêu. Riêng mũ và hia phải làm khung trước sau đó mới in kiểu được. Hia thường dùng giấy bồi lên thành cốt, đế có thể sử dụng bằng cao su hoặc gỗ, nếu là gỗ thì phải chọn gỗ loại gỗ nhẹ và có khả năng chống mối mọt như gỗ bồ đề, gỗ xoan lõi mua ở bến Dầm (Thường Tín).

Tiếp đến là lắp khung thêu. khi các bộ phận của khung được chuẩn bị đầy đủ, người thợ dùng hai mảnh vải mỏng, trơn can ốp vào hai bên cán khung rồi đặt thanh thép dọc phía trên vải và lắp vào cán khung sau đó cuộn mảnh vải cần thêu và kéo căng (nên chăng dọc, nếu chăng ngang để thêu thì vải sẽ bị rúm). Khi cuộn xong vải sẽ lắp thanh nhành vào và làm khung căng ra, thêu cố định vải vào thanh thép, dùng dây buộc từ thanh thép đến thanh nhành. Người thợ có kinh nghiệm sẽ biết căng khung để thêu phần nào trước, để khi thêu xong, độ co giãn của vải sẽ đều, làm cho sản phẩm cân, ngay ngắn, không bị lệch. Thường phần họa tiết quan trọng được thêu sau cùng để tránh phải cuộn gập phần họa tiết thường có độn, thắt thịt…

Có hai loại kỹ thuật thêu chính là thêu chỉ và thêu kim tuyến (hay còn gọi là thêu bắt vàng). Trong đó, thêu kim tuyến thể hiện bản sắc của nghề thêu truyền thống Đông Cứu. Ngoài ra, Đông Cứu còn nổi tiếng với kinh nghiệm sử dụng kỹ thuật “gệch độn”, “chênh lề” vào từng mẫu thêu, giúp cho họa tiết nổi lên, tạo cảm giác 3 chiều sinh động như thật. Có thể chia kỹ thuật thêu Đông Cứu theo tiêu chí chất liệu sợi thêu thành nhóm kỹ thuật thêu kim tuyến và nhóm kỹ thuật thêu chỉ màu.

Thêu kim tuyến (chặn bắt vàng):

+ Bắt nét kim tuyến: nghệ nhân sử dụng kỹ thuật này để thêu đường bao, đường viền các hoạ tiết, như móng chân, vẩy rồng, chùm vân, tạo vẩy rồng… Sợi kim tuyến được đặt trên mặt vải, theo đường mẫu có sẵn (sau khi in kiểu) và chặn bằng sợi tơ. Sợi tơ này sẽ được thêu lên xuống để chặn, cố định vị trí của sợi kim tuyến trên nền vải. Điểm đặc biệt cần lưu ý khi thêu bắt nét kim tuyến là sợi tơ và sợi kim tuyến luôn luôn phải vuông góc với nhau, nếu không hình nét sẽ bị méo, lái đường nét chệch khỏi đường in mẫu. Bắt nét kim tuyến vừa để điều chỉnh lỗi thêu không đều, vừa để tăng độ sắc sảo của họa tiết, thường phải do người thợ có tay nghề cứng thực hiện.

+ Nhồi vòng quanh kim tuyến: kỹ thuật này tương tự với thêu bắt nét kim tuyến, dùng để thêu kín họa tiết nhưng để hở một phần giữa không thêu. Người thêu sẽ sử dụng 2 – 3 sợi kim tuyến xếp song song và sát nhau trên mặt vải và thêu sợi tơ chặn vuông góc. Nếu nhồi 2 sợi kim tuyến thì dùng sợi 14. Nếu nhồi 3 sợi kim tuyến thì dùng sợi 12 (nhỏ hơn). Mỗi mũi thêu chặn kim tuyến cách nhau 1,5mm. Sau khi bao quanh một vòng đường viền, người thêu tiếp tục thực hiện tương tự bao quanh tiếp vòng thứ hai hướng về phía trong của họa tiết. Vòng thứ hai sát với vòng thứ nhất, cứ như thế thực hiện 3 vòng thêu.

+ Nhồi đặc kim tuyến: kỹ thuật này được thực hiện như nhồi vòng quanh. Tuy nhiên, thay vì nhồi 3 vòng thì người thêu phải nhồi đặc 100% họa tiết, dùng trong thêu vân, thêu hoa…

+ Nhồi lộn kim tuyến: thường dùng cho các họa tiết có nhiều đoạn thắt, cong, gấp khúc (thường dùng khi thêu mây) để tránh nhiều lần cắt chỉ. Đây là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm và có mắt ước lượng tuyệt đối chính xác. Nhồi lộn tương tự như nhồi đặc kim tuyến, chỉ khác là dùng 2 sợi kim tuyến, có đường thêu đi và về. Khi thêu đường thêu đi, người thêu sẽ thêu men theo viền của họa tiết theo vòng xoay trôn ốc từ ngoài vào trong. Mỗi vòng thêu cách nhau vừa đúng một đường rộng bằng 2 sợi kim tuyến. Khi thêu hết đường thêu đi, thợ thêu sẽ lộn trở lại, thêu vào các đường khi nãy để trống và lấp đầy vào chỗ đó. Cái khó của nhồi lộn là thợ thêu phải ước lượng vừa đủ chuẩn khoảng cách các đường thêu sao cho vừa đúng 2 sợi kim tuyến, nếu rộng quá thì họa tiết sẽ bị thủng, không đẹp.

+ Thêu quắn: dùng 2 sợi chỉ, một to một nhỏ (gọi là sợi mẹ và sợi con). Người thợ se 2 sợi chỉ vào nhau: sợi mẹ ôm sợi con, cuốn theo như hạt vừng một, đều tăm tắp. Thêu quắn dùng để bắt vân mây, rồng, mặt trời, san hô, hay tạo một điểm nhấn nào đó. Quắn phải đánh đều thì thêu mới đẹp. Kỹ thuật này không phải ai cũng học được, thực tế kỹ thuật này gần như sắp mất.

+ Thắt thịt không nhồi: là một trong những kỹ thuật khó nhất của thêu trang trí họa tiết bằng sợi kim tuyến, thường áp dụng cho các họa tiết như mình rồng, phượng, cá, chim, mái ngói,… Người thêu dùng sợi lề được se từ sợi đay, giống như một dây thừng nhỏ để tạo độ cao cho họa tiết, thêu đính vào đường nét của họa tiết. Các sợi lề chặn song song trên bề mặt họa tiết, mỗi sợi cách nhau 3mm. Sau đó, dùng 3 sợi kim tuyến thêu chặn lên trên bề mặt sợi lề, cứ 2 đường sợi lề thì chặn một mũi kim tuyến. Cứ lặp đi lặp lại như vậy cho hết lượt. Từ lượt thứ hai, quay vòng chặn kim tuyến nhưng so le với vòng thứ nhất. Các vòng tiếp theo tương tự như vậy. Kỹ thuật thắt thịt đòi hỏi các mũi phải đều nhau, không hở sợi lề, co chặt sợi kim tuyến để nổi mũi thịt. Đặc biệt, không thắt mũi thịt quá dài, như vậy sẽ làm bồng mũi thịt khi tháo tấm vải ra khỏi khung.

+ Thắt thịt nhồi cao: giống kỹ thuật thắt thịt không nhồi, nhưng điểm khác là trước khi chằng sợi lề, người thợ phải nhồi cao họa tiết bằng rơm, bông để làm nổi cao họa tiết.

–  Thêu chỉ màu:

+ Móc xoắn: thêu sao cho sợi chỉ nổi lên, sờ được chỉ thành từng 3 xếp một.

+ Thêu bấm: dùng khi thêu một cụm họa tiết tóc rồng hoặc đuôi rồng: bấm mỗi mũi chỉ dài 1mm theo đường song song chéo.

+ Thêu ngang: ở những nơi khác dùng để lát nền một màu nhưng ở Đông Cứu dùng để thêu họa tiết với nhiều màu (vân – mây). Thêu mũi chỉ ngang phải theo một hàng, đều tăm tắp, mũi chỉ có độ dài 3mm, mũi thêu phải bằng nhau. Thêu ngang là kỹ thuật thêu cơ bản, thêu chính, được thêu cho phần mình của rồng phượng và các hoạ tiết hoa văn khác. Cái khó của kỹ thuật thêu này là hàng trăm, nghìn mũi đều theo chiều nhất định.

–  Một số kỹ xảo tạo sự sinh động cho họa tiết thêu:

Các kỹ năng này chủ yếu tập trung vào việc tạo sự sinh động của các họa tiết. Đặc biệt, một số kỹ xảo của thêu Đông Cứu cố gắng tạo nên sự sinh động giống như 3D của họa tiết.

+ Nhồi vảy (phượng, rồng, cá…):  nghệ nhân nhồi sao cho giữa các vảy với nhau có một khoảng cách là 1mm để thấy rõ từng chiếc vảy. Khi thêu vảy cá, nhồi từng chiếc vảy một, bắt đầu từ đuôi trước. Khi nhồi, vảy nhồi sau sẽ chùm lên vảy nhồi trước để tạo hình ảnh giống như vảy cá thật. Nhồi vảy phượng, mỗi một cái vảy sẽ có một vệt ngang giống như lông ống, nhìn rất sinh động. Nhồi vảy rồng thì nhồi kín, sao cho khi hoàn thiện thì từng vảy nổi lên như thật mà không gệch độn.

+ Để cho họa tiết giống như thật, nghệ nhân tạo độ sáng tối khác nhau của họa tiết khi thay đổi góc độ nhìn, mặc dù dùng cùng một loại chỉ và cùng một màu chỉ bằng cách thêu canh chỉ (hướng chỉ) theo các hướng khác nhau.

+ Nhồi móng rồng: khâu vải thành hình cái móng, nhồi tóc người hoặc lông đuôi ngựa vào, vê đi vê lại cho tóc chui vào kín các chỗ của móng, cắt bỏ phần thừa của tóc đi. Hiện kĩ thuật này không còn dùng nữa.

+ Ghệch: là kỹ thuật thường dùng khi thêu mép rồng để con rồng trông uy nghi, dữ. Phải có sợi lề ở dưới, sau đó thêu ghệch trùm lên trên giống như những chiếc râu sao cho kín sợi lề.

Sau khi thêu xong, người thợ phải dùng kéo bấm bỏ các đoạn chỉ, kim tuyến thừa, kiểm tra kim còn trên khung không, để chuyển sang công đoạn cắt may hoàn thiện sản phẩm. Có thể chia sản phẩm nghề thêu ở Đông Cứu như sau:

–  Phân chia theo mẫu: gồm 2 loại sản phẩm là phục chế theo mẫu và do nghệ nhân tự thiết kế.

–  Phân chia theo chất lượng: hàng rối và hàng kỹ. Hàng rối chất lượng không cao, đường kim mũi chỉ sẽ dài hơn để giảm bớt công. Hàng kỹ có chất lượng cao, mũi chỉ và bắt kim tuyến dài 0,3cm.

–  Phân chia theo đặc điểm văn hóa của sản phẩm: theo phong cách của Malaysia (với kim tuyến 7 màu), Hồng Kong (thêu chỉ và có bắt kim tuyến), áo pháp sư, trang phục truyền thống Trung Quốc, hàng khăn áo hầu bán ở hàng Quạt, áo thầy cúng dân tộc Sán Dìu,…

–  Phân chia theo chức năng sử dụng: trang phục (áo hầu đồng, áo Thành hoàng), vật dụng thờ (y môn, tàn tán lọng, hia…)

Các gia đình có tay nghề cao cũng dần khẳng định thương hiệu như: gia đình ông Vũ Văn Giỏi chuyên thêu phục chế trang phục cung đình; gia đình ông Nguyễn Đắc Bảy chuyên phục chế, làm mới tàn, tán, lọng; gia đình ông Nguyễn Văn Đốc chuyên làm hia, nón hầu, mũ hầu…

Người thợ ở Đông Cứu vừa làm nghề vừa truyền dạy theo cách cầm tay chỉ việc: bắt đầu từ dạy cách ngồi thế nào sao cho ngồi lâu mà không bị mỏi, cách cầm kim thêu, cách đâm kim thẳng, dằng kim ra sao để mũi chỉ chặt, không lỏng, bằng đều nhau; dạy cách tìm hiểu và nhận dạng mẫu: mẫu gì, phần nào thì phải dùng kỹ thuật thêu nào cho tương ứng; dạy cách thêu; dạy chăng khung, sang kiểu. Người thợ dùng “lối thêu xưa” phải theo một quy định chặt chẽ: các mũi thêu phải theo một chiều nhất định, cách rút kim theo hướng nào, kéo chỉ dài bao nhiêu, đâm kim xuống thẳng hay nghiêng… đều phải đúng quy định. Vì những quy định khắt khe nên để có thể thêu được thì người tinh ý cũng phải mất 3 – 5 tháng học việc chăm chỉ. Nếu đam mê thì người thợ có thể thêu giỏi sau 3 – 5 năm, nhưng cũng là giỏi cho một công đoạn/kỹ thuật thêu mà thôi. Ở Đông Cứu, tiêu chuẩn của mỗi mũi thêu không dài quá 3mm. Có những mũi như bấm, đột hay lại mũi thì mỗi mũi thêu chỉ dài 1mm.

Ở Đông Cứu có đền thờ Tổ nghề thêu nằm trong khuôn viên chùa, dân làng tổ chức lễ giỗ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Sáu (Âm lịch). Hiện nay, trong làng có 52 người trực tiếp nhận hàng về để thêu và thuê thợ thêu, trong đó, có 14 người mở xưởng thêu tại nhà.

Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu đã góp phần vào việc khôi phục phần nào các mảnh ghép lịch sử thông qua các sản phẩm văn hóa cổ truyền. Ngoài giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, các sản phẩm phục chế phần nào đã thể hiện giá trị lịch sử và truyền thống dân tộc. Nghề được kế tục và kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ, đã bảo lưu và lan tỏa các giá trị về kỹ thuật truyền thống và thẩm mỹ, mang lại giá trị kinh tế cao đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, nghề thêu còn góp phần gắn kết cộng đồng, xây dựng được mạng lưới những người làm nghề đông đảo, vượt ra khỏi phạm vi làng, xã, có mối liên hệ qua Hiệp hội Nghề thêu Đông Cứu.

Với các giá trị tiêu biểu, Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)